Bài cuối: 'Cuộc chiến' chưa có hồi kết, ai là người giữ 'lá chắn' cuối cùng?

' Giả' mà như 'thật', lách luật tinh vi, mạng xã hội và người nổi tiếng tiếp tay... khiến hàng giả ngày càng biến hóa khôn lường. Trong cuộc chiến chống hàng giả, lực lượng chức năng như những người 'đứng mũi chịu sào', liên tục mở chuyên án, đột kích kho hàng, triệt phá đường dây. Nhưng khi chế tài vẫn còn nhẹ, lợi nhuận bất chính lại quá lớn, thì cuộc chiến chống hàng giả còn nhiều cam go.

Một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả bị lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: Công an Thanh Hóa)

Một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả bị lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: Công an Thanh Hóa)

Cuộc chiến “không có vùng cấm, không có ngoại lệ"

Thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg và Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã chủ động vào cuộc với quyết tâm cao.

Trên tinh thần đó, Kế hoạch số 01/KH-TTTN ngày 17/5/2025 của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng được triển khai, nhấn mạnh quan điểm “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tính đến hết tháng 6/2025, Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã kiểm tra 345 vụ, xử lý 299 vụ vi phạm, trong đó có 10 vụ chuyển cơ quan Công an. Tổng số tiền xử phạt hành chính vượt 2,5 tỷ đồng.

Điển hình mới đây đã phát hiện và tạm giữ gần 500 sản phẩm giày dép, túi xách, thắt lưng có dấu hiệu giả mạo 10 thương hiệu nổi tiếng tại hộ kinh doanh Tùng Moscow (phường Hạc Thành). Mở rộng điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng liên quan về hành vi buôn lậu.

Cùng với QLTT, tính đến tháng 6/2025, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã kiểm tra và xử lý 829 vụ vi phạm. Trong đó, 170 vụ có dấu hiệu hình sự được chuyển điều tra, tổng số tiền thu nộp ngân sách vượt 93 tỷ đồng.

Riêng trong đợt cao điểm theo Công điện 65/CĐ-TTg, lực lượng Công an phát hiện 75 vụ, khởi tố hình sự 3 vụ, xử lý hành chính 72 vụ còn lại với số tiền xử phạt và truy thu thuế hơn 6,9 tỷ đồng.

Số lượng thuốc giả bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Số lượng thuốc giả bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Không chỉ kiểm tra buôn bán bề nổi, ngành Y tế cũng “mở chiến tuyến” trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng, nơi có mức độ nguy hiểm cao nhất nếu hàng giả len lỏi.

Năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa đã kiểm nghiệm 1.000 mẫu thuốc hóa dược, thuốc từ dược liệu, phát hiện nhiều mẫu không đạt chất lượng, 8 mẫu là thuốc giả (5 mẫu do trung tâm phát hiện, 3 mẫu do Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa gửi đến) và 2 mẫu thuốc chưa được phép lưu hành.

Qua kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, Sở Y tế Thanh Hóa phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược mua bán thuốc giả, thuốc không có giấy phép nhập khẩu, thuốc không có giấy đăng ký lưu hành; đã xử phạt 7 cơ sở kinh doanh có hành vi mua bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với nhiều cá nhân.

Đặc biệt, lực lượng liên ngành còn phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá một đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn hoạt động tại Hà Nội, Cần Thơ, Bến Tre... thu giữ hàng ngàn hộp thuốc phổ biến như Cefuroxim, Cefixim, Panactol, Augxicin... và nhiều thiết bị phục vụ việc sản xuất thuốc giả.

Chặn hàng giả từ gốc, trách nhiệm toàn xã hội

Thực tế cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất và tiêu thụ hàng giả ngày càng tinh vi, có tổ chức và hoạt động liên tỉnh. Có chuyên án phải huy động nhiều mũi trinh sát cùng lúc, phối hợp khám xét đồng loạt tại nhiều địa phương. Các sản phẩm giả thường được gắn mác “hàng nội địa Nhật”, “xách tay Hàn”, hoặc đặt tên gần giống hàng thật để qua mắt người tiêu dùng.

“Có trường hợp khi kiểm tra, người bán trình đủ tem, mã QR, nhãn phụ... nhưng sau giám định mới phát hiện là giả. Họ đầu tư mua tem chống hàng giả, thuê người nổi tiếng livestream, tổ chức đội ngũ bán hàng như một doanh nghiệp thật”, một cán bộ Chi cục QLTT Thanh Hóa cho biết.

Đội QLTT số 12 tăng cường công tác kiểm tra mặt hàng dầu ăn.

Đội QLTT số 12 tăng cường công tác kiểm tra mặt hàng dầu ăn.

Bên cạnh kiểm tra, xử phạt, lực lượng công an và QLTT đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả. Nhưng thực tế cho thấy, mọi nỗ lực sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề nếu không có sự đồng hành của chính người tiêu dùng. Mỗi người dân cần trở thành một “lá chắn” thông minh, tự bảo vệ chính mình trước hàng giả, hàng kém chất lượng.

Quét mã truy xuất, giữ hóa đơn, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm... là những hành động dù nhỏ nhưng có thể góp phần chặn đứng chuỗi cung ứng hàng giả từ gốc.

Ông Lê Văn Cường, Đội phó Đội QLTT số 9 cơ động nhấn mạnh: “Việc bán hàng giả trên không gian mạng, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, đang được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm và xử lý nghiêm. Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, và lựa chọn các nhà cung cấp uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái”.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Công an tỉnh Thanh Hóa nhận định, trong thời gian tới, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người dân và trật tự xã hội. Để ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng này, Công an tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Lực lượng Công an sẽ chủ động nắm tình hình từ sớm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, giúp người dân, doanh nghiệp nhận diện hàng giả, tích cực tham gia tố giác tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, đại diện Sở Y tế Thanh Hóa cho rằng, cần siết chặt việc cấp giấy phép kinh doanh; tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp, xử lý và công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm; tuyên truyền pháp luật về quảng cáo, kiểm tra xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo vi phạm... đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng.

Phía các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ thương hiệu của mình bằng cách tăng khả năng truy xuất nguồn gốc, ứng dụng tem thông minh, phối hợp cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng.

Ông Khương Văn Trường, Giám đốc điều hành Nhà thuốc Long Hiền cho biết: Hiện tại Nhà thuốc đang có 9 cơ sở kinh doanh trên địa bàn các phường Hạc Thành, Hàm Rồng. Để tránh trường hợp nhập phải những sản phẩm không đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, với kinh nghiệm 30 năm hoạt động kinh doanh trên thị trường, đơn vị luôn ưu tiên những đơn vị cung cấp lớn có uy tín, đảm bảo các quy định của pháp luật. Đồng thời, đơn vị cũng liên tục cập nhập thông tin từ cơ quan chức năng QLTT, Sở Y tế...

Lực lượng chức năng kiểm tra tại các cửa hàng thuốc tân dược trên địa bàn phường Hạc Thành.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại các cửa hàng thuốc tân dược trên địa bàn phường Hạc Thành.

Với người tiêu dùng phải thay đổi tư duy mua sắm, không tiếp tay vô tình cho hàng giả chỉ vì “tiện - rẻ - đẹp”. Sẵn sàng tố giác khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cuộc chiến còn dài, nhưng nếu mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cùng hành động thì những người thực thi pháp luật sẽ không còn đơn độc.

Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hang-gia-bua-vay-ai-bao-ve-nguoi-tieu-dung-bai-cuoi-cuoc-chien-chua-co-hoi-ket-ai-la-nguoi-giu-la-chan-cuoi-cung-254794.htm