Bắc Quang xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, văn minh

BHG - Sau 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Bắc Quang đã đạt được một số kết quả quan trọng, hướng đến xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp.

Trong việc cưới, các hủ tục của đồng bào như tục thách cưới cao đã giảm đáng kể (tục ép hôn, gả bán đã được loại bỏ); các cặp kết hôn trong độ tuổi thực hiện kết hôn đúng Luật Hôn nhân và gia đình; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân đã hạn chế việc tổ chức “bữa nháp” mời nhiều người gây lãng phí. Đến nay, trên địa bàn huyện cơ bản đã thay đổi hình thức phúng viếng, đi lễ, trả lễ bằng gia súc, gia cầm, hiện vật trong đám tang sang các hình thức khác phù hợp hơn; hạn chế mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám tang, vừa góp phần chống lãng phí. Thời gian tổ chức lễ tang đã được rút gọn, không còn tổ chức đám tang dài ngày. Ở trung tâm thị trấn, các tổ dân phố nhân dân hạn chế lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để căng phông rạp; giảm thiểu việc ăn uống, mở loa to, không đốt, giải vàng mã xuống đường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống ở khu dân cư. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao.. đã tuyên truyền, vận động được các thầy mo, thầy cúng rút ngắn bài cúng trong đám tang, tổ chức tang lễ theo quy định của địa phương.

Đồng bào dân tộc Dao xã Vĩnh Hảo gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: PV

Đồng bào dân tộc Dao xã Vĩnh Hảo gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: PV

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang xác định trong năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp, như: Tiếp tục chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động người thân trong gia đình xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải sinh động, sáng tạo bằng nhiều giải pháp khác nhau, bài bản và kiên trì phù hợp với từng địa phương, dân tộc; lấy mô hình tốt, để tuyên truyền theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Quan tâm tổ chức đưa đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn bản đi học tập kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời chấn chỉnh đối với những cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cách làm còn hình thức; kiểm điểm, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, nhất là tính nêu gương của cán bộ giữ cương vị lãnh đạo chưa gương mẫu còn để người thân và gia đình thực hiện các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Chú trọng động viên, biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU. Lấy việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh là tiêu chí đánh giá cán bộ hằng năm, đồng thời, làm căn cứ trong quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ. Tăng cường tuyên tuyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Đối với các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các nội dung của Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy, trọng tâm là không dựng rạp cưới lấn chiếm lòng, lề đường; 100% các cặp kết hôn được đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật; không mở nhạc to trước 6 giờ sáng và 21 giờ đêm. Không tổ chức đám tang quá 48 tiếng; không đi lễ, trả lễ bằng gia súc (trâu, bò, lợn, dê); không giết mổ trâu, bò để làm ma khô; không rắc, rải vàng mã trên đường đưa tang; không đi viếng bằng vòng hoa; bức trướng. Tuyên truyền, vận động nhân dân khi trong gia đình có người ốm đau, bệnh tật phải đưa đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế (không mê tín dị đoan, cúng bái). Phấn đấu đạt trên 90% tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về thu gom, xử lý rác thải đúng quy định. Trong tổ chức lễ hội không thương mại hóa lễ hội, mê tín dị đoan; không tổ chức các lễ hội rườm rà, phản cảm, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Lương Minh Hằng (Bắc Quang)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202402/bac-quang-xay-dung-cuoc-song-ngay-cang-giau-dep-van-minh-4d9410d/