Ấm no nhờ nông thôn mới

Từ trung tâm xã Nậm Sài cũ (nay là xã Liên Minh, thị xã Sa Pa), muốn đến thôn Nậm Ngấn là thôn nằm ở vị trí cao và xa nhất xã, giáp xã Dần Thàng (huyện Văn Bàn) phải ngược dốc liên tục khoảng 5 km. Những năm trước đây, Nậm Ngấn ít người biết tới bởi đường sá khó khăn. Nhờ làn gió của chương trình xây dựng nông thôn mới, nơi đây đã đổi thay từng ngày, người Dao Nậm Ngấn đã có cuộc sống ấm no.

Đường mới mang tới niềm vui

Trước khi hành trình lên Nậm Ngấn, tôi cẩn trọng bấm điện thoại gọi cho anh Vàng Thông Lệ, Trưởng thôn Nậm Ngấn để hỏi về tình hình thời tiết và đường lên thôn có gì trở ngại. Giọng anh Lệ sang sảng qua điện thoại: Đường lên thôn Nậm Ngấn không còn khó như trước đâu, được đổ bê tông hết rồi nhà báo ạ. Đường cua và dốc, nhưng đi xe máy chỉ mất nửa tiếng thôi, xe công nông cũng chở vật liệu xây dựng lên thôn hằng ngày phục vụ bà con rồi!

Nghe giọng phấn khởi của anh Lệ, tôi như được thôi thúc để lên đường.

Một góc thôn Nậm Ngấn.

Một góc thôn Nậm Ngấn.

Quả thực, so với tuyến đường đất đá gập ghềnh cách đây hơn 1 năm trước, thì tuyến đường bê tông đẹp như dải lụa này là ước mơ bao đời của người dân Nậm Ngấn. Nhớ lại chuyến đi lên thôn Nậm Ngấn vào đầu mùa mưa năm trước, chúng tôi không thể quên được cảm xúc lo sợ khi đi xe trên những đoạn đường trơn trượt, cua tay áo, dốc ngược lên đỉnh núi. Người nào yếu tim chắc không dám lái xe máy trên con đường này, bởi nhìn xuống dốc cứ thăm thẳm. Giờ được đi trên tuyến đường đẹp này, người ở xa như chúng tôi còn phấn khởi, thì người dân trên núi Nậm Ngấn hẳn còn vui gấp trăm lần.

Lên Nậm Ngấn lần này, tôi lại thêm bất ngờ khi thấy bà con trong thôn đang ra quân làm đường giao thông. Gần 20 người nam, nữ, già, trẻ cùng đào đất, san nền, mở rộng đường mòn từ 3 gang tay thành 2 m cho xe máy đi lại thuận lợi. Trưởng thôn Vàng Thông Lệ bảo, trước đây Nậm Ngấn không phát triển được cũng vì giao thông cách trở. Bây giờ có đường bê tông rồi, bà con càng hăng say mở thêm những tuyến đường nội đồng, đường sang các thôn, bản khác. Năm trước thôn mở được 1,5 km đường vào khu vực ruộng bậc thang, trồng thảo quả trên núi. Năm nay bà con phấn đấu mở 2 km đường sang xã Nậm Cang (cũ). Đường qua ruộng nương nhà ai thì nhà đó hiến đất làm đường. Gia đình nào cũng tham gia làm đường, thôn có người chấm công từng buổi.

Người Dao giữ nhà truyền thống

Điều làm chúng tôi vô cùng ấn tượng khi đến Nậm Ngấn đó là những ngôi nhà của đồng bào Dao đỏ nơi đây. Từ xa nhìn lại, Nậm Ngấn chia làm 2 xóm nhỏ, nằm bình yên bên rừng cây xanh tươi và những tràn ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp tuyệt đẹp. Khi đến gần, thật ngỡ ngàng khi được ngắm những ngôi nhà bằng gỗ pơ mu, gỗ dổi sơn màu vàng tuyệt đẹp, phía hiên nhà còn có lan can gỗ được trang trí đẹp mắt. Có những ngôi nhà mới dựng còn thơm mùi gỗ, mùi sơn. Điều đặc biệt là nhà nào cũng rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát.

Anh Chảo Duần Mình, người dân trong thôn bảo, từ khi có đường bê tông, xe công nông chở được vật liệu xây dựng lên thôn, bà con tích cực làm nhà mới, làm đường về nhà, xây nhà tắm, nhà vệ sinh… Thăm nhà anh Mình, tôi thấy có nhà vệ sinh xây lát gạch trắng bong, có bình nóng lạnh, trong bếp có tủ lạnh, bếp gas, nồi cơm điện… Người dân Nậm Ngấn không xây nhà lầu bê tông cốt thép mà vẫn giữ nếp nhà gỗ truyền thống từ xưa, gia đình nào cũng rất chăm chút cho ngôi nhà, căn bếp của mình. Đây cũng là điều ít gặp ở những thôn, bản vùng cao đang đổi mới.

