Agribank muốn được bổ sung vốn tối thiểu 10.000 tỷ đồng mỗi năm

Để dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000 -17.000 tỷ đồng vốn tự có. Tổng giám đốc Agribank đề nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế riêng cho các NHTM có vốn Nhà nước, trong đó có Agribank.

Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng

Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng

Năm 2024 đạt kết quả kinh doanh tốt nhất sau 4 năm thực hiện phương án cơ cấu lại

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 diễn ra sáng 14/12, Tổng giám đốc Agribank cho hay, dự kiến đến 31/12/2024, tổng tài sản của Agribank tăng 7,9% so với năm 2023. Nguồn vốn của ngân hàng đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Dư nợ đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023.

Đặc biệt, nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Agribank tại thời điểm cuối năm 2024 khoảng 1,6%, hoàn thành mục tiêu NHNN giao (nợ xấu dưới 2%). Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng gần 8% so với năm 2023.

Tính chung cả giai đoạn 2021-2024, Agribank nộp ngân sách nhà nước đạt trên 43.000 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm 2025, nộp trên 58.500 tỷ đồng.

“Dự kiến năm 2024 Agribank sẽ đạt kết quả kinh doanh cao nhất sau 4 năm triển khai Phương án cơ cấu lại. Bình quân 4 năm 2021-2024 các chỉ tiêu cơ bản đảm bảo tiến độ, một số chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra tại Phương án (về tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ, thu nợ sau xử lý và lợi nhuận); Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ tại VAMC chưa xử lý đến 10/12/2024 đã giảm xuống 3,74%, giảm 2,29% so với cuối năm 2021”, ông Phạm Toàn Vượng cho biết.

Cũng theo Tổng giám đốc Agribank, để hoàn thành toàn diện các mục tiêu và thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại, Agribank xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin; tập trung nguồn lực xử lý quyết liệt, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, cản trở trong công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ có vấn đề; thực hiện sắp xếp lại căn bản mạng lưới hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt trên 2 địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Đối với xử lý, thu hồi nợ xấu, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro bằng nhiều biện pháp linh hoạt như xử lý tài sản, khởi kiện, thi hành án, bán nợ theo giá thị trường, phối hợp với VAMC/DATC để xử lý nợ; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là công an, tòa án, thi hành án các cấp trong xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Giai đoạn 2021 - 2024, ngân hàng đã xử lý được gần 138.000 tỷ đồng nợ xấu. Riêng năm 2024, tổng nợ xấu xử lý, thu hồi của Agribank là 41.059 tỷ đồng, thu nợ xử lý rủi ro 11.000 tỷ đồng. Năm 2025, Ngân hàng phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1% và hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý về dưới mức 3% vào cuối năm 2025 (phấn đấu khoảng 2,6%).

Về công tác sắp xếp mạng lưới, trong năm 2024, Agribank đã hoàn thành sắp xếp lại 16 chi nhánh hoạt động kém hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro (nợ xấu cao, tài chính yếu kém), chủ yếu trên địa bàn 2 TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Năm 2025, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp mạng lưới phù hợp mục tiêu Phương án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi nhánh.

Agribank muốn được bổ sung vốn tối thiểu 10.000 tỷ đồng mỗi năm để đảm bảo nhu cầu tăng trưởng tín dụng

Năm 2025 là năm cuối cùng, có ý nghĩa quyết định thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại Agribank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Agribank nhiệm kỳ 2020-2025 và Đề án chiến lược phát triển Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để tạo tiền đề phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo, Tổng giám đốc Agribank đề nghị Chính phủ, NHNN, các Bộ ngành có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, hỗ trợ các TCTD về cơ sở pháp lý để xử lý các vướng mắc trong công tác xử lý tài sản để thu hồi tối đa nợ xấu phát sinh.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng mong muốn được bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Năm 2023-2024, Agribank đã được Chính phủ quan tâm cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, tuy nhiên, số vốn tăng thêm này chưa đáp ứng được nhu cầu tín dụng ngày càng cao, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn khi áp dụng Basel II và tiến tới là Basel III.

”Nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có). Đề nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế riêng cho các NHTM có vốn Nhà nước, trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025”, Tổng giám đốc Phạm Toàn Vượng kiến nghị.

Ngoài ra, Tổng giám đốc Agribank cũng cho rằng, trong xu thế số hóa nền kinh tế và hoạt động ngân hàng hiện nay, Agribank cần đầu tư nhiều dự án xây dựng cơ bản, dự án công nghệ để đáp ứng yêu cầu hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực này gặp nhiều vướng mắc do phải tuân thủ nhiều trình tự, thủ tục dẫn đến tiến độ thực hiện kéo dài.

Vì vậy, lãnh đạo Agribank đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn để có thể rút ngắn thời gian triển khai, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và chuyển đổi số quốc gia.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/agribank-muon-duoc-bo-sung-von-toi-thieu-10000-ty-dong-moi-nam-d232497.html