Ai Cập-Việt Nam: Cùng khám phá các tuyến hợp tác mới

Theo Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Mahmoud Hassan Nayel, Hội nghị 'Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019' có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu để Việt Nam và Ai Cập cùng nhau khám phá các tuyến hợp tác mới và hiệu quả hơn.

Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Mahmoud Hassan Nayel.

Thưa Đại sứ, ông có thể chia sẻ trải nghiệm của mình khi tham gia Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019” do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 9/9 vừa qua?

Tôi muốn gửi lời chúc mừng tới Bộ Ngoại giao Việt Nam vì đã tổ chức thành công một sự kiện quan trọng như vậy. Sự kiện phản ánh đúng và trúng mong muốn của Việt Nam, là xây dựng một mối quan hệ đối tác bền vững với các quốc gia khu vực Trung Đông và châu Phi, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, trách nhiệm chung và hiểu biết toàn diện về các khả năng, nhu cầu và ưu tiên của nhau.

Đây cũng là một cơ hội tốt để tôi có thể gặp gỡ các vị đồng nghiệp là các đại sứ không thường trú tại Việt Nam. Tôi và các trưởng cơ quan đại diện khác thường trú tại Hà Nội đã có cơ hội để trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm với những đại sứ kiêm nhiệm tại Việt Nam về cuộc sống và công việc nơi đây.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã gặp gỡ một số đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng để xây dựng mạng lưới doanh nghiệp trong tương lai, đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Để đưa những nỗ lực đó trở thành hiện thực, hai bên cần phải làm những gì, theo Đại sứ?

Hội nghị lần này đã chủ động thiết lập và củng cố kênh liên lạc thường xuyên và hiệu quả hơn hơn giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam với các Đại sứ quán khu vực Trung Đông - châu Phi, qua đó hình thành một tầm nhìn hợp tác toàn diện và thu hút sự chú ý đến những nỗ lực chân thành của cả hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại.

Với suy nghĩ đó, tôi tin rằng hai bên cần phải làm việc sâu hơn, đồng thời đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia và doanh nhân, để xây dựng một kế hoạch hoạt động kỹ lưỡng và chi tiết nhằm giải quyết các khúc mắc và làm nổi bật các cơ hội hợp tác có lợi nhất cho cả hai bên.

Trong khuôn khổ Hội nghị, chúng tôi đã được tham gia chuyến đi thực địa tới Viettel và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Chuyến đi giúp chúng tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về những gì Việt Nam có thể và sẵn sàng cung cấp trong khuôn khổ hợp tác cùng có lợi.

Ngoài ra, hai bên cũng cần phân tích rõ ràng cấu trúc kinh tế của nhau. Ví dụ, châu Phi là một lục địa rộng lớn và giàu tài nguyên, với sự khác biệt rõ ràng về khí hậu, xã hội, kinh tế và chính trị giữa các khu vực và các quốc gia, và Trung Đông cũng tương tự.

Do đó, ngoài việc tập trung vào cái chung, các đối tác thương mại cũng nên tách lẻ các điểm tương đồng và khác biệt ở từng khu vực để xác định các lợi thế của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi.

Có thể thấy Hội nghị đóng vai trò là "cú hích" trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ai Cập?

Ai Cập và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 56 năm và hai nước luôn có mối quan hệ tốt đẹp và thân thiện, được xây dựng trên nền tảng hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Ai Cập và Việt Nam cùng chia sẻ những quan điểm và lập trường về nhiều vấn đề toàn cầu. Đó là lý do vì sao hai bên luôn ủng hộ, hỗ trợ và phối hợp nhuần nhuyễn với nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.

Quan hệ giữa nhân dân hai nước vẫn luôn được đẩy mạnh với việc hai bên tổ chức một số sự kiện văn hóa cho giới trẻ để tiếp tục tăng cường trao đổi giữa các thế hệ trẻ giữa hai nước.

Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa Ai Cập và Việt Nam đạt 475 triệu USD, tăng 25% so với năm 2017. Mặc dù mối quan hệ hợp tác kinh tế chưa thực sự bứt phá và còn thấp so với tiềm năng của hai nước nhưng thể hiện hai quốc gia đã có một nền tảng vững chắc và sẽ sớm đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại song phương mức 1 tỷ USD.

Qua đó, Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019” có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu để hai quốc gia cùng nhau khám quá các tuyến hợp tác kinh tế mới và hiệu quả hơn, và Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội cam kết sẽ làm việc hết mình để tạo điều kiện giao tiếp giữa hai bên.

Trong quá trình "cùng nhau khám phá" như Đại sứ nói chắc chắn sẽ có không ít khó khăn. Ông có thể nêu một số thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi thâm nhập thị trường Ai Cập và ngược lại?

Việc giải quyết các thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp Ai Cập và Việt Nam đang phải đối mặt là điều cần thiết nếu chúng ta muốn xây dựng mối quan hệ đối tác thương mại thành công và hiệu quả. Có những khó khăn tự nhiên liên quan đến khoảng cách địa lý và rào cản ngôn ngữ. Hai bên có thể đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các tuyến giao thương hàng không và đường biển, thiết kế các chương trình giao lưu phù hợp cho đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai bên nhằm phục vụ các mục đích thực tế, góp phần tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy thương mại song phương.

Còn về những thách thức liên quan đến chính sách, chúng ta có thể thấy rằng phần lớn tàu hàng Việt Nam đều đi qua Kênh đào Suez, tuy nhiên vẫn chưa có các tuyến vận chuyển trực tiếp giữa cảng Ai Cập và Việt Nam. Ngoài ra, việc định giá các sản phẩm nông nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến bản đồ thương mại trên thị trường toàn cầu đầy tính cạnh tranh. Chẳng hạn, khi Ai Cập và Việt Nam ký biên bản ghi nhớ về xuất khẩu gạo vào năm 2018, chúng tôi đã đặt nhiều kỳ vọng, nhưng các công ty xuất khẩu gạo Việt Nam đã báo giá cao hơn rất nhiều so với các đối thủ mặc dù chất lượng và khối lượng như nhau.

Hơn nữa, việc áp dụng các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn có thể làm chậm tiến trình phát triển thương mại song phương. Trong vài năm qua, Ai Cập không ngừng nâng cao các tiêu chuẩn cho các sản phẩm nhập khẩu, các cơ quan kiểm dịch y tế và nông nghiệp đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm trước khi phê duyệt nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào. Mặt khác, chính quyền Việt Nam cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự, chúng tôi đã trải qua hành trình kỹ thuật dài để thâm nhập thị trường Việt Nam với một số sản phẩm nông nghiệp của Ai Cập như cam, quýt và nho.

Theo tôi, hai quốc gia có thể thành lập một hội đồng doanh nghiệp thường trực, từ đó đóng vai trò là một công cụ hữu hiệu để thường xuyên tập hợp và tạo điều kiện giao lưu giữa các doanh nhân, đại diện phòng thương mại và chuyên gia từ cả hai nước. Chúng tôi từng đưa ra đề xuất này với phía Việt Nam và sẽ tiếp tục thúc đẩy cho đến khi hai bên cùng xây dựng được tầm nhìn chung. Qua đó, dưới sự giám sát của Chính phủ hai nước, đảm bảo rằng những người liên quan sẽ thực hiện đúng trách nhiệm của mình, chung tay thực hiện tầm nhìn này một cách hiệu quả, vì lợi ích và thịnh vượng của cả Ai Cập lẫn Việt Nam.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Duy Quang

(thực hiện)

Duy Quang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ai-cap-viet-nam-cung-kham-pha-cac-tuyen-hop-tac-moi-101567.html