Agribank Bắc Long An, điểm tựa vững chắc cho kinh tế vùng biên
Không chỉ dẫn đầu thị phần tín dụng phục vụ tam nông tại tỉnh Tây Ninh, Agribank Bắc Long An (tỉnh Tây Ninh) còn tích cực đồng hành cùng chính quyền và người dân vùng biên phát triển kinh tế nông nghiệp.
Những năm gần đây, vùng biên giới tỉnh Tây Ninh chuyển mình mạnh mẽ với các mô hình phát triển kinh tế đa dạng. Góp phần cùng sự phát triển này là sự đồng hành của Agribank chi nhánh Bắc Long An - một điểm tựa tài chính quan trọng, đồng hành cùng chính quyền và người dân trong hành trình hiện đại hóa nông thôn, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế nông thôn có nhiều thách thức như chi phí đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ biến động, nhu cầu đầu tư ngày càng lớn, Agribank Bắc Long An đã có nhiều giải pháp chủ động và linh hoạt để giữ vững tốc độ tăng trưởng tín dụng ổn định, đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

Bà Huỳnh Thị Kim Khanh, Phó Giám đốc Agribank Bắc Long An chia sẻ về kế hoạch phát triển của đơn vị trong năm 2025.
Theo báo cáo đến ngày 30/6/2025, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh đạt gần 10.900 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2024, đạt 92,1% kế hoạch. Tổng dư nợ cho vay đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 9,5%, trong khi nợ xấu chỉ còn 0,17%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ cho phép của Trụ sở chính. Đây là thành tích nổi bật, thể hiện khả năng quản trị rủi ro hiệu quả và sự tín nhiệm từ khách hàng cá nhân đến doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong hệ thống các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Tây Ninh, Agribank Bắc Long An tiếp tục giữ vững thị phần đứng đầu, không chỉ ở quy mô vốn mà còn cả độ phủ sản phẩm, chất lượng dịch vụ và hiệu quả sử dụng vốn. Không dừng lại ở tăng trưởng tín dụng, Agribank Bắc Long An còn đi đầu trong chuyển đổi số, từng bước mang dịch vụ ngân hàng hiện đại đến gần hơn với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Sự đồng hành của Agribank Bắc Long An là điểm tựa tài chính quan trọng, cùng chính quyền và người dân trong hành trình phát triển KTXH.
Hiện tại, Chi nhánh đã hoàn thiện mạng lưới 9 máy CDM, 18 máy ATM, 104 máy POS và 91 điểm chấp nhận thẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận giao dịch không dùng tiền mặt, chuyển khoản, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn. Song song đó, Agribank Bắc Long An cũng đẩy mạnh ứng dụng ngân hàng điện tử nhằm khuyến khích người dân và hộ sản xuất nông nghiệp thanh toán điện tử.
Góp phần giảm chi phí vận hành, tăng tính minh bạch trong giao dịch, đặc biệt là rút ngắn thời gian giao dịch tại quầy. Chuyển đổi số còn mang đến lợi ích đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng biên, vốn thiếu điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức. Nhờ ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp dễ dàng quản lý tài khoản, thanh toán lương cho công nhân, mua nguyên liệu hay nhận tiền hàng nhanh chóng, an toàn.

Anh Hồ Hoàng Thuận (bìa trái), ngụ xã Bình Thành, tỉnh Tây Ninh với mô hình trồng chanh, lúa.
Một trong những điểm mạnh của Agribank Bắc Long An là khả năng thích ứng nhanh với định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Địa bàn vùng biên Tây Ninh có đặc thù vừa phát triển công nghiệp, vừa duy trì nông nghiệp và tiềm năng từ hoạt động thương mại cửa khẩu. Vì vậy, Chi nhánh luôn chủ động cơ cấu lại danh mục tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, trồng trọt chăn nuôi theo chuỗi liên kết, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã.

Cán bộ Agribank Bắc Long An tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn.
Nhiều mô hình doanh nghiệp đã thành công nhờ sự hậu thuẫn tín dụng của Agribank, từ cơ sở thu mua lúa, chế biến nông sản, đến các tổ hợp tác sản xuất chanh, rau màu. Đây không chỉ là “bệ phóng vốn” mà còn là công cụ quan trọng để người dân tự làm chủ mô hình sản xuất kinh tế bền vững. Hiện Agribank Bắc Long An còn là đối tác phát triển, tích cực tham gia các chương trình lớn như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, chính sách lãi suất ưu đãi đã giúp hàng trăm hộ thoát nghèo, ổn định thu nhập và tạo ra sinh kế bền vững tại chỗ.

Anh Nguyễn Văn Sang (bìa trái, ngụ xã Mỹ Quý, tỉnh Tây Ninh), đầu tư trại nuôi bò vỗ béo quy mô lớn.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, bà Huỳnh Thị Kim Khanh, Phó Giám đốc Agribank Bắc Long An khẳng định: “Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ phát triển tín dụng, mà còn đóng góp vào an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Đến năm 2025, Chi nhánh phấn đấu tổng vốn huy động đạt gần 11.000 tỷ đồng, dư nợ đạt gần 19.200 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ ước đạt 54 tỷ đồng”.
Để đạt được mục tiêu này, Agribank Bắc Long An tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh, an toàn và hiệu quả, cùng với đó là chuyển đổi số toàn diện. Đồng thời nâng cao năng lực phục vụ khách hàng từ đội ngũ giao dịch viên đến cán bộ tín dụng cơ sở. Với phương châm “Ngân hàng vì cộng đồng”, Agribank Bắc Long An không chỉ tạo dấu ấn bằng các con số tài chính, mà còn bằng niềm tin, sự đồng hành trách nhiệm với người dân, doanh nghiệp…