Áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng: đánh giá năng lực nhà thầu, điều kiện đấu thầu và chi phí

Sáng 19/7, Tạp chí Xây dựng đã tổ chức Hội thảo khoa học ( trực tiếp và trực tuyến) với chủ đề: 'Áp dụng BIM trong đấu thầu dự án đầu tư xây dựng: Quy định pháp luật, thực tiễn và kiến nghị chính sách'. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, đại diện các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đang ứng dụng BIM tại các quốc gia phát triển.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, chuyên gia nghiên cứu và các nhà khoa học quốc tế đang triển khai BIM tại hội thảo.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, chuyên gia nghiên cứu và các nhà khoa học quốc tế đang triển khai BIM tại hội thảo.

Cần khung pháp lý rõ ràng

Ông Nguyễn Tiến Thông – Chuyên viên Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) nhận định, BIM hiện nay không còn bó hẹp trong ý nghĩa là mô hình thông tin công trình mà đã trở thành một giải pháp chính để chuyển đổi số của ngành Xây dựng với mục đích là tạo ra bản sao số song hành (Digital Twin) của các công trình xây dựng. Việc tạo và cập nhật thông tin bản sao số song hành ngay từ giai đoạn lập dự án sẽ giúp cho việc thiết kế, quản lý dự án, thi công xây dựng và khai thác vận hành trở nên hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian xây dựng, giảm được chi phí đầu tư và chi phí khai thác.

Với các dự án giao thông đô thị có vốn đầu tư lớn và nhiều bên tham gia như các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, việc áp dụng BIM với các quy trình phối hợp nhiều bên đồng thời, quy trình quản lý dự án theo ISO 9001:2015 giúp kiểm soát tốt các xung đột thiết kế, quản lý tốt tiến độ và giao diện thi công, hỗ trợ hiệu quả trong công tác thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, bàn giao của các cơ quan quản lý. Bản sao số song hành cũng hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý tài sản và bảo dưỡng, vận hành trong suốt vòng đời dự án.

Tại khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp khẳng định, Mô hình thông tin công trình (BIM) không còn là công nghệ mới mà đã trở thành nền tảng trong quá trình chuyển đổi số của ngành Xây dựng. Tuy nhiên, việc áp dụng BIM vào thực tiễn đấu thầu và thi công hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo Thạc sĩ Phạm Phú Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng, những rào cản lớn hiện nay nằm ở công tác lựa chọn nhà thầu. Trong khi chủ đầu tư muốn áp dụng BIM để nâng cao chất lượng thiết kế và thi công, thì lại chưa có cơ chế rõ ràng để đánh giá năng lực BIM của nhà thầu.

“Việc đưa ra các yêu cầu về BIM không rõ ràng, thiếu đánh giá khách quan khiến nhiều đơn vị có năng lực và tiềm lực cạnh tranh về BIM bị loại sớm bởi các đơn vị tư vấn có năng lực hạn chế, một phần là do trong các dự án đầu tư vốn nhà nước, các mục tiêu cốt lõi về giá trị của BIM chưa được chú trọng như các dự án tư nhân nên dẫn đến chi phí đầu tư áp dụng BIM bị lãng phí, không đem lại hiệu quả, trong khi dự án bị kéo dài thời gian” - ông Đức nhận xét.

Thạc sĩ Phạm Phú Đức cũng cho biết, trong một số dự án, việc triển khai BIM đồng bộ, kết hợp tư vấn thiết kế áp dụng BIM từ giai đoạn bắt đầu dự án để xử lý xung đột kỹ thuật qua mô hình BIM ở các giai đoạn thiết kế đã giúp tối ưu hóa hàng tỷ đồng do phát hiện sớm các sai sót trong thiết kế, giảm thiểu điều chỉnh mà không cần phải qua một bên tư vấn BIM thứ ba.

Xoay quanh vấn đề này, TS Nguyễn Văn Chính – Trưởng phòng nghiên cứu, ứng dụng BIM, Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Trường Đại học Giao thông Vận tả nhìn nhận, hiện nay các quy định hiện hành chưa quy định rõ nội dung áp dụng BIM trong quá trình thi công, mặt khác việc cập nhật kiến thức và hiểu rõ về BIM đối với đơn vị tư vấn đấu thầu còn hạn chế nên dẫn tới có nhiều cách hiểu khác nhau trong Hồ sơ mời thầu cũng như Hồ sơ dự thầu.

Thực tế, đó đặt ra để nâng cao chất lượng trong lựa chọn nhà thầu với gói thầu áp dụng BIM, góp phần triển khai BIM hiệu quả trong thi công, tạo cơ sở dữ liệu và hiệu quả trong khai thác vận hành cần nỗ lực nâng cao hiểu biết của các bên, quán triệt chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số và áp dụng BIM song song với nghiên cứu bổ sung các quy định hiện hành.

