Ám ảnh tuổi teen và 'cái chết trắng'

Ma túy hủy hoại sức khỏe, tàn phá tinh thần, gieo rắc nỗi đau, sự ám ảnh trong các gia đình. Nhưng mỗi ngày vẫn có những đứa trẻ nông nổi, mê dại sa ngã vào thứ cạm bẫy chết người này.

Làm bạn với “nàng tiên nâu”

Ngày cuối tuần, chúng tôi theo chân bà Lê Kim Chung, Chủ nhiệm CLB Lá chắn phường 3 (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đi thăm gia đình chị L.M.P (38 tuổi, quê Sóc Trăng). Chị P. làm nghề buôn bán ve chai, có con trai là T.M.H (16 tuổi) vừa qua đời do sốc ma túy. Nỗi đau mất con và nỗi buồn con hư vẫn ám ảnh, đè nặng lên tâm hồn của chị P.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ.

Gia cảnh nghèo khó, vợ chồng chị P. bỏ mảnh vườn ở quê lên TP Hồ Chí Minh làm nghề thu mua phế liệu, được hơn một năm thì chồng có tình nhân mới, để lại ba mẹ con chị P. chơi vơi trong căn phòng trọ nhỏ ở quận Bình Thạnh. H. chỉ học hết lớp 5, rồi bỏ đi học nghề sửa xe. Chẳng biết học đến đâu nhưng mỗi tháng, chị P. phải đưa cho 2 triệu chi phí. Chị P. đi làm cả ngày, tối mới trở về phòng trọ, việc con cái tự chúng lo liệu. Người mẹ không thể ngờ, con trai của mình dính vào ma túy, trở thành con nghiện từ bao giờ.

Một ngày cuối tháng 3/2024, hàng xóm gọi cho điện cho chị P. trở về gấp vì thằng H. bị co giật, miệng trào bọt, bất tỉnh. Cứ nghĩ con bị bệnh cảm gió, nào ngờ đó là cú sốc ma túy đã cướp đi cuộc đời của con trẻ. Người ta hỏi chị P. tại sao con nghiện ma túy nặng thế mà không phát hiện kịp thời đưa đi cai, người mẹ chỉ biết bưng mặt khóc, nghẹn ngào không nói nên lời.

Qua những người bạn của H., chị P. được biết, thằng con chơi ma túy cách đây hơn một năm. Ban đầu nó hút sái thuốc phiện, sau đó chuyển sang chích xì ke (một loại ma túy tổng hợp) liều cao nên mới bị sốc.

Chưa kịp lấy lại tinh thần sau cái chết của con trai thì chị P. lại tiếp tục đón nhận tin sốc nữa, T.M.L là em trai của H. (14 tuổi) cũng là một con nghiện. L. học đòi theo anh trong một vài cuộc đi chơi, tụ tập. Khi thấy anh bị sốc thuốc, L. đã rất hoảng sợ nên khai báo sự thật và được đưa đi cai nghiện ở Bình Phước. Với những trường hợp như gia đình chị P., bà Kim Chung thường xuyên đến nhà động viên, chia sẻ những kiến thức về phòng chống tác hại của ma túy, cách ngăn ngừa tái nghiện khi đứa trẻ trở về hòa nhập cộng đồng. “Mình cũng chỉ giúp người ta về kiến thức, an ủi tinh thần, vấn nạn ma túy len lỏi vào người trẻ là một thực trạng nhức nhối hiện nay. Với một gia đình khó khăn lại không có hạnh phúc như chị P., sự sa ngã của hai đứa trẻ là câu chuyện quá buồn”, bà Kim Chung chia sẻ.

Bà Lê Kim Chung (giữa) trong một lần trao quà cho gia đình có người tái hòa nhập cộng đồng.

Bà Lê Kim Chung (giữa) trong một lần trao quà cho gia đình có người tái hòa nhập cộng đồng.

Những trường hợp gia đình có con em nghiện ma túy, bà Kim Chung thường động viên khuyến khích họ tham gia vào CLB Lá chắn để có thêm kiến thức cũng như tìm sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng. Với phương châm “mỗi một gia đình phải là một lá chắn lớn. Mỗi một hội viên phụ nữ cũng phải là một lá chắn thép, để che chắn những tệ nạn cho gia đình mình”. Tuy nhiên, bà Kim Chung thừa nhận, ma túy xâm nhập vào giới trẻ thì “lá chắn” từ gia đình thôi chưa đủ, cần sự vào cuộc của xã hội một cách bài bản, căn cơ và quyết liệt hơn nữa.

