Bài 4: Tạo dựng hình mẫu hợp tác thương mại toàn cầu

Quan hệ hợp tác thương mại Việt- Trung không chỉ là câu chuyện của riêng hai nước mà đã trở thành hình mẫu điển hình trong hợp tác thương mại toàn cầu....

Người mở đường vào thị trường siêu lớn

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản. Những lợi thế về quy mô thị trường, xu hướng tiêu dùng, vị trí địa lý của thị trường Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là đã rõ, nhưng để tận dụng được các lợi thế đó thì không hề đơn giản.

Thói quen kinh doanh của không ít doanh nghiệp và người nông dân trong nhiều năm qua là “có gì bán nấy”, ưa chuộng phương thức xuất khẩu tiểu ngạch, làm việc qua các thương lái… nên không có sự chủ động và chiến lược dài hạn, dễ lúng túng trước những quy định mới của nước nhập khẩu. Nhiều năm liền, chúng ta đã chứng kiến, hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu nhập khẩu phải nằm chờ ở cửa khẩu do phía bạn sửa đổi luật An toàn thực phẩm và các quy định về nhập khẩu hàng hóa; Thủ tục nhập khẩu cũng được quy định chặt chẽ hơn về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác…

Thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc đầy sức hấp dẫn với mọi nhà xuất khẩu nhưng không còn dễ tính, theo các doanh nghiệp, gần đây, thị trường Trung Quốc đưa ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng cho hàng Việt. Đầu năm 2022, hàng nghìn xe container nông sản ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc khi Trung Quốc siết các biện pháp kiểm dịch hàng hóa. Rồi đến tôm hùm bông Việt Nam bị ngưng xuất sang nước này do các quy định mới về chất lượng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc.

“Hàng chất lượng thấp đang dần không còn "cửa". Trung Quốc kiểm soát chặt từ thuốc bảo vệ thực vật tới kích cỡ, trọng lượng không thua kém gì Nhật, nên Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường này cần nâng cao chất lượng. Sau một thời gian xuất hàng chính ngạch, hàng bán vào các đô thị lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh phải đạt tiêu chuẩn ngang thế giới”, một doanh nghiệp xuất khẩu thời điểm đó thông tin.

Trong năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục phải đối diện với một số thách thức về việc điều chỉnh chính sách của quốc gia này: Luật An toàn thực phẩm được sửa đổi 2 lần, ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu", tạo nên áp lực “chuẩn hóa” cho nông sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng siết chặt quản lý nông thủy sản nhập khẩu khi chỉ cho phép nhập khẩu tại cửa khẩu chỉ định, yêu cầu đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu…

Từ đầu nhiệm kỳ năm 2021 đến nay, để khơi thông dòng chảy thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Bộ Công Thương - với vai trò là đầu mối thúc đẩy thương mại của cả nước đã trực tiếp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới.

Trong năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục phải đối diện với một số thách thức, và Bộ Công Thương đã nhanh chóng triển khai, tháo gỡ, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa

Trong năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục phải đối diện với một số thách thức, và Bộ Công Thương đã nhanh chóng triển khai, tháo gỡ, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa

Cụ thể, cuối tháng 5 đầu tháng 6/2023, hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trện địa bàn tỉnh Lạng Sơn có dấu hiệu ùn ứ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc để chủ động thúc đẩy phía Trung Quốc phối hợp tạo thuận lợi thông quan, tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, thiết lập luồng xanh ưu tiên thông quan cho trái cây, định hướng doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa cửa khẩu biên giới giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Bộ tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc (Đại sứ quán, hải quan), chỉ đạo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây thúc đẩy cơ quan chức năng cửa khẩu phía Trung Quốc.

Vào tháng 8/2023, tham gia đoàn công tác của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu làm việc tại Lạng Sơn, thăm và làm việc tại cửa khẩu Hữu Nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc trao đổi ngắn với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, một trong những nội dung được Bộ trưởng đề cập là tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước.

Cùng với những giải pháp gỡ khó trực tiếp cho xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan điều kiện thuận lợi cấp giấy chứng nhận C/O cho các doanh nghiệp đổi cửa khẩu xuất khẩu.

Thời điểm đó, Bộ đã có công văn số 409/XNK-TMQT gửi Sở Công Thương các tỉnh thành phố và các Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đề nghị chủ động nắm bắt thông tin về tình hình thông quan để hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao nhất.

Không dừng lại ở những giải pháp tháo gỡ mang tính thời điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương liên tục yêu cầu các đơn vị liên quan đưa ra lưu ý và cũng như phương hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp, ngành hàng.

Một trong những nội dung được Bộ Công Thương đề cập là việc tăng cường tiếp cận vùng. Bên cạnh thị trường truyền thống như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây thì doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý tới thị trường tiềm năng miền Tây, miền Đông và Tây Nam Trung Quốc.

Sau những nỗ lực từ phía Bộ Công Thương và chính quyền nước bạn, một số cửa khẩu biên giới đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Ảnh: Cấn Dũng

Sau những nỗ lực từ phía Bộ Công Thương và chính quyền nước bạn, một số cửa khẩu biên giới đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Ảnh: Cấn Dũng

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối năm 2022, đã có rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Đặc biệt, phía Trung Quốc đã gỡ bỏ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nên hoạt động về kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động biên giới sôi động trở lại.

