Bài 1: 'Cánh tay nối dài' của ngành y tế vùng cao

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em của Liên Hợp quốc, bên cạnh đó, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn. Trong những năm qua, cô đỡ thôn bản tại các xã, bản đã và đang nỗ lực hết mình trong công việc, được ví như 'cánh tay nối dài' của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Khởi hành từ Hà Nội, xe chở nhóm phóng viên chúng tôi băng qua cung đường đèo dốc, bên vách núi, bên vực sâu với liên tiếp những khúc cua tay áo, để đến với xã Bản Mù - một trong những xã xa xôi và đông dân nhất của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, với trên 80% dân số là đồng bào Mông. Ở xã vùng cao này, có những con người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, đang hàng ngày góp sức mình tuyên truyền vận động, thuyết phục bà con dân tộc từ bỏ tập tục sinh con tại nhà và hướng dẫn họ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh.

Tuyên truyền theo hướng "mưa dầm, thấm lâu"

Được gặp Mùa Thị Cu, 24 tuổi, dân tộc Mông tại Trạm y tế xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, chúng tôi ấn tượng bởi sự vui vẻ, thân thiện, dễ gần mà cô đỡ trẻ này mang đến. Học tiếng Kinh từ khi còn nhỏ, chứng kiến nhiều phụ nữ trong thôn Mù Thấp, xã Bản Mù khó khăn “vượt cạn” do điều kiện kinh tế và tập quán sinh con tại nhà của người dân tộc Mông; chị quyết tâm theo đuổi công việc này.

Với thâm niên 6 năm trong nghề, công việc của chị chủ yếu là thống kê phụ nữ mang thai trong bản; tích cực vận động chị em đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở y tế để sinh con. Đồng thời, chị tuyên truyền cho sản phụ tiêm phòng uốn ván cho mẹ, tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em trong độ tuổi; hướng dẫn phụ nữ cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau khi sinh, nuôi con bằng sữa mẹ...

 Cô đỡ Mùa Thị Cu (ở giữa) ghi chép báo cáo hoạt động cô đỡ thôn bản hàng quý. Ảnh: Hải Yến

Cô đỡ Mùa Thị Cu (ở giữa) ghi chép báo cáo hoạt động cô đỡ thôn bản hàng quý. Ảnh: Hải Yến

Những ngày đầu, "cô đỡ" trẻ cũng gặp phải vô vàn khó khăn, vất vả khi người dân phần lớn là người dân tộc thiểu số nên nhận thức hạn chế, ngại ngùng không muốn đến cơ sở y tế mà vẫn chọn sinh con tại nhà; nhiều phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh vẫn đi làm nương rẫy, nên không hiếm trường hợp đẻ "rơi".

"Việc thuyết phục người dân nơi đây không sinh con tại nhà rất khó khăn; họ không hiểu và thường nói rằng: Ngày xưa đẻ như vậy có sao đâu?" - Mùa Thị Cu chia sẻ.

Vì vậy, không hiếm lần, cô đỡ trẻ phải đỡ đẻ trong đêm. Đó là một lần nhận tin báo có người trong thôn “trở dạ” vào 3 giờ sáng, đúng ngày mưa, đường trơn đi lại khó khăn; chị đã phải nhờ người nhà chở đến để khám và kịp thời đỡ đẻ cho sản phụ. Khó khăn, vất vả là vậy; nhưng "cô đỡ người Mông" ấy vẫn ngày ngày cần mẫn với công việc của mình; cùng sự quyết tâm và kiên trì, cũng có hộ đã thay đổi dần tập tục sinh con tại nhà.

 Cô đỡ Mùa Thị Cu đến tận nhà để hướng dẫn sản phụ chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé. Ảnh: Hải Yến

Cô đỡ Mùa Thị Cu đến tận nhà để hướng dẫn sản phụ chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé. Ảnh: Hải Yến

“Mưa dầm, thấm lâu”, một số người không còn muốn mẹ chồng đỡ đẻ mà đã tới trung tâm y tế, bệnh viện để sinh con; nhiều chị em khi mang thai cũng giữ mối liên hệ thường xuyên với Mùa Thị Cu để được tư vấn sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, khám thai định kỳ và chăm sóc bản thân.

Không nhớ được đã đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ tại thôn Mù Thấp này nhưng hàng ngày, tranh thủ thời gian rảnh, Mùa Thị Cu vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy tới các hộ để hỏi thăm sức khỏe phụ nữ mang thai, sản phụ sau sinh và tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé. Đáng mừng hơn cả là nhiều phụ nữ đến thời điểm chuẩn bị sinh đều gọi chị đến khám, tư vấn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho quá trình "vượt cạn".

