Bắc Giang bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở

Ðể cán bộ cơ sở trở thành 'cầu nối' nhân dân với Ðảng, Tỉnh ủy Bắc Giang đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng với nhiều cách làm sáng tạo. Tại nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ cơ sở đang phát huy tốt năng lực không chỉ trong chuyên môn mà cả tinh thần, trách nhiệm vì nhân dân ngày càng chuyển biến, góp phần giúp nhân dân xây dựng, phát triển cuộc sống.

Cán bộ xã An Lạc, huyện Sơn Ðộng (Bắc Giang) trao đổi với người dân kinh nghiệm nhân giống mai vàng Tây Yên Tử.

Cán bộ xã An Lạc, huyện Sơn Ðộng (Bắc Giang) trao đổi với người dân kinh nghiệm nhân giống mai vàng Tây Yên Tử.

Không khí phấn khởi, ấm tình làng nghĩa xóm là những điều chúng tôi cảm nhận được khi theo chân Tổ dân vận thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang đi kiểm tra tiến độ đổ bê-tông 3 km đường trục chính của thôn sau bao nhiêu năm chỉ rải đá cấp phối. Ðây là công trình ghi dấu công sức của các cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Ðảng về xây dựng nông thôn mới.

Ðồng chí Nguyễn Văn Phương, Bí thư Chi bộ thôn tâm sự: Ban đầu, nhiều người chưa hiểu hết phương thức tiến hành làm đường, cho rằng do Nhà nước đầu tư mà chính quyền lại bắt dân đóng góp là sai, nên chưa đồng thuận. Nắm được tình hình, Ðảng ủy xã chỉ đạo cán bộ chủ chốt, các tổ chức đoàn thể trực tiếp xuống thôn làm công tác tuyên truyền. Với 320 hộ, khoảng gần 1.300 người, công tác vận động không dễ dàng khi mỗi người một ý, nhưng với quyết tâm cao, nhiều cán bộ, đảng viên không quản ngày đêm bám từng hộ dân vận động. Kết quả là nhân dân đóng góp làm mới hơn 4,3 km đường làng ngõ xóm, vượt 1,5 km so với kế hoạch ban đầu. Nhiều gia đình còn hiến đất mở rộng khuôn viên nhà văn hóa và tham gia xây dựng các công trình nông thôn mới khác.

Ðồng chí Hoàng Công Bộ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, có được sự trưởng thành, tiến bộ trong chuyên môn cũng như phương pháp làm việc của cán bộ cơ sở hôm nay là bởi ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy và cơ quan chức năng tập trung nâng cao trình độ đội ngũ. Ðể khắc phục hạn chế cán bộ cơ sở một số nơi chưa đáp ứng trình độ chuyên môn, lý luận, Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ đạo triển khai xây dựng tiêu chí chuyên môn đối với từng chức danh cụ thể, làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng dài hạn. Hằng năm, các địa phương đều rà soát, lựa chọn đối tượng cần đào tạo, tập trung vào lĩnh vực chuyên môn như: quản lý tài chính, đất đai, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội...

Tại TP Bắc Giang, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ dự nguồn cấp thành phố và xã, phường. Ðồng chí Nguyễn Quang Bản, Bí thư Ðảng ủy phường Lê Lợi chia sẻ, điểm yếu của đội ngũ cán bộ cơ sở là khả năng nắm bắt, xử lý tình huống các vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khi được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, đã giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị ở địa phương tốt hơn.

Tại huyện Yên Dũng, là người được đánh giá cao trong công tác lãnh đạo quần chúng, đồng chí Nguyễn Hữu Cường, Bí thư Ðảng ủy xã Cảnh Thụy cho biết khi được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ do huyện tổ chức, thấy tự tin hơn trong giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại cơ sở. Ngoài các hình thức bồi dưỡng, tập huấn như "cầm tay chỉ việc", cử cán bộ các phòng, ban, đoàn thể xuống cơ sở hướng dẫn nghiệp vụ, những năm qua, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo đảng ủy các xã, phường thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban hằng tháng với bí thư chi bộ trực thuộc, trưởng thôn, khu phố; phân công cấp ủy viên định kỳ đi cơ sở, dự sinh hoạt với chi bộ. Ðây là những giải pháp tốt, giúp đội ngũ cán bộ thôn xóm, khu phố giải quyết vướng mắc trong khu dân cư.

Do được đào tạo đạt chuẩn và rèn luyện qua thực tiễn nên nhìn chung lực lượng cán bộ chủ chốt cấp xã ở Bắc Giang đã từng bước tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp chỉ đạo, quản lý, điều hành. Ðến nay, toàn tỉnh có 1.300/1.368 cán bộ chủ chốt cấp xã đã đạt chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị. Trong đó hơn 60% có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học (tăng gần 20% so với đầu nhiệm kỳ trước). 100% bí thư cấp ủy cấp xã được phân công phụ trách cụm thôn, duy trì hiệu quả, nền nếp dự sinh hoạt với các chi bộ. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy với những vấn đề trọng tâm, bức xúc, nổi cộm ở cơ sở. Quy chế dân chủ cũng được đội ngũ cán bộ chủ chốt tiến hành bài bản, phát huy tốt vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội.

Phương pháp đào tạo gắn liền với thực tiễn, cùng với kiểm tra, giám sát thường xuyên đã giúp đội ngũ cán bộ cơ sở ở Bắc Giang từng bước vững vàng trong triển khai nhiệm vụ chính trị. Nhiều đảng bộ, chính quyền đã phát huy tốt sức mạnh của quần chúng, vượt qua khó khăn đạt kết quả cao, nổi bật là trong xây dựng nông thôn mới. Trong tháng 8 này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận năm xã: Thái Ðào, Dương Ðức, Hương Sơn (huyện Lạng Giang), xã Ngọc Vân (huyện Tân Yên) và xã Bố Hạ (huyện Yên Thế) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Như vậy, toàn tỉnh đã có 95 xã và một huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, các cấp ủy đảng trong tỉnh Bắc Giang đang triển khai nhiều cách làm mới. Thành ủy Bắc Giang thành lập tổ công tác đi dự sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Huyện ủy Lục Ngạn, Hiệp Hòa chỉ đạo sinh hoạt điểm để rút kinh nghiệm. Huyện ủy Yên Thế biên soạn cẩm nang nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Ðảng dành cho bí thư chi bộ... Tỉnh ủy Bắc Giang cũng triển khai mạnh mẽ công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở để bảo đảm phát huy cao nhất năng lực đội ngũ cán bộ, hướng tới công tác phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Bài và ảnh: ĐẶNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/41254902-bac-giang-boi-duong-doi-ngu-can-bo-co-so.html