Ba ngày liền thế giới ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc COVID-19 trong ngày

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Lima, Peru, ngày 12/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 15/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 324.052.280 ca mắc COVID-19, trong đó 5.546.741 ca tử vong. Số ca hồi phục là 265.258.442 ca.

Thế giới tiếp tục ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp có số ca nhiễm mới trong một ngày vượt 3 triệu ca. Trong 24 giờ qua, toàn cầu có 3.160.204 ca mắc mới, trong đó Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 795.582 ca nhiễm mới.

Tiếp sau đó là Pháp với 329.371 ca, Ấn Độ với 267.345 ca, Ý với 186.253 ca, Tây Ban Nha với 162.508 ca. Về số ca tử vong, trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là quốc gia có số người không qua khỏi cao nhất trên toàn cầu với 2.114 ca tử vong, sau đó đến Nga với 739 ca, Ấn Độ với 430 ca, Ba Lan với 423 ca, Ý với 360 ca.

Tại châu Phi, tính đến chiều 14/1, châu lục này đã ghi nhận hơn 10,245 triệu ca bệnh. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi đã đưa ra thông báo này và cho biết toàn châu lục với 55 quốc gia cũng ghi nhận tổng cộng 233.203 ca tử vong.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra tại Mỹ, một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết Nhà Trắng sẽ cho ra mắt một trang web mới vào ngày 19/1 để cung cấp 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí tới tận nhà người dân. Theo đó, mỗi hộ gia đình có thể đăng ký nhận 4 bộ xét nghiệm nhanh.

Trong khi đó, Chính phủ Canada đánh giá cộng đồng nghiên cứu y tế Canada đã phản ứng nhanh với đại dịch COVID-19 kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện cuối năm 2019. Chính phủ Canada đã hỗ trợ các nghiên cứu đối phó đại dịch với khoản đầu tư gần 280 triệu CAD thông qua Viện Nghiên cứu y tế Canada (CIHR).

Dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc có một hệ thống nghiên cứu y tế sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp. Để tăng cường năng lực nghiên cứu của Canada, ngày 14/1, Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos đã tuyên bố thành lập Trung tâm nghiên cứu về sẵn sàng ứng phó với đại dịch và các tình huống y tế khẩn cấp, với khoản đầu tư hàng năm trị giá 18,5 triệu CAD.

Trung tâm nghiên cứu này trực thuộc CIHR, sẽ hợp tác với các bộ và cơ quan liên bang, cũng như các bên liên quan trong nước và quốc tế. Trung tâm sẽ tập trung phát triển khả năng nghiên cứu và huy động kiến thức nhằm ngăn chặn, chuẩn bị, đối phó và hồi phục từ đại dịch. Trong quá trình thành lập bộ máy quản lý và tuyển dụng nhân sự, trung tâm đã hỗ trợ một số sáng kiến nghiên cứu COVID-19.

Khu vực Mỹ Latin và Caribe đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với hơn 300.000 ca mắc mới mỗi ngày từ ngày 7-13/1 vừa qua, tăng 126% so với 7 ngày trước đó. Với trung bình 304.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, khu vực Mỹ Latinh đã có số ca mắc mới theo ngày cao gần gấp đôi so với mức cao ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh trước đó (trung bình 155.000 ca nhiễm mới/ngày từ ngày 28/5-3/6/2021).

Số ca tử vong trung bình trong cùng thời gian trên ở mức 621 trường hợp, tăng 44% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong trong giai đoạn này thấp hơn nhiều so với con số ghi nhận từ ngày 6-12/2021 với trung bình hơn 5.500 ca tử vong mỗi ngày.

Argentina là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất ở khu vực Mỹ Latin khi ghi nhận 140.000 ca bệnh và 96 ca tử vong trong trung bình 7 ngày (tính đến ngày 13/1). Ngày 14/1, Argentina đã ghi nhận 139.853 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Argentina ghi nhận tổng cộng gần 7 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 117.000 ca tử vong.

Ngày 14/1, Brazil đã bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi được giới chức y tế nước này cấp phép cách đây một tháng. Theo đó, hơn 20 triệu trẻ em tại Brazil đủ điều kiện để tiêm vắc xin, miễn là có sự đồng ý của phụ huynh.

Brazil sử dụng vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm cho nhóm đối tượng này. Những người bản địa và trẻ em có nguy cơ cao là những nhóm ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế Brazil, hơn 300 trẻ em từ 5-11 tuổi đã tử vong vì COVID-19, trong tổng số khoảng 620.000 người không qua khỏi vì đại dịch tại nước này.

Số ca nhiễm mới tại Brazil đã tăng mạnh kể từ khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Ngày 14/1, Brazil ghi nhận 112.286 ca nhiễm mới, gần bằng mức kỷ lục (115.228 ca) ghi nhận ngày 23/6/2021, thời điểm nước này chao đảo vì làn sóng thứ 3 của đại dịch.

Ngày 14/1, Cơ quan Y tế quốc gia Pháp (HAS) đã chính thức phê duyệt vắc xin ngừa COVID-19 của công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ. Theo HAS, dữ liệu từ các nghiên cứu khác nhau cho thấy vắc xin Nuvaxovid có hiệu quả cao, giúp giảm tới 90% các triệu chứng và có thể ngăn ngừa bệnh nặng lên đến gần 100%.

Loại vắc xin này có thể sử dụng để tiêm cho những người từ 18 tuổi trở lên, với khoảng cách giữa liều thứ nhất và liều thứ hai là 3 tuần. HAS cho biết thêm vắc xin Novaxovid có thể sử dụng cho những người chưa tiêm liều vắc xin nào hoặc không thể tiêm vắc xin theo công nghệ mRNA. Dự kiến, Pháp sẽ nhận lô vắc xin Novaxovid đầu tiên vào cuối tháng Một, theo đó nước này có thể triển khai tiêm từ tháng 2 tới.

Theo kế hoạch, Pháp sẽ nhận được 3,2 triệu liều vắc xin Novaxovid trong quý 1/2022. Đến nay, Pháp đã cấp phép lưu hành 5 loại vắc xin của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, từ 0 giờ ngày 15/1, Nhật Bản bắt đầu rút ngắn thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày đối với người nhập cảnh từ những quốc gia/vùng lãnh thổ mà biến thể Omicron đang chiếm chủ đạo.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết sau khi nhập cảnh, những người này phải cách ly bắt buộc ở nhà hoặc các cơ sở cách ly do chính phủ chỉ định, được Trung tâm Giám sát y tế đối với người nhập cảnh từ nước ngoài (HCO) theo dõi sức khỏe và hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Đối với những người nhập cảnh từ cách quốc gia/vùng lãnh thổ khác, thời gian cách ly bắt buộc và hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi nhập cảnh vẫn là 14 ngày. Quy định mới trên được áp dụng cả với những người đã nhập cảnh vào Nhật Bản.

Trước đó, ngày 14/1, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần với những người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 từ 14 ngày xuống còn 10 ngày. Đối với các nhân viên y tế được xác định có tiếp xúc gần với những người nhiễm Omicron, thời gian cách ly sẽ giảm từ 14 ngày xuống còn 6 ngày.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269878/ba-ngay-lien-the-gioi-ghi-nhan-hon-3-trieu-ca-mac-covid-19-trong-ngay.html