Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi cây đổ đè trúng ô tô sau dông lớn?

Sau cơn dông lớn vào chiều tối 19/7, không ít ô tô bị cây đổ vào làm hư hỏng nặng. Nhiều người đặt câu hỏi chủ nhân những xe ô tô bị cây gãy đổ đè trúng có được bồi thường hay không và ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Trận dông lớn vào chiều tối ngày 19/7 đã khiến nhiều cây xanh trên các tuyến phố tại nhiều tỉnh miền Bắc bị bật gốc, đổ, gãy cành,... Riêng Hà Nội, theo Sở Xây dựng, tính đến 7h30 sáng 20/7, toàn thành phố có 941 cây đổ, gãy cành. Không ít ô tô bị cây đổ vào làm hư hỏng nặng. Nhiều người đặt câu, hỏi chủ nhân những xe ô tô bị cây gãy đổ đè trúng có được bồi thường hay không và ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Trần Tiến Quân (Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa) cho hay, một nguyên tắc tối thượng nhất trong quan hệ dân sự là đề cao sự tự thỏa thuận giữa các đương sự. Khi có sự cố xảy ra làm hư hỏng, thiệt hại tài sản (lỗi vô ý) thì vấn đề được ưu tiên đầu tiên và được khuyến khích đó là sự tự thỏa thuận giữa các bên đương sự để giải quyết hậu quả của sự việc. Trong trường hợp các bên không thể tự thương lượng, thỏa thuận để giải quyết với nhau thì có thể đưa sự việc ra pháp luật để được giải quyết theo quy định.

Một chiếc ô tô bị cây đổ trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, sau cơn dông ngày 19/7. Ảnh: Đình Hiếu.

Một chiếc ô tô bị cây đổ trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, sau cơn dông ngày 19/7. Ảnh: Đình Hiếu.

Nếu có căn cứ cho thấy cây cối đã gây ra thiệt hại đến tài sản của người khác mà không có lỗi của người bị thiệt hại, không thuộc trường hợp bất khả kháng thì căn cứ vào quy định tại điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Thiệt hại sẽ được xác định là những giá trị bị mất, bị giảm sút trên thực tế đối với từng vụ việc.

"Trong sự việc nêu trên thì cây cối và xe ô tô đều được xác định là tài sản. Nếu xe ô tô đâm vào cây, khiến cây đổ, hư hại tài sản là cây cối thì người gây tai nạn đâm đổ cây có trách nhiệm phải bồi thường. Ngược lại, khi xe ô tô dừng đỗ đúng quy định mà cây đổ gây hư hại đến xe thì người quản lý cây phải bồi thường. Trong trường hợp xe ô tô để trong bãi trông giữ xe mà bị hư hỏng thì trước tiên chủ xe yêu cầu bên trông giữ phải bồi thường", luật sư Trần Tiến Quân thông tin.

Theo luật sư Trần Tiến Quân, trong trường hợp có căn cứ cho thấy cây cối đã gây ra thiệt hại đến tài sản của người khác mà không có lỗi của người bị thiệt hại, không thuộc trường hợp bất khả kháng thì căn cứ vào quy định tại điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Thiệt hại sẽ được xác định là những giá trị bị mất, bị giảm sút trên thực tế đối với từng vụ việc.

Nếu việc đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe. Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe này.

Luật sư Trần Tiến Quân (Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Luật sư Trần Tiến Quân (Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Trường hợp chiếc xe ô tô đỗ mà ở đó có đơn vị trong giữ (có hợp đồng gửi giữ - có vé xe) thì đơn vị trông giữ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Sau khi bồi thường thiệt hại cho chủ xe mà đơn vị trông giữ có căn cứ cho thấy đơn vị quản lý cây xanh có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại thì có thể yêu cầu đơn vị này bồi hoàn trở lại theo nguyên tắc về tài sản gây thiệt hại quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự nêu trên.

Việc gửi xe ô tô với góc độ pháp lý là hợp đồng gửi giữ, hợp đồng có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói, cụ thể Điều 554 Bộ luật Dân sự quy định như sau: "Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công".

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp thiệt hại gây ra là do trường hợp bất khả kháng thì sẽ loại trừ trách nhiệm của các bên, thiệt hại bên nào thì bên đó tự chịu.

Trong trường hợp chủ xe ô tô có mua bảo hiểm thân vỏ đối với chiếc xe này thì việc bồi thường thiệt hại, sửa chữa chiếc xe còn căn cứ vào quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

"Đối với tình huống này nếu cây đổ gây thiệt hại đến xe ô tô có liên quan đến đến bên trông giữ xe và liên quan đến bảo hiểm thân vỏ xe thì phải giải quyết đồng thời trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên để xác định trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định pháp luật.

Còn trường hợp được xác định là bất khả kháng, không có lỗi của bên nào nhưng chủ xe có mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ bồi hoàn, sửa chữa toàn bộ thiệt hại. Trường hợp không được xác định là bất khả kháng thì bên trông giữ xe phải bồi thường cho bên gửi xe, và bên trong giữ xe cũng có quyền yêu cầu bên quản lý cây xanh bồi hoàn lại số tiền thiệt hại", luật sư Trần Tiến Quân nói.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ai-se-phai-chiu-trach-nhiem-khi-cay-do-de-trung-o-to-sau-dong-lon-169250720111045541.htm