90 mùa xuân, nhạc sĩ Phạm Tuyên

Trong buổi tối cuối đông lành lạnh, người dân Thủ đô thấy hai ông già, đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên và tác giả Bài ca hy vọng - nhạc sĩ Văn Ký, đi dạo Hồ Gươm, trước ống kính... chuyện trò những cảm xúc trước mùa xuân dân tộc.

Mới bước vào những ngày đầu tháng Giêng năm 2020, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có nhiều khách. Khi thì điện thoại của bạn bè, người thân gọi về thăm hỏi chúc mừng. Khi thì mấy cơ quan truyền thông xin được gặp gỡ phỏng vấn. Đài Truyền hình Việt Nam xin làm phóng sự về ông, nhân dịp xuân Canh Tý này nhạc sĩ tròn 90 tuổi. Ông nhận lời mặc dù cũng không được khỏe, đi lại khó khăn. Thế rồi cũng vì kính phục người nhạc sĩ bậc thầy, mà các cô giáo và học trò trong Câu lạc bộ Bồi dưỡng tài năng trẻ Đoàn Thị Điểm - Hưng Yên từ quê mẹ của Phạm Tuyên, đã kéo nhau ra tận nhà riêng của ông ở phố Vạn Bảo - Hà Nội, tổ chức sinh nhật mừng thầy Phạm Tuyên lần thứ 90.

Ông bồi hồi thấy mình trẻ lại, khi được các cháu đeo cho tấm khăn quàng đỏ, lại được nghe các em hát bài Tiến lên đoàn viên trong căn phòng chật hẹp, ánh lửa ngọn nến bập bùng, ấm áp tình đời. Nhạc sĩ mấy lần lau nước mắt vì xúc động. Đấy là niềm vui đầu năm của một nhạc sĩ 70 năm tuổi Đảng, 90 tuổi đời, trùng với con số 90 năm Ngày thành lập Đảng.

Từ “cậu ấm” say mê âm nhạc...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 12/1/1930. Ngôi nhà số 5 phố Hàng Da (Hà Nội) là nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Ở đấy rất gần với rạp hát Olympia, đêm ngày vang lên những âm thanh say đắm. 6 tuổi theo cha mẹ vào Huế, sống trong gia đình thượng lưu, có ngôi biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu. “Cậu ấm” Phạm Tuyên đi học tiểu học đã tiếp cận đàn nguyệt với những bài cổ nhạc. Vào Quốc học Huế, học nhạc lý phương Tây, biết chơi phong cầm và ghi-ta, từng là bạn tri âm với nhạc sĩ Trần Hoàn.

Phạm Tuyên là con thứ 9 của ông chủ bút báo Nam Phong - Phạm Quỳnh, từng nổi tiếng với câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” từ những năm đầu thế kỷ trước. Thân phụ là nhà văn hóa, tận tâm muốn tài bồi nền quốc văn, quốc học cho dân tộc.

Sống trong gia đình thượng lưu, nhưng Phạm Tuyên giác ngộ cách mạng sớm. 19 tuổi đã thoát ly gia đình, hoạt động văn nghệ trong Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa V, trở thành anh lính Cụ Hồ. 20 tuổi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam - Ông từng là Đại đội trưởng Trường thiếu sinh quân Việt Nam, rồi cán bộ Phụ trách Văn thể mỹ ở khu học xá Trung ương (Nam Ninh - Trung Quốc) thuộc Bộ Giáo dục.

Năm 1958, Phạm Tuyên về Đài Tiếng nói Việt Nam, bắt đầu hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Ông đã từng trải qua nhiều chức vụ: Trưởng phòng Ca nhạc - Trưởng đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy viên Ban Biên tập Văn nghệ. Rồi 8 năm (1979 - 1987) làm Quyền Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật - Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam.

... Thành người nhạc sĩ tài hoa của nhân dân

Âm nhạc Phạm Tuyên giản dị nhưng không dễ dãi, có tính phổ cập mà vẫn trí tuệ, càng nghe càng thấm. Chặng đường đi lên của đất nước đều được ông ghi bằng âm nhạc, mà có đỉnh, có bia tạc hẳn hoi.

Năm 1960, kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng. Cả nước phơi phới trong nét nhạc “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng”. 15 năm sau (năm 1975), cả núi sông, cả dân tộc rộn ràng trong khúc ca thống nhất Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng.