Dạo quanh Nậm Ngấn, đến phía cuối thôn, tôi thấy có cây cầu gỗ nhỏ bắc qua dòng suối đang làm dở dang, phía hai đầu cầu là những đoạn đường đã được đổ bê tông. Ông Phùng Duần Pú, một người cao tuổi trong thôn bảo, đường này do khu du lịch nghỉ dưỡng Topas Ecolodge Sa Pa khai thác cho khách Tây đi bộ sang thôn ngắm cảnh. Cây cầu cũng do Topas hỗ trợ vật liệu, người dân bỏ công, bỏ gỗ làm cầu. Trong thời gian tới, bản nhỏ Nậm Ngấn sẽ đón thêm nhiều du khách tới tham quan.

Để cuộc sống thêm ấm no

Hôm nay, nhà văn hóa thôn Nậm Ngấn đông vui hơn hẳn mọi ngày. Thì ra bà con tập trung ở đây để nghe cán bộ khuyến nông xã đến tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trưởng thôn Vàng Thông Lệ tươi cười: Mấy năm gần đây, bà con khu vực trung tâm xã trồng cây ăn quả có múi như cam, chanh, bưởi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người Dao đỏ ở Nậm Ngấn cũng muốn trồng những loại cây mới này để cuộc sống thêm ấm no.

Đồng bào Dao đỏ chung tay mở đường vào khu vực sản xuất.

Đồng bào Dao đỏ chung tay mở đường vào khu vực sản xuất.

Năm trước, thôn đã trồng được 0,5 ha cam, bưởi, tiêu biểu là các hộ: Phùng Chằn Nhàn, Tẩn Ỳ Phấu, Chảo Thồng Phin… Thấy cây phát triển tốt nên năm nay bà con đăng ký trồng thêm khoảng 1 ha nữa. Nghe anh Lệ nói, ban đầu tôi nghĩ đây là dự án hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, nhưng thật bất ngờ là không phải thế, mà bà con người Dao Nậm Ngấn chủ động bỏ tiền ra mua cây giống về trồng.

Cũng trong câu chuyện về phát triển kinh tế của người dân nơi đây, từ xưa đến nay người Dao đỏ ở Nậm Ngấn vẫn sống nhờ cây lúa, cây ngô, cây thảo quả. Nhờ có nhiều ruộng bậc thang khai khẩn qua hàng trăm năm mà gia đình nào cũng nhiều thóc, ngô. Tuy cấy lúa 1 vụ nhưng sau mùa thu hoạch, không ít hộ xếp trong nhà cả trăm bao thóc, tính ra tới 4 - 5 tấn thóc. Thóc lúa giúp người dân no đủ quanh năm, còn thảo quả giúp bà con thêm nguồn thu đáng kể. Mỗi năm, hộ nào thu hoạch ít cũng bán được 15 - 20 triệu đồng từ thảo quả, có hơn chục hộ thu được từ 100 - 300 triệu đồng từ cây thảo quả, tiêu biểu như các ông: Lý Phù Quáng, Lý Phù Chẳn, Lý Vần Phấu, Chảo Duần Mình… Bà con bảo thảo quả là kho “vàng nâu” trên đỉnh núi kia. Câu chuyện ra ngõ gặp triệu phú ở thôn cao nhất vùng đất này cũng không có gì là lạ.

Vậy trong thôn bây giờ còn bao nhiêu hộ nghèo? - Tôi hỏi.

Trưởng thôn Vàng Thông Lệ chia sẻ: Thời điểm năm 2005, khi tôi bắt đầu làm trưởng thôn thì Nậm Ngấn có tới 90% hộ nghèo, hiện thôn có 103 hộ thì chỉ còn 7 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo. “Mặc dù cuộc sống của người dân Nậm Ngấn đã thay đổi nhiều từ làn gió của chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng chưa phải đã hết khó khăn. Điều quan trọng nhất là bà con luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên, luôn có khát vọng, quyết tâm đổi thay cuộc sống. Trong thời gian tới, đồng bào Dao đỏ Nậm Ngấn sẽ chung tay xây dựng bản làng mình thêm ấm no, giàu đẹp”, anh Lệ khẳng định.

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/am-no-nho-nong-thon-moi-z36n20200809090125519.htm