Bên cạnh đó, một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng.

Tuy nhiên, trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định. Hơn nữa, hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại; việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động cửa khẩu chỉ mang tính thí điểm, chưa phổ biến.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của Lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thương mại biên giới.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đánh giá, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Trung Quốc nói chung, hợp tác kinh tế -thương mại khu vực biên giới nói riêng. Qua đó, tạo thuận lợi hóa thương mại, đầu tư giữa hai nước; rà soát Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch... để đáp ứng yêu cầu của thị trường và thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Mô hình hợp tác kiểu mẫu toàn cầu

Năm 2024, kiên định thực hiện các mục tiêu, chiến lược đặt ra giữa hai nước, Bộ Công Thương cũng đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Đánh giá về mối quan hệ hợp tác - thương mại Việt Nam – Trung Quốc, cũng như những nỗ lực của Bộ Công Thương trong công tác đàm phán, phát triển thị trường xuất khẩu, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, Trung Quốc là thị trường gắn với thương mại lớn, là nhà đầu tư rất lớn và là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng quan tâm và đầu tư sang thị trường Trung Quốc. Chưa kể, hoạt động du lịch của hai nước cũng đang trên đà phát triển mạnh.

Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân từ ngày 18 - 20/8/2024 vừa qua sẽ tác động mạnh mẽ, tích cực đến quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại song phương cùng với cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt - Trung.

Đầu tiên là góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị, ngoại giao của hai nước; sau đó là tăng cường quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành nhận định về hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới

Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành nhận định về hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới

Trung Quốc giờ đây không chỉ là câu chuyện của riêng nước này mà trở thành câu chuyện chung của toàn cầu, bởi Trung Quốc đang có một bước phát triển rất mới, cả về trình độ, quy mô và Trung Quốc đang ở trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ lại nền kinh tế theo xu hướng hiện đại gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Trung Quốc đã và đang trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu gắn với nhập khẩu, kết nối chuỗi cung ứng không chỉ với Việt Nam mà còn với khu vực và toàn thế giới. Chính vì vậy, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ được nâng tầm và hợp tác về kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc. Hợp tác giữa các địa phương hai nước sẽ trở thành hình mẫu" - chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thương mại hai nước Việt - Trung sẽ có nhiều đột phá khi các Bộ, ngành, cơ quan hai nước ký kết nhiều văn kiện, biên bản hợp tác. Trong đó phải kể đến 3 văn kiện, biên bản hợp tác mà Bộ Công Thương Việt Nam đã thiết lập với Bộ đối tác cũng như các địa phương Trung Quốc. Điều này thể hiện dư địa và không gian hợp tác của hai nền kinh tế còn rất lớn, đặc biệt là đối với các địa phương biên giới.

Thời gian tới, các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, giao thông vận tải đường sắt, du lịch... sẽ là những lĩnh vực hợp tác trọng tâm, tiềm năng bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống.

Những địa phương mà Bộ Công Thương lựa chọn ký kết thỏa thuận hợp tác (với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, tỉnh Sơn Đông, tỉnh Vân Nam, tỉnh Hải Nam...) đại diện cho sự hợp tác đa dạng về nhu cầu của hai nước; đồng thời thể hiện tính đặc thù trong quan hệ hai nước.

Để tận dụng tối đa những thỏa thuận hợp tác, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nâng cấp mình hơn, tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” - chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khuyến cáo và cho rằng, việc thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác với các địa phương Trung Quốc là phương hướng hợp tác mới, thiết thực và hiệu quả mà Bộ Công Thương đang là một trong những đơn vị đi đầu. Mô hình hợp tác này cần được nhân rộng không chỉ trong các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương mà còn ở nhiều Bộ, ngành khác để nâng tầm hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu, nỗ lực phấn đấu đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trong đó đặc biệt chú trọng đến tầm quan trọng của công tác hội nhập quốc tế.

Đến nay, chỉ còn 1 năm nữa Đại hội XIV của Đảng sẽ diễn ra, bối cảnh trong và ngoài nước cho phép cũng như đòi hỏi chúng ta phải hành động mạnh mẽ, quyết tâm đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hội nhập sẽ còn sâu rộng hơn nữa. Để chuẩn bị cho Đại hội XIV cũng như làm tốt hơn nữa công tác hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Công Thương tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bảo đảm đồng bộ, khả thi để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra.

Tận dụng tối đa không gian chính sách mà Việt Nam được phép trong các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể của Việt Nam và tạo cơ sở phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới, phù hợp với xu thế phát triển của Kinh tế số, Cách mạng Công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ giữa hội nhập kinh tế với hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực về: Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng và các vấn đề về xã hội như lao động, công đoàn… tạo mối quan hệ gắn kết hài hòa giữa các lĩnh vực hội nhập, trong đó phát huy vai trò trọng tâm của hội nhập trong lĩnh vực kinh tế để phát huy sức mạnh tổng thể, đóng góp vào quá trình phát triển chung của đất nước.

Còn nữa...

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-4-tao-dung-hinh-mau-hop-tac-thuong-mai-toan-cau-348106.html