Anita Moorjani tiết lộ cách thấu cảm trở thành 'siêu năng lực' trong cuộc sống
Trong cuốn sách 'Sức mạnh của người thấu cảm' (Sensitive is the New Strong), tác giả Anita Moorjani chia sẻ về hành trình cá nhân của mình, từ một người luôn cảm nhận quá sâu sắc cảm xúc của người khác đến việc khám phá và chấp nhận sự thấu cảm như một siêu năng lực.
Anita Moorjani, tác giả của cuốn sách "Sức mạnh của người thấu cảm" (Sensitive is the New Strong), chia sẻ cách thấu cảm có thể trở thành một "siêu năng lực" nếu được sử dụng đúng cách. Theo cô, thấu cảm vừa là nền tảng của lòng trắc ẩn và khả năng chữa lành, nhưng nếu không biết cách điều chỉnh, nó có thể khiến người thấu cảm trở thành "thảm chùi chân" của người khác, đánh mất bản thân.
Thấu cảm – món quà hay gánh nặng?
Chắc hẳn nhiều người đã từng cảm thấy mình dễ bị “lây nhiễm” cảm xúc của người khác, dù đó là vui, buồn hay lo lắng. Họ cũng có thể kiệt sức khi lắng nghe câu chuyện của người khác, và đôi khi, đồng ý làm điều gì đó dù trong lòng muốn từ chối chỉ vì không muốn làm ai thất vọng. Đó chính là dấu hiệu của những người thấu cảm (empaths).

Anita Moorjani, tác giả của cuốn sách "Sức mạnh của người thấu cảm". Ảnh: NVCC
Anita Moorjani – tác giả sách bán chạy do New York Times bình chọn – cũng là một người thấu cảm. Trong quá khứ, cô sống như chiếc bóng vô hình, luôn gạt bỏ nhu cầu của cá nhân, cố gắng làm hài lòng người khác và tự kìm hãm khả năng của mình để đạt được sự chấp thuận của mọi người hoặc tránh làm họ thất vọng.
Cô chia sẻ: “Sự thấu cảm như con dao hai lưỡi. Một mặt, nó là nền tảng của sự tử tế, lòng trắc ẩn và khả năng chữa lành, nhưng nếu không biết cách sử dụng, người thấu cảm có thể trở thành ‘thảm chùi chân’ của người khác đến mức đánh mất chính mình".
Trong thế giới nơi năm giác quan chiếm ưu thế, sự nhạy cảm và trực giác thường bị đánh giá thấp. Những người thấu cảm, vì vậy, thường bị coi là yếu đuối, nhạy cảm quá mức hoặc phiền phức. Tuy nhiên, Anita Moorjani đã có một trải nghiệm cận tử vào năm 2006, thay đổi hoàn toàn nhận thức về thấu cảm và bản thân. Cô nhận ra rằng thấu cảm không phải là điểm yếu mà là một món quà đặc biệt nếu biết cách sử dụng.

Cô chia sẻ rằng, người thấu cảm dễ rơi vào trạng thái kiệt sức do “hấp thụ” cảm xúc của người khác, đôi khi đến mức không còn phân biệt được đâu là cảm xúc của chính mình. Điều này khiến họ phải hy sinh lợi ích cá nhân để làm hài lòng người khác, và dần đánh mất bản thân.
Biến thấu cảm thành sức mạnh
Anita chỉ ra rằng, để thấu cảm trở thành sức mạnh, người thấu cảm cần thiết lập ranh giới rõ ràng, biết cách nói “không” và không nhận trách nhiệm cảm xúc thay người khác. Cô cũng nhấn mạnh rằng việc thực hành thiền định, viết nhật ký, và kết nối với thiên nhiên là những cách giúp người thấu cảm phục hồi năng lượng và duy trì sự cân bằng.

Khi biết cách phát huy sức mạnh của thấu cảm, người thấu cảm không chỉ có thể giúp đỡ người khác mà còn có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng. Cô cũng cho rằng, trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục hay quản trị, khả năng thấu cảm là nền tảng để xây dựng môi trường hỗ trợ và nâng cao hiệu suất làm việc.
Anita kết luận rằng điều quan trọng nhất là chấp nhận và tôn trọng bản chất nhạy cảm của mình. Khi người thấu cảm không còn cố gắng trở nên "bình thường" theo tiêu chuẩn xã hội, họ sẽ nhận ra mục đích sống và tận dụng được tối đa sức mạnh của sự thấu cảm. Cô cũng nhấn mạnh, đây là một hành trình chữa lành, nơi mỗi người có thể phát huy năng lực thấu cảm để tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống.
Với giọng văn chân thành và khả năng đồng cảm sâu sắc, Anita Moorjani không chỉ kể lại hành trình của riêng mình mà còn mang đến cho người đọc một không gian chữa lành. Thay vì hàng loạt những quy tắc hay bộ công cụ nhàm chán, cô tập trung vào cách chúng ta kết nối, chữa lành và trưởng thành từ bên trong. Những câu chuyện, ví dụ, bài thiền và bài thực hành trong sách có thể giúp bạn học cách củng cố trực giác, ranh giới và chuyển hóa sự nhạy cảm thành sức mạnh nội tại, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của bản thân lẫn những mối quan hệ xung quanh.
Anita Moorjani sinh ra tại Singapore, trong một gia đình có cha mẹ là người Ấn. Gia đình cô chuyển đến Hong Kong sinh sống từ năm cô hai tuổi. Do hoàn cảnh gia đình và được tiếp thu nền giáo dục Anh Quốc nên cô có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Quảng Đông và tiếng Ấn Độ bản ngữ; về sau, cô còn học thêm tiếng Pháp. Cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào tháng Tư năm 2002, và đến đầu năm 2006, cô đã có trải nghiệm cận tử độc đáo và cảm động, làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của cô về cuộc sống.
Quyển sách đầu tay kể về trải nghiệm cận tử của cô, “Dying to Be Me” (Trở về từ cõi chết), đã bán được hơn 1 triệu bản trên toàn thế giới, được dịch sang hơn 45 ngôn ngữ và được nhà xuất bản Hay House gọi là một “kiệt tác đương đại”.
Anita Moorjani là diễn giả đã chinh phục trái tim và sự chú ý của hàng triệu người trên khắp thế giới. Cô có tên trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tâm linh” của tạp chí danh tiếng Watkins MIND BODY SPIRIT của Anh suốt nhiều năm liên tiếp.
Hiện Anita đang sống tại Mỹ cùng chồng là Danny, và cô vẫn tiếp tục chia sẻ câu chuyện tuyệt vời cũng như những bài học của mình với thế giới.