Bài cuối: Đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển đổi số

Cùng với tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực, Nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nghị quyết Về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đến năm 2025 và những năm tiếp theo được HĐND tỉnh Ninh Thuận Khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 13 (Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023).

Mạnh về biển, giàu lên từ biển theo hướng bền vững

Theo đó, để thực hiện giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, Nghị quyết HĐND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025 diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt trên 1.000ha; công nhận 3 - 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung triển khai chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước…

Mô hình trồng nho trong nhà màng có mái che mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ảnh: LT

Mô hình trồng nho trong nhà màng có mái che mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ảnh: LT

Cơ cấu lại công nghiệp theo hướng phát triển mạnh công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cảng biển và logistics. Tập trung triển khai có hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn tất các thủ tục để khởi công dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 - 1.500MW; thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng đã có trong Quy hoạch điện VIII như điện mặt trời tự tiêu, điện gió ngoài khơi, phát triển nguồn năng lượng mới - Hydrogen xanh. Từng bước hình thành Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Đến năm 2025, ngành công nghiệp chiếm 29 - 30% GRDP của tỉnh, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 16 - 17%/năm, chiếm chiếm 7 - 8% GRDP của tỉnh.

Cơ cấu lại khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao như: kinh tế đô thị, du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bất động sản, vận tải, logistics, thương mại điện tử. Hoàn thành trình phê duyệt các Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ; Quy hoạch phân khu Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc thù và có khả năng cạnh tranh cao. Phấn đấu đến năm 2025, thu hút 3,5 triệu lượt khách du lịch.

Phát triển mạnh kinh tế biển thật sự trở thành động lực, xây dựng Ninh Thuận là một trong những địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển theo hướng bền vững. Đến năm 2025, kinh tế biển chiếm 41 - 42% GRDP.

Nghị quyết của HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh việc phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong vùng xây dựng thể chế liên kết vùng để điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng, liên vùng. Triển khai thực hiện hiệu quả các thể chế liên kết vùng và kết nối phát triển vùng. Phối hợp xây dựng các chương trình hợp tác song phương và đa phương; đề xuất xây dựng chương trình phối hợp hành động chung giữa các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, đặc biệt là tiểu vùng Nam Trung bộ...

Từng bước xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số

Đối với giải pháp và nhiệm vụ phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, Nghị quyết của HĐND tỉnh yêu cầu: tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện từng bước hình thành một số doanh nghiệp của tỉnh có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như: năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến...

Nghị quyết của HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh việc tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực; từng bước xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; cải thiện mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, ICT, SIPAS... Phấn đấu đến năm 2025: chỉ số PCI nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố xếp hạng cao cả nước; chỉ số PAR INDEX đạt từ 80 điểm trở lên, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố; chỉ số PAPI thuộc nhóm khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố; chỉ số SIPAS đạt từ 90% trở lên, nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố; chỉ số ICT nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố.

BẢO AN - TRẦN THU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-cuoi%C2%A0doi-moi-mo-hinh-tang-truong-theo-chieu-sau-chuyen-doi-so-i340019/