An toàn và hiệu quả

Trước diễn biến thời tiết ngày càng khó lường; sản lượng, chi phí vật tư đầu vào, giá cả sản phẩm khai thác biến động thất thường; các yêu cầu, quy định về truy xuất nguồn gốc, về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe… tại tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo cho mỗi chuyến ra khơi của ngư dân được an toàn và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế cũng như an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Thời gian qua, công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản luôn được ngành chức năng, chính quyền địa phương và ngư dân quan tâm thực hiện. Nhiều hình thức quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản theo mô hình đồng quản lý đang được nhân rộng và phát huy tính xã hội hóa ngày càng cao. Từ đó, nhận thức của ngư dân ngày càng chuyển biến tích cực về thực hiện an toàn thực phẩm trên tàu cá, tuân thủ các quy định về bảo quản sản phẩm an toàn, tàu cá đăng ký thẩm định cấp chứng nhận đạt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt là trong việc thực thi các quy định mới của Luật Thủy sản, các nội dung liên quan đến các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm khai thác biển.

Đội tàu khai thác biển của tỉnh Sóc Trăng tại cảng cá Trần Đề (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: TÍCH CHU

Ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu theo Thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT, ngày 9-11-2020, nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo yêu cầu thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2021, bên cạnh việc thẩm định và cấp 88 chứng nhận thủy sản khai thác với khối lượng 749 tấn, ngành nông nghiệp tỉnh còn tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân tuân thủ quy định cấp và quản lý chứng nhận an toàn thực phẩm trên tàu cá. Qua đó, đã thẩm định và cấp chứng nhận an toàn thực phẩm cho 172 tàu cá có chiều dài lớn nhất 15m trở lên đạt loại B, nâng tổng số tàu cá của tỉnh được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm lên 311/368 tàu.

Đối với công tác quản lý tàu cá, ngành chức năng phối hợp đồn biên phòng và địa phương triển khai công tác phối hợp quản lý, nắm bắt tình hình khai thác, biến động tàu cá tại khu vực và kiểm tra tàu cá. Thực hiện chuyên mục “Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển” trên sóng phát thanh và truyền hình địa phương. Qua công tác tuyên truyền, vận động, tại Sóc Trăng đã thành lập được các nhóm đồng quản lý khai thác, bảo vệ thủy sản ven bờ; các tổ, đội khai thác, dịch vụ hậu cần xa bờ; nghiệp đoàn khai thác… để hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động trên biển, nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng tính hiệu quả. Hiện nay, tổng số tàu cá trong tỉnh Sóc Trăng hiện có 1.014 tàu với tổng công suất là 206.544 CV, trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 367 tàu, tổng công suất 182.874 CV, nên để đáp ứng các quy định chung về thuyền trưởng, máy trưởng, đơn vị phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiêu sinh lớp thuyền trưởng - máy trưởng tàu cá với 105 học viên đăng ký, nhưng phải tạm dừng khai giảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) sau thời gian đầu triển khai khá khó khăn, gần đây bắt đầu đi vào nề nếp. Hiện toàn tỉnh có 329/368 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt 89,4% kế hoạch. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ hệ thống, vẫn thường xuyên có trên 100 tàu mất kết nối trong bờ và ngoài khơi, không báo cáo vị trí, gây khó khăn cho công tác quản lý và chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác. Tổ kiểm soát nghề cá tại cảng (tổ IUU) thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra, vào cảng được các thành viên trong tổ thực hiện 24/24h tất cả các ngày trong tuần. Qua 9 tháng đầu năm 2021, tổ đã kiểm tra 2.352 lượt tàu cá cập, rời cảng với phần lớn tàu cá đủ điều kiện xuất bến và cập bến.

Song song với công tác quản lý khai thác, công tác phát triển nguồn lợi thủy sản cũng được ngành và các địa phương quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả như: tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; phối hợp Trường Đại học Cần Thơ xây dựng kế hoạch “khảo sát, đánh giá hiện trạng khai thác nguồn lợi nghêu giống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”, đề xuất giải pháp làm cơ sở để quản lý các loài thủy sản đặc thù xuất hiện tại vùng biển Sóc Trăng; thiết kế panô tuyên truyền nghề, ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng… Ngoài ra, đơn vị còn tham mưu thực hiện các báo cáo: kết quả thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt “Kế hoạch hành động phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”; góp ý đề án ứng dụng Viễn thám trong phát triển kinh tế xã hội; báo cáo cung cấp thông tin xây dựng đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản.

Ngoài ra, các chính sách có liên quan đến nghề khai thác như: bảo hiểm thuyền viên, thân tàu; đóng mới, cải hoán tàu khai thác, dịch vụ xa bờ… cũng được triển khai nhanh chóng và có hiệu quả. Một thông tin vui cho nghề khai thác của Sóc Trăng là dự án mở rộng, nâng cấp cảng cá Trần Đề giai đoạn 2 đến nay đã hoàn thành có khả năng tiếp nhận 160 lượt tàu công suất đến 600CV cập cảng lên xuống hàng hóa và tổng lượng thủy sản qua cảng lên đến 50.000 tấn mỗi năm, cùng các dịch vụ hậu cần nghề cá.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/an-toan-va-hieu-qua-52082.html