70% dự án tắc do pháp lý, ngóng chờ chính sách mới

Quốc hội dành trọn vẹn ngày 3/11 để thảo luận tại hội trường về dự án Luật đất đai sửa đổi. Đây là một dự án luật có tác động rất lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân. Dự án Luật đã được xây dựng công phu, tiếp thu góp ý từ nhân dân, chuyên gia, các bộ ban ngành, địa phương, ý kiến của đại biểu Quốc hội một cách cầu thị, trách nhiệm. Và nếu được thông qua sớm, đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng khơi thông nguồn lực đất đai.

Ngay sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu đã có ý kiến bày tỏ sự thống nhất cao với bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà Ban soạn thảo đã lấy ý kiến cử tri, nhân dân qua các cuộc họp, hội thảo, từ cơ quan địa phương đến Trung ương, các cơ quan truyền thông thông tin đến đại chúng cũng như ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong nhiều phiên họp để luật trình Quốc hôm nay. Góp ý về Điều 4 quy định về người sử dụng đất, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thống nhất chọn phương án 2 và đề nghị bổ xung thêm một số từ ngữ.

Bày tỏ quan tâm đến quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...nhiều đại biểu đưa ra ý kiến tại Khoản 32 Điều 79 quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thảo luận tại Hội trường vào sáng 3/11, một số đại biểu cho biết còn nhiều nội dung còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.

Chiều 3/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Năm 2023, theo tính toán của các chuyên gia, thị trường bất động sản đang có cả nghìn dự án “đắp chiếu”. Trong số đó, có tới 70% dự án tắc do pháp lý. Bởi pháp luật đất đai hiện hành còn nhiều điểm nghẽn, bất cập... Dự án cũ thì ách tắc, chờ chính sách pháp luật đất đai mới gỡ vướng. Còn dự án mới thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều đang nghe ngóng luật mới, đặc biệt các chính sách về định giá đất, thu hồi đất, về việc nhận chuyển chượng quyền sử dụng đất.

Không chỉ các doanh nghiệp, thị trường bất động sản mà về phía các địa phương và người dân cũng đang trông ngóng từng ngày pháp luật đất đai sớm được tháo gỡ điểm nghẽn.

Được chính thức khởi động từ cách đây 3 năm, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng hết sức công phu kể từ quá trình tổng kết thi hành, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cử tri và nhân dân. Ngoài huy động trí tuệ của toàn xã hội, sự đóng góp ý kiến của Đại biểu Quốc hội, thì phải kể tới các hội nghị, hội thảo, phiên họp, cuộc làm việc từ cấp Trung ương đến địa phương về việc sửa đổi Luật Đất đai. Con số phải lên tới hàng nghìn cuộc. Chưa bao giờ các chính sách về đất đai lại được thảo luận sâu rộng và cởi mở như thế.

Như vậy có thể thấy, tất cả người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, các địa phương đều đang rất trông chờ Luật đất đai sửa đổi được thông qua. Cử tri và nhân dân cả nước đang kỳ vọng Quốc hội thứ 6 sẽ thông qua được một đạo luật chất lượng, giải quyết những điểm nghẽn, gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/70-du-an-tac-do-phap-ly-ngong-cho-chinh-sach-moi-201387.htm