Bài 4: Đề cao tính khách quan, minh bạch trong đánh giá cán bộ (Tiếp theo và hết)

Thực tế cho thấy, dù có quy trình đánh giá chặt chẽ, phương pháp đo lường khoa học, chính xác, nhưng nếu thái độ, động cơ đánh giá của chủ thể thiếu trung thực, khách quan, công tâm và không chủ động minh bạch hóa kết quả nội dung đánh giá cán bộ, thì việc xem xét, thẩm định nhân sự trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ cũng khó đạt hiệu quả tối ưu.

Bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm trong đánh giá cán bộ

Tại sao Văn kiện Đại hội XII của Đảng ta lại nhận định “đánh giá cán bộ là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ” và trước đó, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra: “Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan”?

Do đánh giá cán bộ thực chất là xem xét, thẩm định chất lượng con người-một nhân tố động không dễ định lượng mà thường đo bằng định tính. Việc nhận định, đánh giá cán bộ không đơn giản, nhưng không phải quá khó nếu như những người "cầm cân nảy mực" ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương có động cơ trong sáng, công tâm và phải thực sự đánh giá cán bộ dựa trên các cơ sở nguyên tắc, quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí đã quy định.

Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Vì vậy, việc đánh giá cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp, thường xuyên và là trách nhiệm chính trị của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy các cấp. Tuy nhiên, nguyên nhân của “khâu yếu nhất” nhiều khi chủ yếu bắt nguồn từ chủ thể đánh giá. Nếu đối tượng được đánh giá đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng khách quan nhưng được soi chiếu bằng lăng kính chủ quan của người có thẩm quyền đánh giá, thì dễ xảy ra sai sót.

 Ảnh minh họa/tuyengiao.vn.

Ảnh minh họa/tuyengiao.vn.

Theo Đại tá, TS Nguyễn Xuân Sinh, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), việc đánh giá cán bộ được thông qua tập thể cấp ủy, nên khi nhận định, xem xét về một nhân sự cụ thể thì các thành viên cấp ủy có ý kiến đánh giá khác nhau là dễ xảy ra. Nếu cấp ủy viên nhìn nhận cảm tính, tư duy phiến diện, nhận thức hời hợt, không nhận định, phân biệt đâu là hiện tượng-bản chất, đâu là ưu điểm-khuyết điểm của cán bộ được đánh giá, hoặc mang sự yêu-ghét của mình ra để xem xét, thẩm định nhân sự thì khó có thể đánh giá cán bộ một cách khách quan, công tâm. Ngược lại, khi chủ thể đánh giá cán bộ có tri thức khoa học về nhân sự, đức tính trung thực, liêm chính, không ích kỷ, không vụ lợi, vì tập thể, vì lợi ích chung thì bao giờ cũng có cái nhìn khách quan, toàn diện, chính xác khi đánh giá cán bộ.

Tuy nhiên, một trong những đặc trưng tâm lý của người Việt là duy tình, từ đó dễ có thái độ cả nể, dĩ hòa vi quý trong ứng xử và giải quyết công việc. Kể cả việc hệ trọng như giới thiệu, xem xét, đánh giá nhân sự cũng có thành viên cấp ủy chưa bày tỏ rõ chính kiến của bản thân trong những thời điểm quyết định. Thực tế cho thấy, nhiều cấp ủy viên thời gian qua bị xử lý kỷ luật liên đới đến công tác giới thiệu, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ không đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và Nhà nước có một phần xuất phát từ tâm lý nể nang, thuận chiều theo ý định chủ quan của người đứng đầu mà không thể hiện dũng khí quyết đoán của mình trước những quyết định duy ý chí của người khác.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 bị Ban Bí thư Trung ương Đảng thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, do các thành viên trong Ban Cán sự đảng của bộ này có phần dễ dãi, a dua theo ông Vũ Huy Hoàng (khi đó là Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương) vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ trong một số trường hợp; thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ.

Sau vụ việc ông Lê Phước Hoài Bảo (con trai ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) bị hủy bỏ quyết định bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Sự, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, đã bộc bạch rằng, ông tự thấy mình có một phần trách nhiệm vì đã cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam giới thiệu, đánh giá, đề nghị bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh khi ông này chưa đủ điều kiện chín muồi.

