Ðẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công

Ðầu tư công (ÐTC) những năm qua đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng giải ngân ÐTC chậm liên tục tiếp diễn suốt nhiều năm tạo ra 'nút thắt cổ chai' cho nền kinh tế. Nhất là năm 2019, tình trạng này đang diễn biến nghiêm trọng hơn.

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội) có tổng mức đầu tư gần 5.350 tỷ đồng bằng vốn ODA, đến hết tháng 8 mới giải ngân được 460 tỷ đồng.

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội) có tổng mức đầu tư gần 5.350 tỷ đồng bằng vốn ODA, đến hết tháng 8 mới giải ngân được 460 tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải nhân vốn ÐTC năm 2019 được tổ chức ngày 26-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các bộ trưởng, người đứng đầu các ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giải ngân vốn ÐTC, nỗ lực tối đa để giải ngân hết số vốn kế hoạch giao theo mục tiêu đã đề ra.

Nguyên nhân chủ quan là chính

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư (KH-ÐT) Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn ÐTC vẫn là "điểm mờ" trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế hiện nay. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chín tháng ước đạt hơn 192 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 45,17% kế hoạch Quốc hội giao và 49,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) và ODA đều đạt rất thấp (vốn TPCP chỉ đạt 23,37% kế hoạch Quốc hội giao, ODA đạt 18,8%). Chỉ có bảy bộ, ngành và 14 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân hơn 70%. Ngược lại, 31 bộ, cơ quan T.Ư và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%; trong đó, 17 đơn vị và một địa phương là tỉnh Ðồng Nai đạt dưới 30%.

Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng nhận định: Tình hình giải ngân vốn ÐTC đang chậm hơn cả tiến độ của năm 2018. Qua theo dõi, ngân sách địa phương theo thẩm quyền của địa phương giải ngân tốt, nhưng vốn T.Ư hỗ trợ địa phương có mục tiêu lại giải ngân thấp, vốn TPCP và vốn nước ngoài càng thấp. Ngoài các nguyên nhân khách quan như quy trình thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và giao vốn chưa phù hợp; thủ tục điều chỉnh kế hoạch thiếu linh hoạt,... còn có nhiều nguyên nhân chủ quan. Trong đó, rõ nét nhất là điều kiện để triển khai dự án nhiều nơi chưa đạt. Bên cạnh đó, tính chủ động của nhiều bộ, ngành, địa phương hay chủ dự án còn thấp, năng lực của nhiều Ban quản lý và nhà thầu rất hạn chế.

Giải thích nguyên nhân chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản cho các công trình giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Trong năm 2019, Bộ triển khai 25 dự án mới hoàn toàn, trong đó có 11 dự án đường cao tốc bắc - nam và 14 dự án giao thông cấp bách. Các dự án này đều phải thực hiện tuần tự từ đấu thầu lập dự án, đấu thầu thiết kế, đấu thầu xây lắp rồi tiến hành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB),... cho nên việc giao vốn và triển khai bị chậm. Nhưng đặc thù của ngành giao thông là đầu năm tập trung GPMB, đấu thầu và thông thường tháng 8, tháng 9 sẽ khởi công; do đó, từ nay đến cuối năm, giải ngân vốn chắc chắn sẽ có bước chuyển và theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải sẽ đạt tỷ lệ 90 - 95%.

Cũng là đơn vị sử dụng nhiều vốn ÐTC, nhưng từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế mới giải ngân được 1.561 trên tổng số 6.638 tỷ đồng, đạt 24% là mức rất thấp. Ðặc biệt, giải ngân vốn ODA chỉ đạt 4,99%. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn lý giải: Ðối với các dự án sử dụng ngân sách nhà nước của ngành y tế, một số dự án đang thi công, nghiệm thu khối lượng để hoàn thành giải ngân theo quy định cho nên thủ tục, điều kiện chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng ủy thác quản lý dự án là quy định mới, cộng thêm các ban quản lý dự án chuyên ngành - khu vực mới thành lập nên bộ máy tổ chức chưa kiện toàn, năng lực không đáp ứng đủ. Mặt khác, sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các ban quản lý chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, dẫn đến công tác quản lý dự án theo hợp đồng ủy thác không phát huy hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, các dự án sử dụng TPCP cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB, giao đất; thời gian làm thủ tục xin đất, đền bù, GPMB,... kéo dài dẫn đến tiến độ bị chậm. Riêng hai dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Ðức 2 là các dự án lớn, phức tạp, công nghệ hiện đại,... mà lần đầu Bộ Y tế được giao, cho nên có nhiều khó khăn trong đấu thầu, xây dựng, điều chỉnh thiết kế và tổng mức đầu tư dẫn đến chậm tiến độ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Trong khi nhu cầu xã hội về y tế đang rất lớn thì các dự án như Bệnh viện Bạch Mai 2, Việt Ðức 2,... vẫn dở dang, chậm tiến độ thời gian dài. Nhiều ngành, địa phương đang "vin" vào mặt bằng, năng lực thi công của nhà thầu, vào thể chế. Nhưng trong cùng một môi trường, sao có nhiều ngành, địa phương giải ngân tốt (70 đến 80%) trong khi nhiều nơi khác rất kém. Vì thế, không thể chỉ đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan mà phải thấy rõ cả các trách nhiệm chủ quan. Phải làm rõ việc chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay bởi tinh thần làm việc chưa tích cực. Nhiều dự án có tiền, có mặt bằng nhưng mấy năm qua vẫn ì ạch, gây lãng phí lớn cho xã hội. "Ðây là khuyết điểm rất lớn của Bộ Y tế, cần chỉ đạo để làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời, tìm ra các giải pháp cụ thể, tăng cường năng lực cho các Ban quản lý dự án chuyên nghiệp hơn, kiên quyết hơn để thúc đẩy các công trình đang chậm tiến độ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải pháp tổng thể, đồng bộ

