Bài 6: Phóng viên Đoàn Bổng: ' Vào Bạch Mai, tôi thêm một lần bước ra vùng an toàn của nghề nghiệp'

'Tôi không nghĩ mình 'may mắn' khi đứng ở tâm dịch đưa tin mà thấy may mắn khi không dương tính với dịch bệnh, được ra viện an toàn với những bài viết về cuộc sống bên trong 'điểm nóng'- phóng viên Đoàn Bổng, báo điện tử Vietnamnet chia sẻ cùng Nhà báo & Công luận về những ngày tác nghiệp tại Bạch Mai.

Bài liên quan

Bài 1: Nhóm phóng viên kênh VTC14: Chúng tôi luôn chuẩn bị tâm lý vững vàng, sẵn sàng đối mặt với rủi ro

Bài 2: Phóng viên Chu Đức- Kênh VOV Giao thông: Chạy đua cùng... COVID-19

Bài 3: Những "chiến sỹ áo xanh" trên mặt trận truyền thông phòng chống dịch COVID-19

Bài 4: "Tác chiến" trong đêm

Bài 5: “Những người lính” không mang quân phục

Phóng viên Đoàn Bổng- báo điện tử VietNamnet là một trong số ít "nằm vùng" dài ngày tại Bệnh viện Bạch Mai để tác nghiệp trong những ngày dịch Covid-19.

+ Xin chào Đoàn Bổng, đọc được những dòng trên trang cá nhân của bạn về “13 ngày “sống cùng” Bạch Mai” và bài báo của bạn trên VietNamnet “14 ngày không thể quên được ở “tâm dịch” Bạch Mai”, tôi thấy thực sự xúc động. 13 ngày đó đã trôi qua, bạn đã được trở về nhà, nhưng xin hỏi bạn vì sao dù biết Bạch Mai là “tâm dịch” hết sức nguy hiểm nhưng bạn vẫn quyết định vào?

- Là phóng viên mảng thời sự, những sự kiện nóng đòi hỏi chúng tôi phải có mặt nhanh chóng và kịp thời. Tuy nhiên không phải tất cả các sự kiện chúng tôi đều phải tác nghiệp trực tiếp, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Khi Bạch Mai đang là “điểm nóng” dịch bệnh, tòa soạn khuyến khích phóng viên vào trong đưa tin, tác nghiệp. Vì là khuyến khích nên đa phần tính tự nguyện đặt lên hàng đầu, và tôi là một trong hai người đăng kí vào. Biết là “tâm dịch” nhưng công việc viết báo thôi thúc tôi vào đó, tò mò về cuộc sống bên trong và hơn hết muốn đồng cảm, chia sẻ với bệnh viện vượt qua khó khăn này. Với việc vào Bạch Mai, tôi thêm một lần bước ra vùng an toàn của nghề nghiệp, thêm trải nghiệm và kinh nghiệm. Dù cái giá đánh đổi là rất lớn nhưng tôi tin bản thân có nhiều may mắn.

Phóng viên Đoàn Bổng luôn chuẩn bị đầy đủ bảo hộ cẩn thận khi tác nghiệp tại bệnh viện Bạch Mai

+ Trong 13 ngày sống ở Bạch Mai, bạn đã được chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động, về việc được bác sỹ tặng khẩu trang, chứng kiến một em bé ra đời hay sinh nhật đặc biệt của một bệnh nhân… nhưng bây giờ nhìn lại thì bạn xúc động mạnh nhất với hình ảnh nào?

- Là hình ảnh PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9. Tối 3-4, khi ấy khoảng 9h, ekip khoa cấp cứu cho một bệnh nhân nữ rất nguy kịch, gần như rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Bác sĩ Chi đi lại liên tục ở khoa, từ phòng làm việc đến phòng cấp cứu. Khi được hỏi về bữa tối, bác sỹ bảo: “Anh cứu người trước đã, không có tâm trí ăn uống”. Rồi trong đêm ấy, tình trạng bệnh nhân chuyển biến tốt và có thể nói chuyện sau đó 4 ngày. Hình ảnh này khiến tôi xúc động nhất, vì cũng như phóng viên thời sự, nếu sống mà không đi và viết thì thật sự nhàm chán. Còn với các bác sỹ, việc cứu người là sứ mệnh, hi sinh nhiều vì người bệnh.