Qua vụ việc này, theo ông Nguyễn Sự, trong việc xem xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ thì đòi hỏi mọi cấp ủy viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy phải tôn trọng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tối cao là tập trung dân chủ, phải là người cầm cân nảy mực thật sự công tâm, khách quan, không vì tình riêng mà vun vén, ưu ái cho người nhà, người thân.

Mặt khác, các cấp ủy cấp trên cần có cơ chế lắng nghe ý kiến từ cấp ủy cấp dưới trong công tác giới thiệu nhân sự, bảo vệ những người có chính kiến trong việc giới thiệu những nhân tố mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Cũng nên hạn chế tới mức tối đa việc cấp ủy cấp trên đột ngột giới thiệu, chỉ định nhân sự từ nơi khác về, trong khi nguồn nhân sự tại chỗ của cấp dưới vẫn bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để xem xét quy hoạch, bổ nhiệm.

Tăng cường công khai, minh bạch kết quả đánh giá cán bộ

Để đánh giá chính xác cán bộ, ngoài việc đề cao trách nhiệm chính trị cá nhân, đề cao tính khách quan, công bằng, trung thực của chủ thể đánh giá, thì sự công khai, minh bạch kết quả đánh giá cán bộ cũng rất quan trọng. Theo PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, việc công khai, minh bạch nội dung kết quả đánh giá cán bộ sẽ mang lại nhiều tiện ích, hiệu ứng tích cực. Đó là bản thân cán bộ được đánh giá biết phát huy những ưu điểm, cố gắng khắc phục những khuyết điểm, không ngừng vươn lên; tổ chức biết để giúp cán bộ “chắp vá” những chỗ còn thiếu của bản thân và nhờ đó có cơ hội trưởng thành; mọi người cùng biết và chấp nhận một “sân chơi” bình đẳng mà người có tài năng được tôn trọng, người kém năng lực chấp nhận bị đào thải.

Đánh giá cán bộ là công việc khó, nhạy cảm thì càng đòi hỏi phải có nhiều kênh, nhiều nguồn thông tin đa chiều để nhận xét, thẩm định về phẩm chất, năng lực, uy tín cán bộ. Vì vậy, chỉ có dân chủ, công khai, minh bạch mới có đầy đủ nguồn thông tin để nhận định, xem xét toàn diện mọi khía cạnh liên quan đến người cán bộ, từ đó mới có thể “đo lường” chính xác nhân sự đó có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng hay không.

Làm tốt khâu đánh giá cán bộ để góp phần nâng cao chất lượng nhân sự đại hội nhiệm kỳ tới

Đảng ta đã nhấn mạnh, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Các khâu trong công tác cán bộ đều có vai trò quan trọng, liên quan mật thiết và tác động lẫn nhau. Tuy vậy, với tư cách là khâu tiền đề, việc đánh giá cán bộ phải được chuẩn bị chu đáo, tiến hành khoa học, bảo đảm chất lượng chính xác mới góp phần tạo lập được mắt xích chính yếu vững vàng ngay từ đầu để thực hiện tốt các khâu khác trong công tác cán bộ. Đồng thời, thực sự quan tâm coi trọng khâu đánh giá cán bộ cũng là một trong những giải pháp căn cơ để góp phần thực hiện hiệu quả Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

Mới đây, chủ trì Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác cán bộ nói chung, công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp nói riêng không chỉ là nhiệm vụ của tiểu ban nhân sự các cấp, mà là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương, vì việc hệ trọng này liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Muốn có một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để bầu vào cấp ủy các cấp, ngay từ khâu đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhân sự chuẩn bị đại hội phải làm thật sự dân chủ, thận trọng, công tâm, khách quan, khoa học. Chỉ có như vậy công tác cán bộ của Đảng mới xứng đáng với vị trí “then chốt của then chốt”.

“Cần tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, tích cực, khách quan, công tâm của các cơ quan có thẩm quyền trong đánh giá cán bộ. Công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch... Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, tham nhũng, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm”. (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng)

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nghi-quyet-va-cuoc-song/bai-4-de-cao-tinh-khach-quan-minh-bach-trong-danh-gia-can-bo-tiep-theo-va-het-615714