Bài 2: Lặng thầm những cống hiến

Khó có thể đong đếm hết những cống hiến lặng thầm của các chiến sĩ 'áo xanh' ở cấp cơ sở. Kể từ khi được phân công về xã, nhiều người đã xem địa phương ấy như là quê hương thứ 2 của mình. Họ thiết tha với công việc, dành sự quý mến cho đồng nghiệp và xem nhân dân như là người nhà, cống hiến với lý tưởng sắt son là mang lại bình yên cho quê hương, xứ sở.

Hình ảnh các chiến sĩ công an xã Tân Hiệp tận tụy, anh dũng, miệt mài hỗ trợ bà con trong đợt Covid-19 vẫn là ký ức khó quên với nhiều người.

Hình ảnh các chiến sĩ công an xã Tân Hiệp tận tụy, anh dũng, miệt mài hỗ trợ bà con trong đợt Covid-19 vẫn là ký ức khó quên với nhiều người.

“Lá chắn thép” gìn giữ bình yên khắp những miền quê

Đến nay, lực lượng công an xã chính quy đã trở thành một phần không thể thiếu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sống và làm theo pháp luật, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong công tác xây dựng đời sống dân cư. Họ trở thành điểm tựa, là “lá chắn thép”, mang đến niềm tin cho nhân dân.

Nhớ lại những ngày, tháng cả đất nước vươn lên từ đại dịch Covid-19, công an xã là lực lượng tiên phong trong công tác phòng, chống dịch. Ở thời điểm đó, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có ca bệnh Covid-19 đầu tiên.

Anh Đinh Xuân Dũng ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi còn nhớ như in ký ức đợt tháng 6/2021, khi dịch Covid 19 bùng phát, thời điểm đó, con trai tôi mới chào đời, gia đình không kịp chuẩn bị gì lại không thể rời khỏi nơi cư trú. Thấy vậy, các chiến sĩ công an xã đã lập tức bố trí để mua sữa, cháo cho vợ và con tôi. Nếu không có các anh, có lẽ, gia đình tôi đã phải trải qua những ngày tháng khó nhằn nhất”.

Ngay khi dịch bệnh xuất hiện, Công an xã Tân Hiệp đã nhanh chóng trở thành tuyến đầu, tiến hành kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng, chống dịch. Ngay sau đó, các chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra và các khu vực thực hiện phong tỏa được thiết lập. Vấn đề cung ứng các nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân tại khu vực phong tỏa được bảo đảm.

Toàn lực lượng đã phát huy tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng chống, ứng phó với tình hình dịch bệnh phức tạp cho chính quyền địa phương, dựa trên 3 phương châm: phòng, chống dịch Covid-19 là trọng tâm; bảo đảm an ninh, trật tự, giữ vững ổn định xã hội là trọng yếu, xuyên suốt; thực hiện an dân, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội là thường xuyên, then chốt.

Đặc biệt, các chiến sĩ công an xã trong vai trò nòng cốt đã đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, đi đầu trong việc thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ. Các chiến sĩ công an đã nhanh chóng tham mưu, phối hợp cùng các cơ quan liên quan tiến hành xây dựng kế hoạch và thực hiện. Nhờ thực hiện đồng bộ và quyết liệt, họ đã hướng dẫn kê khai hơn 4,4 triệu bản khai nhân khẩu để bổ sung vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu, quản lý gần 18,5 triệu hộ với hơn 70,7 triệu nhân khẩu.

Thực tế cho thấy, việc tiến hành mô hình “Cải cách hành chính Công an cấp xã” đã tạo nên sự thay đổi lớn trong công tác giải quyết các vấn đề thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của công an xã giải quyết bao gồm: khai sinh, đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú và thủ tục tách hộ… đều được xử lý nhanh chóng. Từ đó, giảm phiền hà, đơn giản hóa thủ tục, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân.

Bên cạnh đó, lực lượng công an xã còn đóng vai trò quan trọng trong công tác tuần tra, tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy; kịp thời tham gia cứu hộ cứu nạn; bảo vệ tính mạng, tài sản, bình yên cho mọi gia đình.

Xã bám cơ sở tức là bám vào dân

Lấy dân làm gốc, hoạt động của lực lượng công an xã luôn gắn chặt với đời sống của người dân địa phương. Tư tưởng ấy đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, nhân dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể bảo vệ.

Từ ngày trở về địa phương sinh sống sau khi hoàn tất việc chấp hành án, ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ tại ấp Thới Tây 2 (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) luôn mang trong mình tâm lý mặc cảm vì không xin được việc làm để phụ giúp kinh tế gia đình. Nắm bắt được hoàn cảnh ấy, công an, cảnh sát khu vực và cán bộ quản lý người chấp hành án tại cộng đồng đã luôn động viên, giới thiệu việc làm cho ông Phong.