ÐTC chiếm 10,7% tổng giá trị GDP của cả nước, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Do đó, chậm giải ngân vốn ÐTC sẽ gây nhiều hệ lụy to lớn cho nền kinh tế. Thứ nhất, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vì vốn là một trong những yếu tố quan trọng của phát triển. Chúng ta còn số lượng lớn vốn đang "đọng" tại một số ngành, địa phương trong khi nhiều nơi khác cần mà không có. Thứ hai, vốn ÐTC là nguồn lực để xây dựng các dự án hạ tầng quan trọng, nên khi giải ngân chậm cũng kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài, ảnh hưởng đến huy động vốn trong xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Thứ ba, gây lãng phí lớn khi tiền "nằm im" nhưng Chính phủ vẫn phải trả thêm chi phí vốn. Thứ tư, doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu thêm chi phí, lợi nhuận ít đi, nợ nần tăng và uy tín
giảm sút.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bài học rút ra là các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn ÐTC. Việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn ÐTC ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho nên phải nhanh, hiệu quả và bảo đảm đúng pháp luật. Mặt khác, để giải quyết vấn đề, cần phải xây dựng giải pháp tổng thể, đồng bộ từ thể chế, pháp luật đến công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, thực hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phải có chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân.

Cụ thể: cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh công tác phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn ÐTC. Trong đó, trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước ngày 31-10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn TPCP; nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép giao kế hoạch năm 2020 theo hướng đổi mới, phù hợp Luật ÐTC năm 2019, rút kinh nghiệm triệt để tình trạng giao chậm, giao nhiều lần như trước đây.

Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch, đăng ký thanh toán, xét duyệt hồ sơ thanh toán vốn tại kho bạc,... Ðặc biệt, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân năm 2019 và có trách nhiệm đối với dự kiến kế hoạch năm 2020 của đơn vị mình, trong đó, kiến nghị kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đến ngày 30-11-2019 mà tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao, trừ những dự án mua sắm trang thiết bị.

Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và xác lập trách nhiệm của người đứng đầu rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, cần phân công cho từng lãnh đạo chịu trách nhiệm từng dự án cụ thể, gắn trách nhiệm cá nhân với hiệu quả thực hiện dự án. Riêng Bộ KH-ÐT phải sớm hoàn thành sáu nghị định hướng dẫn để đồng bộ với Luật ÐTC năm 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020; rà soát đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cắt giảm vốn ở những nơi không có điều kiện hoặc không thể giải ngân, điều chuyển cho các dự án hoặc đơn vị khác; hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án kế hoạch trung hạn vốn ÐTC sau năm 2020. Ðồng thời, triển khai ngay phương án phân bổ vốn của năm 2020 để trình Quốc hội ngay trong kỳ họp tới; phấn đấu khi có Nghị quyết của Quốc hội là cơ bản giao được. Ðặc biệt, các địa phương nên thành lập các tổ công tác để thường xuyên giao ban, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện hữu. Chính phủ sẽ xây dựng một nghị quyết về các giải pháp đẩy nhanh vốn ÐTC năm 2019, đồng thời gắn thêm các nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2020 cũng như giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề giải ngân vốn ÐTC; thậm chí, điều chuyển những cán bộ kém năng lực đang điều hành các dự án đầu tư xây dựng, những cán bộ lãnh đạo phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ,... Chúng ta phải thống nhất cao quan điểm chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ÐTC, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, của từng cơ quan đơn vị từ nay đến hết năm 2019 và cả trong năm 2020. Ðặc biệt, Chính phủ sẽ kiên quyết cắt vốn, chuyển vốn các công trình, dự án chưa giải ngân được cho các địa phương, ngành khác sử dụng có hiệu quả hơn.

Năm 2019, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo về giải ngân vốn ÐTC, nhưng tiến độ thực tế vẫn rất chậm. Ðặc biệt, nhiều bộ, ngành sử dụng số vốn lớn hay các địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm lại có tỷ lệ giải ngân thấp. Mặt khác, tỷ lệ tạm ứng lại tương đối cao với số vốn tạm ứng đã đạt gần 130 nghìn tỷ đồng. Vấn đề này một mặt tạo điều kiện cho các nhà thầu triển khai dự án, nhưng ngược lại đã không tạo động lực hay áp lực trong việc triển khai khối lượng thực hiện.

TẠ ANH TUẤN

Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam

NGUYỆT BẮC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41701002-%C3%B0ay-nhanh-toc-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html