Ẩm thực, tình hữu nghị và sự gắn kết các nền văn hóa
Trong hai ngày 7 và 8/12, 130 gian hàng của 40 đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao và gần 20 địa phương trong nước đã góp mặt tại Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024, chia sẻ những tinh túy trong ẩm thực đồng thời lan tỏa những câu chuyện về giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên khắp thế giới.
Mỗi năm một lần từ năm 2014 đến nay (trừ giai đoạn dịch Covid-19), công chúng yêu thích văn hóa, du lịch nói chung và khám phá ẩm thực nói riêng lại có dịp thưởng thực một “bữa tiệc” thịnh soạn của món ăn ngon và đa dạng văn hóa. Liên hoan năm nay có chủ đề “Gastronomy of Unity - Ẩm thực kết nối” do Cục Phục vụ ngoại giao đoàn phối hợp Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ Thông tin và Báo chí, Báo Thế giới và Việt Nam cùng các cơ quan của Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội.
Tại Khu Ngoại giao đoàn (Hà Nội), hàng nghìn món ăn hấp dẫn từ phở Nam Ðịnh, nem Hà Nội, xôi Huế, bánh xèo Cần Thơ… cùng tụ hội với bánh mì kẹp Thiểm Tây (Trung Quốc), thịt cừu nướng Ukraine, bánh hành Ai Cập, bánh rán phô mai Colombia, súp thịt hầm của Nga hay nước ép quả bao-báp từ Angola...
Ðông đảo người dân Thủ đô, du khách và cộng đồng người nước ngoài sống ở Việt Nam đến với Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 không chỉ để nếm của ngon, vật lạ mà còn là dịp trải nghiệm không khí ngày hội vô cùng sôi động, độc đáo cùng bạn bè khắp năm châu.
Dự sự kiện, chia sẻ niềm vui và vinh danh các nền ẩm thực cũng như các đơn vị tham gia có bà Ngô Phương Ly, Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm; bà Pauline Tamesis, Ðiều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; cùng nhiều đại biểu trong nước và quốc tế. Hòa cùng dòng người sôi nổi và hân hoan, đoàn các phu nhân cùng khách mời đã đi tham quan các gian hàng, cổ vũ các đầu bếp làm món phở cuốn kỷ lục dài 12m, chấm điểm cuộc thi cuốn diếp tại khu vực ẩm thực Nam Bộ...
Bà Vũ Thị Bích Ngọc, phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 không chỉ tôn vinh sự phong phú, đa dạng của ẩm thực toàn cầu mà còn nhấn mạnh ẩm thực như một ngôn ngữ chung - nơi con người từ những nền văn hóa khác biệt tìm thấy sự đồng điệu, gắn kết.
Quả thực, không có nhiều dịp như tại Liên hoan này, thực khách có thể tìm thấy mọi món ăn đặc trưng của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới. Từ ẩm thực các nước láng giềng ASEAN cho đến những món ăn châu Âu phổ biến trong văn hóa đại chúng toàn cầu; từ ẩm thực đặc trưng xứ lạnh đến từ nước Nga cho đến ẩm thực vùng nắng gió Nam Mỹ; hay xa xôi và huyền bí như các nước châu Phi cũng mang đến tinh hoa ẩm thực...
Phát biểu ý kiến tại Liên hoan, Ðiều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis cho rằng, chế biến và thưởng thức món ăn đánh thức những tâm hồn nghệ sĩ, chia sẻ thức ăn cùng nhau là một phương thức của việc tương tác xã hội, kết hợp các hương vị khác nhau là một cách để kết nối các nền văn hóa. Bà cũng nhấn mạnh, Việt Nam là nơi tuyệt vời để tổ chức Liên hoan Ẩm thực quốc tế, với nền ẩm thực phong phú, nguyên liệu sạch và kỹ thuật chế biến cầu kỳ.
Bên cạnh ẩm thực quốc tế, các món ăn, đồ uống, món tráng miệng Việt Nam tại sự kiện cũng hiện diện tương đối đầy đủ, đại diện sắc mầu ẩm thực các vùng miền. Ðây cũng là dịp để đưa ẩm thực Việt nói riêng và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung đến gần hơn với công chúng quốc tế; giúp các doanh nghiệp trong nước quảng bá thương hiệu, các sản phẩm và hoạt động kinh doanh dịch vụ.
Theo nghệ nhân ẩm thực Lê Thị Thiết (Nam Ðịnh), một điểm nhấn tại Liên hoan năm nay là quảng diễn bánh mì 3 miền. Cùng là bánh mì nhưng ở miền bắc, miền trung và miền nam chế biến nhân khác nhau, dùng gia vị riêng. Món ăn Việt Nam tưởng chừng đơn giản nhất cũng chứa đựng bản sắc văn hóa và kết hợp hương vị hài hòa, chinh phục được những khẩu vị rất khác nhau và đã trở nên nổi tiếng thế giới.
Một số gian hàng do Sở ngoại vụ các tỉnh, thành phố trưng bày sản phẩm rất bắt mắt và đa dạng, thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế liên tục ghé thăm. Chẳng hạn như xứ trà Thái Nguyên mang đến nhiều đặc sản từ cây chè, mì sâm, bánh chưng Bờ Ðậu, chè lam dân tộc Tày; ẩm thực Huế giới thiệu nhiều món ăn xuất xứ cung đình; các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Long An với “triển lãm” thu nhỏ các loại trái cây...
Ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nét đặc sắc của điểm đến cũng như dấu ấn trong hành trình trải nghiệm du lịch của du khách. Việc lan tỏa những giá trị ẩm thực Việt Nam thông qua những lễ hội, liên hoan sẽ góp phần quảng bá và định vị thương hiệu ẩm thực Việt, giúp mời gọi du khách trong nước và quốc tế tìm đến các vùng miền trên “dải đất hình chữ S” để khám phá và thưởng thức…
Liên hoan Ẩm thực quốc tế còn góp phần viết nên những câu chuyện nhân văn, tôn vinh lòng nhân ái và hướng thiện - một “ngôn ngữ” chung khác của nhân loại. Ông Hoàng Thái Hà, Chủ tịch Công đoàn Cục Phục vụ ngoại giao đoàn, Phó Trưởng ban Tổ chức Liên hoan Ẩm thực quốc tế cho biết, toàn bộ số tiền quyên góp được từ các kỳ liên hoan hơn 10 năm qua đã được trao tặng cho những hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình thiện nguyện khắp mọi miền Tổ quốc.
Từ doanh thu bán hàng, đóng góp của các nhà hảo tâm, nguồn tiền tài trợ... những năm qua, ban tổ chức xây dựng nhiều trường mầm non tại Yên Bái, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ; xây cầu tại Bến Tre, Long An; giúp đỡ phụ nữ nghèo, người khuyết tật... tại nhiều địa bàn khó khăn, xa xôi. Năm nay, tiếp nối tinh thần ấy, Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 cũng trao gần 730 triệu đồng cho Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi).