Bài 1: Khảo sát bằng hình ảnh làm bằng chứng thực tiễn

Từ kinh nghiệm tham mưu tổ chức hoạt động chất vấn, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, việc chú trọng tổ chức khảo sát bằng hình ảnh để làm tư liệu, bằng chứng thực tiễn giúp đại biểu có cơ sở nêu câu hỏi hoặc tranh luận rõ hơn vấn đề chất vấn; đồng thời, giúp chủ tọa điều hành, kết luận nội dung trọng tâm, chính xác. Việc xây dựng phóng sự phục vụ phiên chất vấn và trả lời chất vấn chỉ được thực hiện khi hoàn thiện báo cáo kết quả khảo sát, bảo đảm phản ánh đầy đủ, chân thực nhất kết quả khảo sát.

Sử dụng video clip bằng hình ảnh thay cho báo cáo

Hoạt động chất vấn luôn được Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt và ngày càng đi vào thực chất, có trọng tâm; chất lượng, hiệu quả được nâng cao. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh tổ chức 3 phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND và 1 phiên chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND với 8 nhóm vấn đề chất vấn. Thường trực HĐND giao các Ban HĐND tỉnh tham mưu tổ chức khảo sát kỹ lưỡng trước khi tổ chức chất vấn, xây dựng kế hoạch, chương trình chất vấn bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XIX - ẢNH N. HƯNG

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XIX - ẢNH N. HƯNG

Với sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham mưu tích cực của các Ban, đại biểu HĐND tỉnh, chỉ đạo sâu sát và điều hành khoa học, linh hoạt của Thường trực HĐND tỉnh, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang được tổ chức đổi mới theo hướng “hỏi nhanh, đáp rõ”, có phiên sử dụng video clip bằng hình ảnh thay cho báo cáo; khuyến khích sự tham gia chất vấn của đông đảo các đại biểu HĐND, bảo đảm không khí thẳng thắn, sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm. Qua đó, làm rõ được trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành các vấn đề quan trọng, bức xúc ở địa phương; đưa ra phương hướng, giải pháp triển khai tốt các nhiệm vụ.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa kết luận, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế và yêu cầu UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành có những giải pháp phù hợp thực hiện tốt hơn; đồng thời, giao các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện “lời hứa”.

Phản ánh đầy đủ, chân thực nhất kết quả khảo sát

Từ kinh nghiệm tham mưu tổ chức hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND và phiên họp Thường trực HĐND tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, nội dung chất vấn phải là vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu HĐND, cử tri quan tâm. Để tham mưu nội dung chất vấn đúng, trúng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND phải tích cực nghiên cứu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; sâu sát cơ sở, thường xuyên gần gũi với cử tri để lắng nghe, nắm tình hình; xem xét việc triển khai và kết quả công tác của cơ quan, đơn vị, thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách thông qua các báo cáo sơ kết, tổng kết, chuyên đề; thường xuyên tham gia hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đi công tác cơ sở, gặp gỡ cử tri... để nắm thông tin chính xác và lựa chọn vấn đề để đề xuất nội dung chất vấn.

Trên cơ sở đó, tham mưu với Thường trực HĐND thành lập Đoàn khảo sát và tổ chức khảo sát để nắm bắt thực trạng, nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn. Chú trọng tổ chức khảo sát bằng hình ảnh làm tư liệu, bằng chứng thực tiễn, chân thật giúp đại biểu có cơ sở nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận rõ hơn vấn đề chất vấn; đồng thời, giúp chủ tọa điều hành, kết luận nội dung trọng tâm, chính xác. Đơn cử như chất vấn tại Phiên họp thứ 34 Thường trực HĐND tỉnh, có 12 lượt đại biểu nêu yêu cầu chất vấn và 10 lượt đại biểu phát biểu tranh luận.

Để tổ chức khảo sát bằng hình ảnh, theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực để thực hiện. Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí; xây dựng kịch bản, dự kiến nội dung ghi âm, ghi hình trên cơ sở nghiên cứu kỹ báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát trước khi tổ chức giám sát trực tiếp. Việc xây dựng phóng sự phục vụ phiên chất vấn chỉ được thực hiện khi Đoàn khảo sát kết thúc khảo sát, hoàn thiện báo cáo kết quả khảo sát để bảo đảm phóng sự phản ánh được một cách đầy đủ, chân thực nhất kết quả khảo sát.

Quá trình chất vấn, đại biểu phải thể hiện được bản lĩnh, tự tin và nghị lực, không nể nang, e ngại; cần tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề và tìm ra những giải pháp có tính khả thi. Để thực hiện được yêu cầu này, đại biểu cần tham gia hoạt động khảo sát, nắm bắt chắc thực tiễn; đồng thời, nắm đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.

Trên cơ sở kết quả khảo sát tham mưu câu hỏi chất vấn phải phù hợp pháp luật và yêu cầu thực tế; ngắn gọn, đúng trọng tâm, dễ hiểu, thiết thực, đi thẳng vào vấn đề, gắn với trách nhiệm của người trả lời chất vấn, hướng giải quyết, thời gian giải quyết để đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục giám sát quá trình thực hiện sau chất vấn. Đơn cử, chất vấn tại Phiên họp thứ 34 Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh, đại biểu nêu 12 câu hỏi chất vấn đối với những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-1-khao-sat-bang-hinh-anh-lam-bang-chung-thuc-tien-i385866/