Với những bạn trẻ vừa đi cai nghiện ma túy về hoặc quá khứ đã từng làm bạn với “cái chết trắng”, bà Kim Chung theo sát mỗi bước đi của họ. Như trường hợp của anh N.V.T (20 tuổi, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh), bà Chung đã theo anh từ ngày đầu tiên “ngã” vào ma túy. Khi ấy, T. mới 15 tuổi, sống cùng người anh họ ở phường 3, quận Bình Thạnh. Bà Chung nghe xì xào T. có chơi ma túy liền theo dõi để bắt quả tang; nhưng mấy tháng trời bà không phát hiện được manh mối gì. T. đi trông giữ xe cho một nhà hàng, tối khuya mới trở về, sáng sớm lại đi. Bà Chung canh mãi mới được một hôm T. nghỉ ở nhà, nhưng khóa chặt phòng trọ không tiếp xúc với ai. Bà Chung khéo léo gọi cửa, lấy cớ gửi phiếu tặng quà. Vừa nhìn thấy T., bà Chung phát hiện ra ngay anh chàng này đang có biểu hiện nghiện, bà gọi ngay cho lực lượng chuyên trách tới đưa T. đi kiểm tra và kết quả dương tính với ma túy.

Bà Kim Chung thương T., như thương đứa con trai của mình đã từng nghiện ma túy và chết vì căn bệnh HIV. Trong thời gian T. cai nghiện, bà Chung thường xuyên thăm hỏi, cho quà và động viên. T. hòa nhập cộng đồng, bà Chung đi xin cho làm bảo vệ giữ xe, mỗi tháng cho gạo, quà. Ngày T. chuyển trọ qua quận 12, bà Chung xắn tay vào giúp đỡ, bà còn nhét cho ít tiền trả phí thuê nhà. Sau 5 năm, T. từ một cậu bé ngang ngược, nghiện ngập giờ đã là thanh niên cứng cáp, đi làm xe ôm công nghệ và có cuộc sống ổn định cùng mẹ và em gái.

“Trong hầu hết những đứa trẻ nghiện ma túy rồi sa ngã vào con đường buôn bán, tàng trữ chất cấm phần lớn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bất hạnh, cha mẹ chia tay, anh em ly tán. Những thiếu niên vừa lớn lên, khi tiếp xúc với mảng xấu của xã hội sẽ dễ dàng bị tiêm nhiễm”, bà Lê Kim Chung cho biết.

Khi những đứa trẻ sa ngã

Ngoài những thiếu niên bỏ học sớm, ra đời lêu lổng rồi sa ngã thì còn có một thực trạng đáng báo động là học sinh nghiện ma túy, tham gia vào đường dây mua bán chất cấm khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Vào cuối tháng 6/2024, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Phước phối hợp cùng Công an TP Đồng Xoài triệt phá một nhóm tuổi teen, mua bán và sử dụng trái phép chất cần sa. Họ hầu hết là học sinh phổ thông trung học trên địa bàn TP Đồng Xoài.

Nhóm đối tượng thanh thiếu niên buôn bán ma túy vừa bị bắt tại TP Hồ Chí Minh.

Nhóm đối tượng thanh thiếu niên buôn bán ma túy vừa bị bắt tại TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, qua công tác nắm tình hình, tổ công tác phát hiện bắt quả tang N.H. (ngụ xã Đoàn kết, huyện Bù Đăng) đang bán cần sa khô cho con nghiện, lực lượng Công an thu giữ một gói cần sa và 200.000 đồng. Mở rộng điều vụ án, cơ quan Công an bắt khẩn cấp thêm 3 người gồm: Đ.N.T. (16 tuổi), V.N.T. (17 tuổi, cùng ngụ xã Tân Thành, TP Đồng Xoài) và N. T.H. (17 tuổi, ngụ xã Minh Lập, huyện Chơn Thành), cùng trong đường dây mua bán và sử dụng trái phép cần sa. Khám xét nơi ở, lực lượng Công an thu giữ thêm 2 gói cần sa khô.

