Agribank Sông Hinh góp phần xây dựng những vườn cây trái trĩu quả
Từ cuộc trò chuyện với ông Phan Thông Thái, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) – Chi nhánh Phú Yên, buổi sáng trung tuần tháng bảy chúng tôi ngược đường Tỉnh lộ 645 và Quốc lộ 29 hơn 60km để tìm hiểu hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng và dịch vụ của Chi nhánh Agribank Sông Hinh – nơi hàng chục năm qua đã triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) trước đây - nay là địa bàn 4 xã Sông Hinh, Đức Bình, Ea Bá, Ea Ly (Đắk Lắk), sau sắp xếp đơn vị hành chính vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Chi nhánh Agribank Sông Hinh cho biết, trên địa bàn 4 xã Sông Hinh, Đức Bình, Ea Bá, Ea Ly do đơn vị đảm trách, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu vẫn là sản xuất nông – lâm nghiệp và chăn nuôi. Hàng chục năm qua, các địa phương đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng và hướng đến hiệu quả kinh tế bền vững. Theo đó, đến nay tổng diện tích cây trồng hàng năm tại 4 xã nêu trên đã mở rộng 24.020 ha; trong đó có hơn 2.000 ha cây ăn quả như sầu riêng, cam, bưởi, nhãn; 1.800 ha lúa; 1.128 ngô; 8.300 ha sắn; 7.423 ha mía; 3.750 ha cây cao su…

Trưởng Phòng khách hàng Agribank Sông Hinh thăm vườn cây sầu riêng của khách hàng. Ảnh: Hữu Toàn.
Bằng nhiều giải pháp tích cực, trong những năm qua Chi nhánh Agribank Sông Hinh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân vay vốn tín dụng, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp và chăn nuôi. Tính đến nay, tổng dư nợ tại Chi nhánh Agribank Sông Hinh hơn 2.350 tỷ đồng, trong đó có 85% nguồn vốn vay đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; còn lại 15% nguồn vốn vay tiêu dùng. Theo dự ước đến cuối năm nay tổng dư nợ nguồn vay từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn 4 xã Sông Hinh, Đức Bình, Ea Bá, Ea Ly đạt khoảng 4.100 tỷ đồng; trong đó dư nợ tại Chi nhánh Agribank Sông Hinh chiếm hơn 50%. Những con số nêu trên không chỉ minh chứng rõ nét những nỗ lực tích cực trong hoạt động tín dụng, mà còn có cả sự tin yêu của đông đảo khách hàng đối với Agribank nói chung và Chi nhánh Agribank Sông Hinh nói riêng.
Chỉ riêng 5 năm trở lại đây, mỗi năm có trên dưới 5.000 khách hàng vay vốn từ Chi nhánh Agribank Sông Hinh để đầu tư sản xuất nông – lâm nghiệp, chăn nuôi; trong số đó có rất nhiều nông dân sau nhiều năm nỗ lực sản xuất kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, họ không chỉ vươn lên làm chủ những trang trại nông nghiệp, đổi mới và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, mà còn trở thành khách hàng thân tín với Chi nhánh Agribank Sông Hinh. Bên cạnh đó còn có rất nhiều hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống và sản xuất từ nguồn vốn vay của Chi nhánh Agribank Sông Hinh.

Một góc vườn chanh dây trĩu quả của ông Cao Đắc Hãng. Ảnh: Hữu Toàn.
Dường như để minh chứng thực tế, ông Dương Minh Hoàng Hưng, Trưởng Phòng khách hàng của Chi nhánh Agribank Sông Hinh đưa chúng tôi đến những ruộng mía, vườn cây ăn trái, trang trại gia súc của nhiều nông dân tiêu biểu trên địa bàn 4 xã Sông Hinh, Đức Bình, Ea Bá, Ea Ly.
Đứng bên cánh đồng mía bạt ngàn màu xanh vươn mình trong nắng gió, ông Nguyễn Minh Thương (SN 1979, trú ở thôn 2 tháng 4, xã Ea Ly) cho biết, từ một vài đám mía, đến nay gia đình ông đã mở rộng diện tích chuyên canh cây mía lên gần 400ha. Tương tự, ông Nguyễn Kim Lanh (SN 1993, trú ở thôn 2 tháng 4, xã Ea Ly) đã trở thành chủ nhân cánh đồng mía khoảng 250ha hứa hẹn một mùa vụ bội thu, khi cây mía đang lên ngôi ở vùng đất này.
Còn ông Cao Đắc Hãng (SN 1974, trú ở thôn Tân An, xã Ea Ly) hồ hởi mời chúng tôi lên xe ô tô bán tải chạy qua mấy triền đồi trên con đường mòn trong nương rẫy của gia đình ông để tham quan những vườn cây trái sầu riêng, vải, chanh dây với tổng diện tích hơn 40ha. Dừng lại bên vườn chanh dây trĩu quả, ông Hãng cho biết, mùa vụ năm ngoái giá mỗi cân chanh dây tươi chỉ 5.000-6.000 đồng, thì nay tăng lên 15.000 đồng, khoảng 15 ngày nữa sẽ thu hoạch lứa chanh dây đầu tiên ước chừng vài tấn, còn sầu riêng cũng đang cho trái sum suê, giá cả đang tăng nhưng nhiều thương lái đã đến tận vườn để đặt mua sớm.
Ông Hãng chia sẻ: “Để có được cơ ngơi vườn cây ăn trái này, gia đình tôi khởi nghiệp từ nhiều nguồn vốn, trong đó có cả vốn vay của Chi nhánh Agribank Sông Hinh”. Cũng tại thôn Tân An, xã Ea Ly, ông Nguyễn Văn Tuệ (SN 1984) sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư trang trại nuôi bò lai vỗ béo mỗi năm 250-300 con, thu lợi nhuận khá cao. Ông Tô Đình Kền (SN 1957, trú ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình) phấn khởi cho biết, nhờ sử dụng nguồn vốn vay từ Chi nhánh Agribank Sông Hinh để đầu tư đúng lúc, kết hợp vận dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình trồng trọt, nên đến nay gia đình ông đã làm chủ vườn bưởi da xanh hơn 20ha, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Một góc trang trại nuôi bò lai vỗ béo của ông Nguyễn Văn Tuệ. Ảnh: Hữu Toàn.
Đi giữa màu xanh những vườn cây trái, ruộng mía trên địa bàn 4 xã Sông Hinh, Đức Bình, Ea Bá, Ea Ly, chúng tôi bắt gặp nhiều gương mặt nông dân với nét cười rạng rỡ trên môi khi hiệu quả sản xuất, chăn nuôi nâng cao, đời sống kinh tế - xã hội vùng đất này thật sự đổi mới và phát triển, trong đó có sự đóng góp tích cực của Chi nhánh Agribank Sông Hinh từ hoạt động tín dụng dành cho nông dân.
“Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, chúng tôi thường xuyên chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp, thân thiện; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và chủ thể để phục vụ hiệu quả nguồn vốn phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân và nông thôn” – ông Phan Thông Thái, Giám đốc Chi nhánh Agribank Phú Yên chia sẻ.