Nếu Tiến quân ca của Văn Cao là mốc của thời kỳ giành chính quyền cách mạng, Chiến thắng Điện Biên Phủ của Đỗ Nhuận trong giai đoạn chấm dứt 9 năm kháng chiến đánh Pháp, thì ca khúc Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng là mốc son trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại giành thống nhất non sông. Riêng một tác phẩm này mà Phạm Tuyên được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, một điều từ trước tới đây chưa có tiền lệ cho giới nhạc sĩ nước ta.

Với hơn 200 ca khúc, chiếm khoảng 1/3 gia tài đồ sộ của mình, những nhạc phẩm cho mọi lứa tuổi thiếu niên nhi đồng đã được nhiều thế hệ thiếu nhi cả nước yêu thích. Những ca khúc cho tuổi mẫu giáo được phổ biến toàn quốc: Trường cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan... Đặc biệt là hầu hết được in trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục. Đa số những tác phẩm ấy, ông được người bạn đời - Phó Giáo sư - Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Ánh Tuyết giúp sức. Bà là người mẹ của hai đứa con, còn là bạn tri âm của chồng.

Mừng sinh nhật nhạc sĩ Phạm Tuyên tại nhà riêng.

Mừng sinh nhật nhạc sĩ Phạm Tuyên tại nhà riêng.

Chỉ tính từ khi làm âm nhạc chuyên nghiệp (năm 1958) cho tới lúc nghỉ hưu (năm 1994), Phạm Tuyên sáng tác khoảng 700 ca khúc trữ tình cách mạng. Những tác phẩm nổi tiếng một thời, như: Chiếc gậy Trường Sơn (năm 1967), Từ làng Sen (năm 1969), Suối Lênin (năm 1970), Tiếng hát những đêm không ngủ (năm 1970), Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng (năm 1975), Ngày thống nhất Bác đi thăm (năm 1976), Màu cờ tôi yêu (năm 1979)...

Trên chặng đường âm nhạc đầy gian nan, người bộ hành nặng trĩu đôi vai nghĩa vụ và trách nhiệm, để lại phía sau những dấu ấn, đã tạo nên 2 nốt nhấn rất ấn tượng. Đó là đề tài ca khúc về Đảng - đất nước và âm nhạc cho trẻ thơ.

Phạm Tuyên được Nhà nước trao nhiều giải thưởng lớn, nhiều danh hiệu cao quý. Ngoài các Huân chương, nhiều huy chương của các Bộ, ngành trao tặng, UBND thành phố Hà Nội tôn vinh ông là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011... Phạm Tuyên còn được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Ông tâm sự: Phần thưởng lớn nhất là được làm nhạc sĩ của nhân dân.

Năm 1945, đúng vào cái khoảnh khắc lịch sử của dân tộc, người cha mất đi, để lại một khoảng trống trong gia tộc. Thế nhưng ông đã vượt qua sự mặc cảm về thân phận, học tập và phấn đấu. Nhờ tự học, tự nghiên cứu mà sau này nhạc sĩ có thể nghe, đọc, nói 3 ngoại ngữ Pháp, Anh, Hoa.

Cũng bởi được thừa hưởng phong cách giáo dục trong một gia đình có phông văn hóa, Phạm Tuyên tiếp lửa nuôi dưỡng đức tin, tin vào cuộc đời. 19 tuổi đã là anh bộ đội Cụ Hồ, khi 20 tuổi (năm 1950) đã thành người Cộng sản.

Sinh thời GS. Văn Tạo coi Phạm Tuyên là người trí thức dấn thân. Nhà thơ Trần Đăng Khoa một lần nhận xét nhạc sĩ Phạm Tuyên đã “biến nỗi đắng đót trong cõi lòng mình thành sắc hoa vàng”. Vâng, trước hết Phạm Tuyên còn là người chói sáng một đức tin. Bởi có đức tin mà ông đã sống đến hôm nay, 90 mùa xuân và chắc chắn còn sống, còn sáng tạo và cống hiến.

Mùa xuân Canh Tý này, với nhạc sĩ Phạm Tuyên là mùa xuân hội tụ nhiều niềm vui.

Khúc Hà Linh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/90-mua-xuan-nhac-si-pham-tuyen-n169353.html