Ông Nguyễn Thanh Phong chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được lực lượng công an xã hỗ trợ, giúp đỡ từ việc tư vấn vay vốn cho diện người chấp hành án phạt tù trở về địa phương đến những an ủi về mặt tinh thần. Nhờ vậy, họ được tiếp thêm sự tự tin và hy vọng để cố gắng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Nếu không có các chiến sĩ công an giúp đỡ, gánh nặng về tâm lý của tôi khó có thể giải tỏa. Cũng nhờ sự động viên đó mà tôi còn tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương, tái hòa nhập với cộng đồng", ông Nguyễn Thanh Phong bày tỏ lòng biết ơn.

Là cấp gần dân, sát dân, gắn chặt với địa bàn cơ sở, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của cấp ủy Đảng, cũng như sự quản lý của Ủy ban nhân dân cùng cấp, sự chỉ đạo nghiệp vụ của công an cấp trên, công an xã đã phát huy vai trò là lực lượng chủ công và trực tiếp thực hiện chức năng phòng-chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. Họ đặc biệt nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, là lẽ sống của mình.

Họ cũng chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, kế hoạch xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể để vận động nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, phòng chống tội phạm. Qua đó, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Thượng úy Trịnh Hữu Đệ, hiện đang công tác tại Công an xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau là một trong những gương mặt tiêu biểu, tận tụy với công việc, “trung với Đảng, hiếu với dân” được quần chúng yêu mến, tin tưởng. Hơn 3 năm về xã, anh phụ trách công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính, dữ liệu dân cư. Hễ cứ gặp những khó khăn về mặt giấy tờ là bà con Đông Hưng lại tìm đến và nhờ anh giúp đỡ.

Thượng úy Trịnh Hữu Đệ làm căn cước công dân cho Trần Thị Hai.

Thượng úy Trịnh Hữu Đệ làm căn cước công dân cho Trần Thị Hai.

Thượng úy Trịnh Hữu Đệ cho biết: “Ở vùng nông thôn, mọi người thường thiếu điều kiện nắm bắt các quy trình, thao tác, thủ tục hành chính. Vì thế, trong khả năng của mình, tôi thường hết lòng hỗ trợ, hướng dẫn để người dân có thể tiết kiệm được thời gian, công sức. Khi giải quyết những vấn đề này, tôi và các đồng nghiệp thường giữ vững tinh thần luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân, để việc thực hiện diễn ra sao cho thuận lợi, suôn sẻ nhất”.

Hồi tưởng về giai đoạn thực hiện căn cước công dân cho bà con, anh nhớ lại trường hợp cụ Trần Thị Hai, sinh năm 1923, là một trong những người lớn tuổi nhất của xã. Lúc công an xã thực hiện những chuyến xe lưu động đến nhà dân làm căn cước, cụ vừa bước qua tuổi 100. Dù tuổi cao nhưng cụ Trần Thị Hai vẫn minh mẫn, vui mừng khi được các chiến sĩ công an hỗ trợ làm giấy tờ.

“Bắt gặp nụ cười của các cụ ông, cụ bà khi được lăn dấu vân tay, được xác minh thông tin để làm dữ liệu dân cư cũng khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Với tôi, bất kỳ ai, dù già hay trẻ, khỏe mạnh hay bệnh tật đều cần được hỗ trợ, bởi những giấy tờ đó có giá trị với mỗi người đến trọn đời”, Thượng úy Trịnh Hữu Đệ, công an xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết.

Xã bám cơ sở không chỉ đơn thuần là việc xây dựng lực lượng Công an xã chính quy mà cao hơn là việc mỗi cán bộ chiến sĩ phải thật sự thấm nhuần cả trong tư tưởng và hành động rằng, cần gắn chặt với nhân dân, lắng nghe bằng “tai", “mắt" của nhân dân. Có như thế, cơ sở mới thật sự ổn định và vững mạnh.

Bằng việc bám sát đời sống của nhân dân, hiểu rõ lòng dân, đội ngũ công an xã đã góp phần xây dựng xã hội bình yên hạnh phúc, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Hình ảnh những chiến sĩ công an xắn tay áo, lao vào vùng khó đã dần trở nên thân thuộc với từng làng xóm. Sự cống hiến, dấn thân thầm lặng của họ đã ghi một dấu ấn khó phai trong lòng biết bao người dân Việt Nam…

Trung úy Nguyễn Nhật Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bai-2-lang-tham-nhung-cong-hien-post501663.html