Bài cuối: Nhiều điểm mới của Nghị quyết 96

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Để chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Sáu khai mạc hôm nay, 23.10, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị từ đầu năm. Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23.6.2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo quy định tại Điều 9 của Nghị quyết 96/2023/QH15, “Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ”.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

Cụ thể hóa thành 7 nhóm căn cứ cụ thể, chi tiết

Về mục đích, yêu cầu, ngoài 3 điểm như Nghị quyết 85 là: nâng cao hiệu lực giám sát của Quốc hội, HĐND; giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; thì Nghị quyết 96 có 2 điểm mới. Đó là: nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và gắn với mục đích thứ hai có vấn đề góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao (của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm).

Nghị quyết 96/2023/QH15 tiếp tục nhấn đậm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiêm, bỏ phiếu tín nhiệm, trong đó, nguyên tắc dân chủ được đưa lên hàng đầu.

Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, nếu như Nghị quyết 85 chỉ quy định tổng quát 2 căn cứ đánh giá, là kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, thì Nghị quyết 96, tại Điều 6, hai căn cứ tổng quát này được quy định thành 7 nhóm căn cứ cụ thể, chi tiết và đưa căn cứ phẩm chất chính trị... lên trên với ý nghĩa “tài và đức” thì “đức là gốc” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

1- Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, được cụ thể hóa thành 3 nhóm căn cứ:

a. Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, công tâm, khách quan, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

b. Việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định của cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm;

c. Việc thực hiện những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2- Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được cụ thể hóa thành 4 nhóm căn cứ:

a. Kết quả công tác lãnh đạo tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

b. Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ, thu hút trọng dụng nhân tài; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát;

c. Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.

d. Kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, về chất vấn và các nghị quyết, kết luận khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND; kết luận, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH; Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ảnh của cử tri và Nhân dân trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; kết quả thực hiện các cam kết và các vấn đề đã hứa (nếu có).

Việc Nghị quyết quy định chi tiết các căn cứ đánh giá (cả định tính và định lượng) như là các tiêu chí cụ thể nhằm yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, báo cáo toàn diện đầy đủ, cụ thể các hoạt động của mình để người đánh giá có đầy đủ thông tin cho việc đánh giá, khắc phục tình trạng báo cáo chung chung (phẩm chất, tư cách tốt; luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao).

Trong nhóm các căn cứ Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật có những điểm được Nghị quyết nhấn đậm với yêu cầu cao, đó là, khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ. Trong điều kiện hiện nay căn cứ này có tầm quan trọng đặc biệt. Người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, có quy tụ được đội ngũ, có đoàn kết được anh chị em trong cơ quan, đơn vị thì mới tập hợp được lực lượng, mới phân công công việc thanh thoát, mới đề cao được trách nhiệm đến từng cá nhân trong tập thể. Thực ra, đã là nhà lành đạo, quản lý là phải có đầy đủ tố chất này, và chính đây là tiền đề để xử lý được những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm theo yêu cầu của Nghị quyết 96. Người đánh giá phải thật sự trách nhiệm, cân nhắc thận trọng, nhìn nhận thật chính xác từng căn cứ để quyết định mức phiếu đúng đắn, hợp lý đối với mỗi chức danh.

Một số căn cứ cụ thể khác trong nhóm căn cứ này vừa là quy định mới, vừa rất quan trọng, đó là: trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước (điểm c, khoản 1 Điều 6 của Nghị quyết). Đạt được yêu cầu này cũng đồng nghĩa Thủ trưởng đã thực thi đúng Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 của Đảng cũng như Nghị quyết 96 của Quốc hội và thấm nhuần sâu sắc lời răn dạy của các bậc tiền nhân, “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, xứng đáng là hạt nhân quy tụ lòng người.

3 căn cứ đánh giá cụ thể mang tính “đột phá”

Còn trong căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có 3 căn cứ đánh giá cụ thể mang tính “đột phá”. Một là, các chức danh lãnh đạo phải phấn đấu để có đầy đủ các đức tính (tính cách) của người lãnh đạo, quản lý, đó là năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ được giao. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng “trung bình chủ nghĩa”, khi đã là lãnh đạo rồi thì yên vị. Không ít trường hợp thực thi công việc theo lối mòn cũ xưa, miễn xong, qua đi là được. Nghị quyết 96 bắt buộc các chức danh trong thực thi công vụ phải luôn trong tư thế tiến công vào công việc với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động và sáng tạo.

Hai là, Nghị quyết không chỉ quy định định tính mà có cả quy định định lượng; không chỉ yêu cầu đánh giá việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn ở cơ quan do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý mà còn cả ở các cơ quan, đơn vị cấp dưới. Nghị quyết chỉ rõ, số lượng, chất lượng sản phẩm và hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Các căn cứ này yêu cầu các chức danh lãnh đạo, quản lý phải thống kê cụ thể những công việc mình đã làm, đã chỉ đạo thực hiện; xác định rõ chất lượng, hiệu quả của mỗi công việc chứ không thể nói chung chung "hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao". Trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cấp dưới thực thi nhiệm vụ; mức độ hoàn thành của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị (nói rõ số lượng công việc và chất lượng mỗi công việc đã làm được của các đơn vị trực thuộc).

Ba là, Nghị quyết 96 nhấn mạnh công tác tổ chức bộ máy và kiểm tra, giám sát. Trên thực tế có những cơ quan, đơn vị bộ máy đã hợp lý, ổn định, nhưng Thủ trưởng lại tiếp tục “tăng cường” thêm số lượng cán bộ, công chức cho “bề thế” hơn và coi đó là “thành tích xuất sắc” của mình, trong khi cả nước đang thực hiện tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nhất là các cơ quan hành chính, sự nghiệp công.

Nghị quyết 96 đặt mạnh vấn đề kiểm tra, giám sát là vì, đây là một trong những công đoạn quan trọng của quá trình lãnh đạo, quản lý (lãnh đạo, quản lý mà không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo, không có quản lý). Đây cũng là thực thi nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”...

Về chế tài của Nghị quyết 96, có 2 mức xử lý đối với người được lấy phiếu tín nhiệm nếu số phiếu “tín nhiệm thấp” quá lớn, được quy định tại Điều 12 của Nghị quyết. Cụ thể là: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội... tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất (khoản 2). Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội... bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội... tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất (khoản 3).

Với các quy định cụ thể, chi tiết với yêu cầu cao của Nghị quyết 96/2023/QH15 của Quốc hội, chắc chắn các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ phải báo cáo đầy đủ, sâu sắc, cụ thể, nghiêm túc các nội dung phục vụ yêu cầu đánh giá. Các đại biểu - người nhận xét, đánh giá, chắc chắn sẽ phải nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, đầy đủ các căn cứ đánh giá; sẽ đề cao tính trung thực, thẳng thắn, công tâm và thực sự khách quan khi đặt bút đánh giá. Và như thế, tin tưởng rằng việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội Khóa XV sẽ đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-cuoi-nhieu-diem-moi-cua-nghi-quyet-96-i347314/