+ Hẳn nhiều đồng nghiệp và cả công chúng nữa cũng đang thắc mắc về câu chuyện tác nghiệp của bạn trong “tâm dịch”. Chắc chắn đây là công việc khó hơn rất nhiều ngày thường, phải không Đoàn Bổng?

- Trước khi vào Bạch Mai, tôi dùng vốn kinh nghiệm 5 năm đi viết báo để cố gắng làm tốt nhất có thể, đạt được hiệu quả tối đa. Khác với sự kiện thông thường, ở khu cách li, mọi việc, từ đồ bảo hộ đến tránh tiếp xúc các bề mặt, rửa tay thường xuyên… đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài ra, câu chuyện “viết gì” cũng rất quan trọng, vì đã lấy hết can đảm vào Bạch Mai thì sản phẩm phải tương xứng. 13 ngày, tôi có mặt ở hầu hết các khoa, phòng của bệnh viện. Vào tận khu cách ly C4, Viện Tim mạch – nơi có ca bệnh số 86 từng điều trị. Lần đầu tôi chứng kiến một ca mổ ung thư, chứng kiến cháu bé cất tiếng khóc chào đời, những câu chuyện nghề y, chuyện những người mẹ xa con, những hy sinh thầm lặng khó thổ lộ… Và thay một món quà gửi tặng Bạch Mai, tôi hệ thống 13 ngày trong một đêm trắng gõ bài. Bài viết hoàn thành vào đúng ngày cuối cùng trước khi dỡ lệnh phong tỏa. Vì dồn hết 13 ngày vào một nên tôi khá áp lực, nhưng thật may, mọi thứ đều trôi chảy cho đến ngày chiếc xe lăn bánh qua cánh cổng bệnh viện.

13 ngày, phóng viên Đoàn Bổng có mặt ở hầu hết các khoa, phòng của bệnh viện để phỏng vấn các bác sĩ, bệnh nhân

+ "Tâm dịch” Bạch Mai được dỡ bỏ phong tỏa vào 0h đêm ngày 12-4, đồng nghĩa với việc bạn và hàng nghìn người khác sẽ được trở về nhà. Điều đầu tiên/người đầu tiên bạn nghĩ đến trong thời khắc ấy là gì/là ai?

- Lúc dỡ lệnh, bệnh viện trở về trạng thái tĩnh lặng, vắng vẻ. Khi ấy tôi thấy có chút mệt sau 13 ngày ròng rã viết lách. Điều tôi nghĩ khi ấy như thước phim tua lại những gì đã qua, rồi tự vấn bản thân về những gì làm được và ngược lại. Tôi nghĩ đến gia đình, về đám cưới dự định diễn ra vào đầu tháng 5. Dù mệt nhưng tôi nhẹ nhõm và tin bản thân có 13 ngày sống cùng bệnh viện chân thành và đúng nghĩa.

+ Với người làm báo, mỗi lần tác nghiệp là một sự trải nghiệm. Càng trải nghiệm bao nhiêu thì con người sẽ càng trưởng thành hơn bấy nhiêu. Chắc hẳn từ bây giờ Đoàn Bổng đã có sự tự tin, sự trưởng thành hơn trong nghề?

- Nhiều người vẫn cho rằng, tác nghiệp vùng dịch thì với báo điện tử có thể phỏng vấn từ xa. Quan điểm này không sai nhưng tôi nghĩ cảm nhận sự kiện bằng nhiều giác quan sẽ cho ra bài viết chân thực hơn. Ở Bạch Mai, ngoài 2 Đài Truyền hình VTV và VTC thì duy nhất báo VietNamnet có phóng viên ở lại cùng bệnh viện. Tôi không nghĩ mình “may mắn” khi đứng ở tâm dịch đưa tin mà thấy may mắn khi không dương tính với dịch bệnh, được ra viện an toàn với những bài viết về cuộc sống bên trong điểm nóng. Sau chuyến đi này, tôi thấy bản thân thêm tự tin với hành trình viết báo mình đang theo đuổi. Thấy yêu nghề hơn khi bài viết ra nhận được sự chia sẻ của bệnh viện, của bạn đọc và chính những đồng nghiệp của mình.

+ Xin cám ơn bạn! Ngô Khiêm (thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-6-phong-vien-doan-bong-vao-bach-mai-toi-them-mot-lan-buoc-ra-vung-an-toan-cua-nghe-nghiep-post76758.html