Bài 4: Trách nhiệm xã hội của nhà báo và người dùng mạng xã hội

Không chỉ nêu ý kiến một cách dè dặt, nhiều cây bút, những người có tài khoản cá nhân nổi tiếng trên mạng xã hội đang có dấu hiệu đẩy câu chuyện môn Lịch sử thành một 'điểm nóng thông tin'.

Bức tranh hoành tráng Trung ương Cục miền Nam.

Bức tranh hoành tráng Trung ương Cục miền Nam.

Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế của nước ta chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, môi trường văn hóa còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa hội đủ các nhân tố để phát triển nhanh và bền vững.

Đổi mới giáo dục là nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu

Trong khoảng thời gian trước và sau khi nước ta tiến hành đổi mới, thế giới chứng kiến những biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và thứ tư nối tiếp nhau ra đời, kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển.

Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội đặt ra những thách thức có tính toàn cầu.

Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 27.3.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật liên quan. Bộ GD&ĐT đã tổng kết, đánh giá chương trình và sách giáo khoa hiện hành nhằm xác định những ưu điểm cần kế thừa và hạn chế, bất cập phải khắc phục; nghiên cứu bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa trong nước và quốc tế; triển khai nghiên cứu, thử nghiệm một số đổi mới về nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục; tổ chức tập huấn về lý luận và kinh nghiệm trong nước, nước ngoài về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông.

Trước khi ban hành chương trình, Bộ đã tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến từ nhiều cơ quan, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trong cả nước cũng như từ các chuyên gia tư vấn quốc tế và công bố dự thảo chương trình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân. Chương trình đã được các Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông xem xét, đánh giá và thông qua.

Khách tham quan di tích Nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh (Bí thư Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961-1964) tại Khu Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Khách tham quan di tích Nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh (Bí thư Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961-1964) tại Khu Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Lịch sử thành môn học tự chọn-câu chuyện không có gì mới

Tính đến thời điểm này, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam đã ra đời được 9 năm. Về mặt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã cho phép đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Bộ GD&ĐT, cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về giáo dục chịu trách nhiệm triển khai các quyết sách lớn nêu trên.

Theo kế hoạch ban đầu, chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được triển khai ngay trong năm học 2014 - 2015, vì thế, lúc này chương trình giáo dục phổ thông mới được định danh bằng cái tên “Chương trình phổ thông sau 2015”.

Sau đó, vì nhiều yếu tố khác nhau, Bộ GD&ĐT dự định triển khai chương trình vào năm học 2016-2017, cuối cùng chưa thể thực hiện. Tiếp theo, Bộ GD&ĐT quyết định triển khai chương trình và sách giáo khoa mới năm học 2017-2018 và đặt tên là “Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Một lần nữa, chương trình phải lùi thời điểm để chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Mãi đến năm học 2020-2021, chương trình mới được triển khai, mở đầu bằng việc áp dụng sách giáo khoa lớp 1 trên toàn quốc. Như vậy, kể từ lúc có nghị quyết của Trung ương, mất 7 năm, việc đổi mới giáo dục mới diễn ra.

Toàn bộ kế hoạch đổi mới, chương trình tổng thể, các văn bản, nghị quyết quan trọng của Trung ương đã được ban hành đầy đủ, chi tiết từ trước. Nhưng sau hai năm thay sách giáo giáo khoa ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, chỉ còn vài tháng nữa, việc thay sách diễn ra ở lớp 10, báo chí và mạng xã hội lại đồng loạt lên tiếng vào thời điểm này? Để trả lời câu hỏi này, phóng viên xin dẫn ra đây ý kiến của một người làm báo chí chuyên nghiệp. Tại hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2021, ông Lê Quang Minh, một biên tập viên quen thuộc trên màn ảnh VTV1 (hiện giữ chức vụ Tổng Giám đốc Kênh truyền hình Quốc hội) nêu ra một ý kiến vô cùng xác đáng.

Theo ông Minh, các quyết sách quan trọng của Trung ương, Chính phủ, bộ, ngành được ban hành, “treo” một cách công khai trên các trang web, các trang thông tin điện tử để nhận ý kiến đóng góp của xã hội. Nhưng đáng buồn, hầu như không mấy người đọc, kể cả những người làm báo trong hệ thống báo chí của Đảng và Nhà nước. Không đọc nên không biết. Đến khi các chủ trương, nghị quyết được đưa vào cuộc sống, nhiều người nhảy dựng lên như "đỉa phải vôi", cứ như quả bom thông tin bất thần xuất hiện.

Từ đó, họ bắt đầu mạt sát, chửi bới, đả kích, suy diễn, ngụy tạo thông tin… theo nhiều cách và theo chủ đích của mỗi cá nhân. Chưa dừng lại, để câu khách, nhiều tờ báo giật tít khiến người ta giật mình, đại loại: xôn xao chuyện học môn tự chọn, Bộ GD&ĐT nói gì về môn Lịch sử thành môn tự chọn, rồi thì “dư luận băn khoăn, cộng đồng bất bình”…

Chưa kể, trên mạng xã hội, nơi mỗi cá nhân nhìn nhận sự việc một cách đơn giản, tách chi tiết khỏi chính thể, xào nấu thông tin, ngôn từ chợ búa, “phang bạt mạng” không biết đúng sai. Không chỉ nêu ý kiến một cách dè dặt, nhiều cây bút, những người có tài khoản cá nhân nổi tiếng trên mạng xã hội đang có dấu hiệu đẩy câu chuyện môn Lịch sử thành một “điểm nóng thông tin”. Trong khi trên thực tế, câu chuyện này không có gì mới, vì ít nhất, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã ban hành cách nay bốn năm.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-4-trach-nhiem-xa-hoi-cua-nha-bao-va-nguoi-dung-mang-xa-hoi-a144523.html