Bác sĩ ở Bình Dương đăng ký cho vợ đi chống dịch

'Yếu vậy có đi nổi không, hay là xỉu tui bế về không kịp nữa', Kiên trêu Thảo khi nghe cô nói muốn lên tuyến đầu chống dịch.

Gần 3 tháng nay, vợ chồng Lê Trung Kiên và Nguyễn Thị Thu Thảo (cùng sinh năm 1994) hiếm khi chạm mặt nhau. Nếu có, họ cũng chỉ có vài phút nói chuyện, thoáng thấy cặp mắt đối phương dưới lớp bảo hộ kín mít.

Trung Kiên hiện vừa là bác sĩ, vừa quản lý khu bệnh 500 F0 tại Khu điều trị VSIP2 ở phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Công việc không có giờ bắt đầu hay kết thúc. Nhiều hôm liên tiếp, anh chỉ chợp mắt được 3-4 tiếng đồng hồ.

Còn Thu Thảo trở thành thành viên đội lấy mẫu từ đầu tháng 8. Thời điểm số ca nhiễm tăng nhanh, cô và các tình nguyện viên phải làm việc đến 1-2h sáng.

Thường ngày, Thảo theo nhóm tình nguyện đi lấy mẫu cộng đồng. Nhưng vào những hôm Khu điều trị VSIP2 tiếp nhận bệnh nhân mới, cô sẽ được phân công đến hỗ trợ.

"Trước dịch, hai vợ chồng làm hai ngành không liên quan gì đến nhau, một người là bác sĩ, một người làm cho doanh nghiệp tư nhân. Nhưng không ngờ, bây giờ lại có cơ hội làm việc chung, hỗ trợ lẫn nhau, mà còn là một công việc rất ý nghĩa nữa. Nên dù không được gặp nhau nhiều, mình vẫn cảm thấy rất vui", Thảo nói Zing.

 Vợ chồng Trung Kiên và Thu Thảo cùng tham gia tuyến đầu chống dịch tại Bình Dương. Ảnh: Ngô Tân Khánh Vĩnh.

Vợ chồng Trung Kiên và Thu Thảo cùng tham gia tuyến đầu chống dịch tại Bình Dương. Ảnh: Ngô Tân Khánh Vĩnh.

Đăng ký cho vợ đi chống dịch

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở các tỉnh phía nam, công ty nội thất Thu Thảo đang làm việc phải tạm đóng cửa.

Ba ngày sau khi nghỉ làm, Thảo gọi điện cho Kiên, cán bộ Trung tâm Y tế Tân Uyên đang theo học năm cuối tại Đại học Y Dược Cần Thơ, bày tỏ mong muốn tham gia chống dịch.

Qua điện thoại, Kiên ghẹo vợ: "Yếu vậy có đi nổi không đó, hay là xỉu tui bế về không kịp nữa". Câu nói nửa đùa nửa thật vì lúc đó anh thực sự lo lắng cho vợ.

"Khi ấy tình hình dịch bệnh rất phức tạp, mình lo bà xã không đủ sức khỏe, không quen công việc lại thêm vất vả", Kiên nói.

Khoảnh khắc gặp mặt ngắn ngủi của Kiên và Thảo ở bệnh viện dã chiến. Ảnh: Ngô Tân Khánh Vĩnh.

Khoảnh khắc gặp mặt ngắn ngủi của Kiên và Thảo ở bệnh viện dã chiến. Ảnh: Ngô Tân Khánh Vĩnh.

Tuy nhiên, Thảo đã trả lời cương quyết rằng cô chắc chắn làm được và thuyết phục chồng đăng ký cho mình tham gia đội lấy mẫu của đoàn thanh niên thị xã.

Cứ 7h mỗi ngày, Thảo lại theo đội đi lấy mẫu cộng đồng hoặc là lấy mẫu PCR trong bệnh viện dã chiến để trả kết quả cho bệnh nhân xuất viện, giải phóng chỗ, nhận thêm F0 mới.

Công việc không có giờ nghỉ cụ thể. Thế nhưng, có những hôm dù 1-2h sáng mới xong việc, Thảo vẫn tranh thủ trả lời tin nhắn hoặc gọi điện "báo cáo tình hình" để chồng yên tâm.

"Hai tháng qua là khoảng thời gian mà mình cảm thấy bản thân sống và làm được nhiều việc ý nghĩa nhất. Từng giây từng phút trôi qua đều không lãng phí chút nào, từng giọt mồ hôi đều xứng đáng", Thảo nói.

Tự hào về nửa kia

Khoảng một tháng sau khi vợ tham gia tuyến đầu, Kiên cũng trở về hỗ trợ quê hương chống dịch.

Ngày gặp lại ở bệnh viện dã chiến, nhìn Thảo trong bộ đồ bảo hộ, Kiên vừa thương, vừa thấy tự hào. Nhìn cặp mắt thâm quầng, anh biết cô nhiều đêm không được ngủ ngon.

Thế nhưng, vẻ hớn hở, say sưa kể chuyện trong đội tình nguyện của Thảo khiến Kiên cũng vui lây.

"Thấy vợ mạnh mẽ và nghị lực như vậy, mình cũng muốn bản thân trở nên kiên cường hơn", Kiên nói.

 Cặp vợ chồng về chung nhà vào tháng 11/2020. Ảnh: NVCC.

Cặp vợ chồng về chung nhà vào tháng 11/2020. Ảnh: NVCC.

Từ ngày vào bệnh viện dã chiến đến nay, cũng như nhiều nhân viên y tế khác, Kiên chưa có đêm nào được ngủ thẳng giấc. Thời gian nghỉ ngơi không có nhiều nên những cuộc điện thoại vài ba phút với người thân chính là liều thuốc tốt nhất giúp họ xốc lại tinh thần.

“Cả hai đều mệt và kiệt sức nên tụi mình thường chỉ kể những câu chuyện vui cho nhau nghe. Sau một ngày làm việc căng thẳng, đôi lúc chỉ cần nghe thấy giọng của người kia thôi cũng đủ để bình tâm lại”, Thảo kể.

Kiên và Thảo từng học chung cấp 3 tại trường THPT Huỳnh Văn Nghệ nhưng phải gần 5 năm sau khi tốt nghiệp họ mới gặp lại và bắt đầu hẹn hò.

Sau 3 năm yêu, cả hai tổ chức đám cưới vào cuối năm 2020. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều kế hoạch, trong đó có cả việc sinh em bé, của cặp vợ chồng phải hoãn lại.

“Nhưng đổi lại giờ đây, tụi mình được đồng hành ở tuyến đầu, góp sức giúp mảnh đất, nơi cả hai cùng sinh ra và lớn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn này”, Thảo chia sẻ.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-si-o-binh-duong-dang-ky-cho-vo-di-chong-dich-post1263884.html