Chuẩn hóa chi phí, tăng cường đào tạo và thay đổi tư duy

Theo Thạc sĩ Trần Văn Tâm – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ideco Việt Nam, BIM là tiến trình mang tính cộng tác, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ giữa chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu. Nếu chỉ một bên thực hiện, BIM sẽ trở thành gánh nặng cho các bên còn lại. Đặc biệt, ông đề xuất loại bỏ hoàn toàn việc dùng giấy song song với tài liệu điện tử trong các dự án BIM để tránh chồng chéo, lãng phí thời gian và nguồn lực.

"Cần quy định cụ thể nội dung và mức độ áp dụng BIM cho từng giai đoạn – từ thiết kế, thi công đến vận hành – nhằm đảm bảo dữ liệu đầy đủ, đồng bộ" - Thạc sĩ Trần Văn Tâm cho biết.

Ở góc độ pháp lý, TS Huỳnh Xuân Tín – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty V7 Engineering cho rằng, các Thông tư hiện hành về chi phí BIM vẫn đang tính theo định mức lao động, gây áp lực lớn cho đơn vị tư vấn. Nên áp dụng phương thức khoán gọn theo sản phẩm đầu ra để đơn vị tư vấn có thể linh hoạt: tăng nhân sự, viết phần mềm, hay dùng AI nhằm tối ưu chi phí và hiệu quả công việc.

"Thông tư số 12/2021/TT-BXD và Thông tư số 09/2024/TT-BXD đã nêu các mức trần chi phí BIM, nhưng lại yêu cầu hạch toán theo định mức lao động, điều này dẫn đến áp lực cho đơn vị tư vấn buộc phải duy trì nhiều nhân sự dù có thể áp dụng công nghệ để tối ưu. Chính điều này làm giảm hiệu quả đầu tư và cản trở đổi mới" - TS Huỳnh Xuân Tín cho biết.

Ở góc độ quốc tế, TS Nguyễn Việt Hùng – Giảng viên Đại học Berkeley (Mỹ), Giám đốc Thiết kế và xây dựng số tại Herrero Builders chia sẻ bài học từ Bắc Mỹ, phòng BIM tập trung có thể cần thiết lúc ban đầu khi BIM còn mới mẻ nhưng dần trở nên thiếu hiệu quả. Việc phối hợp BIM tại văn phòng nhiều khi không đáp ứng yêu cầu của công trường. Chi phí duy trì phòng BIM cao và khó thu hồi từ ngân sách dự án dẫn đến giảm lợi nhuận doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều nhà thầu chuyển sang mô hình tinh gọn, duy trì một nhóm chuyên gia cốt lõi để chuẩn hóa, đào tạo và kiểm soát quy trình. Tăng cường đào tạo cho nhân sự dự án như kỹ sư dự án hoặc quản lý dự án để trực tiếp thực hiện các công việc về BIM trong dự án. Lợi ích của cách làm này là nhân sự dự án sẽ nắm vững các vấn đề đã phối hợp với các bên, từ khi thiết kế, đảm bảo các giải pháp đã thống nhất với các bên được thực thi trong quá trình sản xuất cấu kiện, thi công và lắp đặt.

"Muốn làm được điều đó, các trường đại học cần đưa BIM vào giảng dạy chính quy và có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để đảo bảo tính thực tiễn. Để nhận được lợi ích từ BIM, chủ đầu tư cần xác định nhu cầu BIM thực tế đáp ứng lợi ích của dự án; đồng thời, cần dự toán đầy đủ chi phí thực hiện BIM trong ngân sách để nhà thầu có đủ chi phí để chuẩn bị nhân sự và công nghệ phù hợp với nhu cầu dự án" - TS Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Thông qua các đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo cho thấy, thứ nhất, cần xem xét bổ sung tiêu chí BIM là điều kiện tiên quyết hoặc tiêu chí kỹ thuật có trọng số cao trong hồ sơ mời thầu đối với dự án nhóm A, sử dụng vốn đầu tư công; Thứ hai, chuẩn hóa các khái niệm, vai trò nhân sự BIM trong pháp luật đấu thầu và xây dựng; Thứ ba, ban hành Thông tư hướng dẫn riêng về chi phí BIM, cho phép doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn phương pháp triển khai; Thứ tư, tăng cường đào tạo BIM từ bậc đại học, sau đại học và đào tạo lại cho công chức, nhà thầu.

Việc áp dụng BIM trong đấu thầu không chỉ là yêu cầu công nghệ mà đã trở thành một phần thiết yếu trong hệ thống thể chế xây dựng hiện đại. Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ rào cản chi phí và quan trọng nhất là thay đổi tư duy triển khai từ thử nghiệm sang đồng bộ hóa và phổ cập hóa BIM.

Quyết định số 258/QĐ-TTg, Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 về việc công bố Hướng dẫn chung áp dụng BIM, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, Nghị định số 175/2024/NĐ-CP và Thông tư số 09/2024/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD đã tạo ra hệ quy chuẩn và hướng dẫn khá đồng bộ cho việc áp dụng BIM trong các gói thầu.

TS Tạ Ngọc Bình – Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế đầu tư và xây dựng số, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng)

Thành Luân - Doãn Thành

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-dung-bim-trong-hoat-dong-xay-dung-danh-gia-nang-luc-nha-thau-dieu-kien-dau-thau-va-chi-phi.775794.html