Ấn Độ, Trung Quốc phản ứng cứng rắn về gói trừng phạt thứ 18 của EU với Nga

Quan chức ngoại giao Ấn Độ và Trung Quốc cảnh báo về những hệ quả địa chính trị từ việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Nga cũng như các doanh nghiệp liên quan của Bắc Kinh và New Dehli.

Theo Global Times, người phát ngôn của Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Nga, cũng như các thực thể liên quan của Bắc Kinh.

Theo đó, vào tối ngày 18/7, đại diện phái đoàn của Trung Quốc đã trả lời phỏng vấn của phóng viên liên quan việc EU thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga, trong đó có đưa hai tổ chức tài chính của Trung Quốc vào danh sách.

Theo người phát ngôn của Phái đoàn Trung Quốc tại EU, chính quyền Bắc Kinh luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương không có cơ sở trong luật pháp quốc tế và không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn.

Gói trừng phạt mới nhất của EU sẽ hạ mức trần giá dầu thô của Nga từ 60 USD xuống còn 47,6 USD mỗi thùng. Ảnh: Tass

Gói trừng phạt mới nhất của EU sẽ hạ mức trần giá dầu thô của Nga từ 60 USD xuống còn 47,6 USD mỗi thùng. Ảnh: Tass

Phía Trung Quốc cho biết, việc EU liệt kê hai tổ chức tài chính của nước này vào gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga là hành động vừa sai lầm nghiêm trọng về mặt bản chất, vừa để lại hậu quả.

Quan chức ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này kiên quyết phản đối những động thái trên cũng như đã gửi công hàm tới EU, đồng thời sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về vấn đề Ukraine, người phát ngôn cho biết Trung Quốc luôn kêu gọi hòa bình, đối thoại, cam kết thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện tại. Nước này chưa bao giờ cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong xung đột và kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng.

“Chúng tôi kêu gọi EU ngừng hạ uy tín và đổ lỗi cho Trung Quốc, ngay lập tức chấm dứt hành động đưa hai tổ chức tài chính của Trung Quốc vào danh sách, đồng thời thực hiện các bước đi cụ thể để loại bỏ hậu quả tiêu cực từ hành động này,” người phát ngôn nêu rõ.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến cũng đưa ra phản ứng cứng rắn tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Ông Lâm Kiến tuyên bố, Trung Quốc "phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào công dân và doanh nghiệp Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh các hoạt động thương mại thông thường giữa Bắc Kinh và Moscow không nên bị cản trở.

Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định rằng Bắc Kinh không cung cấp vũ khí sát thương cho bên nào tại Ukraine và kiểm soát “một cách cẩn trọng” các mặt hàng có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ - quốc gia vẫn duy trì mối quan hệ năng lượng chặt chẽ với Nga kể từ khi bùng nổ xung đột tại Ukraine, cũng bày tỏ lo ngại về các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU đối với Moscow.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal ngày 18/7 viết trên nền tảng mạng xã hội X rằng chính phủ nước này coi việc đảm bảo an ninh năng lượng là "cam kết có tầm quan trọng cao nhất" đối với người dân. Ông Jaiswal nhấn mạnh, Ấn Độ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương và cảnh báo về tiêu chuẩn kép trong lĩnh vực thương mại năng lượng.

Người phát ngôn Jaiswal lưu ý thêm rằng Ấn Độ là một quốc gia "có trách nhiệm và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế", điều này ngầm phản bác mọi nghi vấn từ phương Tây rằng New Delhi vi phạm các lệnh cấm vận khi tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga.

Các tuyên bố trên được quan chức Trung Quốc và Ấn Độ đưa ra sau khi Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas thông báo hôm thứ Sáu rằng 27 quốc gia thành viên đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga.

Gói trừng phạt mới nhất này sẽ hạ mức trần giá dầu thô của Nga từ 60 USD xuống còn 47,6 USD mỗi thùng. Gói trừng phạt còn bao gồm các biện pháp nhằm vào 105 tàu thuộc “hạm đội bóng đêm” của Nga và những bên hỗ trợ, hệ thống ngân hàng Nga, cũng như lệnh cấm đối với các đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dưới đáy Biển Baltic.

Đáng chú ý, EU cũng đã quyết định áp đặt trừng phạt 1 nhà máy lọc dầu thuộc Tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga tại Ấn Độ và 2 ngân hàng Trung Quốc để siết chặt mạng lưới tài chính và năng lượng quốc tế đang giúp Moscow né lệnh trừng phạt.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 18/7 cho biết, Nga coi các lệnh trừng phạt đơn phương mới nhất của EU là “bất hợp pháp”.

Theo quan chức Điện Kremlin, Nga hiện đã đạt được “một mức độ miễn dịch nhất định” và đã thích nghi với việc hoạt động trong điều kiện bị trừng phạt. Ông Peskov nhấn mạnh các lệnh cấm vận là “con dao hai lưỡi”, gây “tác động tiêu cực” không chỉ với Nga mà còn với cả các quốc gia ban hành lệnh trừng phạt.

Kể từ xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là hai khách hàng lớn nhất.

Trong khi đó, một số quốc gia thành viên EU như Hungary và Slovakia vẫn bày tỏ lo ngại rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đang gây thiệt hại cho chính nền kinh tế của khối, trong khi không thể chấm dứt cuộc chiến giữa Moscow và Kiev.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-do-trung-quoc-phan-ung-cung-ran-ve-goi-trung-phat-thu-18-cua-eu-voi-nga.776205.html