Vượt khó bám trụ với nghề

Theo y sĩ Đào Văn Sứ, Trạm phó Trạm y tế xã Bản Mù, tập tục của người dân tộc từ xưa khi phụ nữ sinh con đều do người nhà đỡ đẻ, nên tai biến sản khoa cao, nhất là các ca thai ngược, nhau thai quấn cổ, đơ cổ tử cung sau sinh... Từ khi, có chương trình cô đỡ thôn bản, cùng các trạm y tế xã hỗ trợ, tư vấn, đã giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hiểu biết nguy cơ tai biến sản khoa.

"Trên địa bàn xã có 7 thôn nhưng chỉ có 3 cô đỡ thôn bản và đây thực sự là cánh tay nối dài của trạm y tế" - y sĩ Đào Văn Sứ chia sẻ.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản ở Bản Mù có cùng ngôn ngữ, phong tục tập quán, lại được trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nên dễ dàng tiếp cận người dân để tuyên truyền vận động, thuyết phục bà con từ bỏ tập quán lạc hậu. Ngoài khám thai, hỗ trợ bà mẹ lúc sinh, cô đỡ thôn bản còn có vai trò quan trọng trong phát hiện trường hợp bất thường ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, đề nghị chuyển đến cơ sở y tế. Hơn hết, các cô đỡ thôn bản còn tuyên truyền vận động cho sản phụ khám định kỳ.

 Y sĩ Đào Văn Sứ, Trạm phó Trạm y tế xã Bản Mù đang cập nhật thông tin về số lượng phụ nữ mang thai tại xã Bản Mù. Ảnh: Hải Yến

Y sĩ Đào Văn Sứ, Trạm phó Trạm y tế xã Bản Mù đang cập nhật thông tin về số lượng phụ nữ mang thai tại xã Bản Mù. Ảnh: Hải Yến

Tuy nhiên, theo y sĩ Đào Văn Sứ, khó khăn lớn nhất vẫn là rào cản về nhận thức của người dân nơi đây! Không hiếm lần các y bác sĩ và cô đỡ thôn bản tư vấn cho sản phụ đến trạm y tế sinh con; nhưng đa phần chỉ đến khám thai và siêu âm, sau đó vẫn sinh con tại nhà.

Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ sinh con tại nhà ở xã Bản Mù còn rất cao, hơn 80%; mỗi tháng có từ 12 - 13 em bé được sinh ra đời thì tối đa chỉ có 5 ca sinh tại bệnh viện, đa phần các bà mẹ vẫn lựa chọn sinh con tại nhà. Mặc dù đã tuyên truyền, vận động người dân đến trạm y tế; thậm chí còn hỗ trợ quần áo, tã bỉm cho trẻ sơ sinh nhưng vẫn rất khó thay đổi thói quen này. Với dân số xấp xỉ 6.400 dân - tại xã đông nhất của huyện Trạm Tấu này, vai trò của cô đỡ thôn bản càng trở nên quan trọng.

Công việc vất vả, thu nhập không cao, chỉ 900.000 đồng/tháng nhưng nhiều cô đỡ thôn bản vẫn bố trí sáng đi làm nương rẫy, trưa tranh thủ đi vận động, tuyên truyền. Nhiều chị chia sẻ, hôm nào người dân gọi đi đỡ hoặc giúp họ chuyển tuyến là phải bỏ công việc nhà. Vậy nhưng, "mẹ tròn, con vuông” là niềm vui, động lực để họ thêm gắn bó với công việc này.

"Đồng bào mình còn khó khăn; thế nên, dù có vất vả, mà thấy người khác vui, mạnh khỏe là mình cũng hạnh phúc rồi" - Mùa Thị Cu hồn nhiên chia sẻ.

Theo các chuyên gia y tế, các cô đỡ thôn bản ở miền núi và vùng sâu, vùng xa thực sự là tài sản quý giá trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu; việc duy trì và mở rộng đội ngũ cô đỡ thôn bản có thể đóng một vai trò quan trọng trong cải thiện kết quả về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh.

Với mục đích tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu hướng tới mục tiêu 100% bà mẹ mang thai đều sinh đẻ tại các cơ sở y tế, bắt đầu từ những năm 1990, Bệnh viện Từ Dũ đã có sáng kiến đào tạo những phụ nữ người dân tộc thiểu số thành những cô đỡ thôn bản hoạt động ở những vùng khó khăn. Mô hình cô đỡ thôn bản đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, nhiều tổ chức quốc tế và nhanh chóng lan tỏa ra hầu hết các tỉnh miền núi khó khăn. Chính đội ngũ cô đỡ thôn bản được đào tạo, đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, nhất là ở vùng cao, vùng sâu.

Thảo Mộc - Hải Yến - Thái Bình - Tùng Dương - Cao Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-canh-tay-noi-dai-cua-nganh-y-te-vung-cao-post391746.html