Nhóm nam sinh trên bước đầu khai nhận, do chú của H. là ông Nguyễn Thành Cường (49 tuổi, ngụ xã Minh Lập, huyện Chơn Thành) có trồng một số cây cần sa trong vườn nhà nên H. và T. hái trộm rồi mang về sử dụng và bán cho các con nghiện lấy tiền tiêu xài.

Tổ công tác của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh và Công an TP Đồng Xoài đã phối hợp với Công an huyện Chơn Thành tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy 8 cây cần sa và lập biên bản xử phạt hành chính đối với ông Cường về hành vi trên.

Vụ án mới nhất vào ngày 16/9, thông tin từ Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can: T.G.H. (14 tuổi, ngụ quận Tân Bình), Nguyễn Bảo An (19 tuổi, ngụ quận 12), Nguyễn Thanh Duy (18 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) và Du Đức Lai (29 tuổi, ngụ quận 8) để điều tra về tội mua bán trái phép chất ma túy. Theo đó, Tổ công tác 363 số 10 Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng Công an xã Bình Hưng bắt Đ.H.T. (16 tuổi, hộ khẩu Sóc Trăng) về hành vi "mua bán trái phép chất ma túy" và thu giữ 12,9 gam ma túy tổng hợp (loại ketamine). T. khai trước đó được Du Đức Lai gọi điện, hỏi nhờ mua giúp 500 số (50 gam) ma túy dạng khay để Lai bán lại cho người khác.

Tang vật ma túy bị thu giữ trong vụ án nhóm tuổi teen buôn bán ma túy.

Tang vật ma túy bị thu giữ trong vụ án nhóm tuổi teen buôn bán ma túy.

Sau đó, T. nhắn tin cho T.G.H. hỏi nhờ mua giúp, thì H. đồng ý với giá 21 triệu đồng và nhắn cho T. địa chỉ để T. đến lấy. T. báo lại giá mua ma túy cho Lai là 23 triệu đồng (bán sang tay kiếm lời). Sau khi nhận ma túy từ H., T. bán cho H. 2 gói ma túy để H. bán lại. Khi T. đi đến xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh thì bị Công an kiểm tra, bắt giữ.

Trung tá Hồ Ngọc Anh - Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an huyện Bình Chánh cho biết, các nghi phạm trong vụ việc này đều thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình, thậm chí có trường hợp cha mẹ phạm tội về ma túy nên con cái bỏ học, bị lôi kéo vào con đường phạm tội.

Theo Trung tá Hồ Ngọc Anh, nguyên nhân tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng là do thanh thiếu niên ở độ tuổi mới lớn, hiếu kỳ, tò mò, thích khám phá; tâm lý dễ kích động, dễ bị lôi kéo vào việc phạm tội hoặc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong khi đa phần các em lại chưa được trang bị kiến thức pháp luật, thiếu hiểu biết, cho rằng sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp không dễ mắc nghiện. Nguy hiểm hơn, đối tượng phạm tội ma túy với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt đã tìm mọi cách thức để lôi kéo thanh thiếu niên tham gia, tiếp tay cho các hành vi phạm tội về ma túy hoặc tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho rằng, vai trò của gia đình trong phòng ngừa ma túy ở thanh thiếu niên là vô cùng quan trọng. Các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình bằng nhiều hình thức tinh vi, khó lường, làm cho gia đình dần bị suy yếu, không đảm bảo được chức năng giáo dục, quản lý con cái. Chính vì vậy, gia đình cần phải có thời gian gần gũi, quan tâm con cái, hướng con em mình vào những hoạt động vui chơi lành mạnh. Trường hợp có con em nghiện ma túy thì cần phối hợp kịp thời với các trung tâm cai nghiện để động viên đưa con em mình đến các cơ sở xã hội, tránh trường hợp bị nghiện nặng rất khó từ bỏ.

“Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy” - đó là lời nhắc nhở mọi người đừng bao giờ mất cảnh giác với hiểm họa của loài người, luôn đấu tranh không khoan nhượng, xóa bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, tạo môi trường lành mạnh, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội, vì tương lai của mỗi gia đình và các thế hệ mai sau.

Ngọc Thiện - Đức Cương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/am-anh-tuoi-teen-va-cai-chet-trang-i745340/