Bàn cách tháo gỡ vướng mắc trong các vụ án liên quan vay nợ ngân hàng
Ngày 18/7, tại Nha Trang (Khánh Hòa), Hiệp hội Ngân hàng (HHNH) phối hợp TAND tối cao và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan tổ chức tín dụng (TCTD) tại TAND'.
Các vụ tranh chấp liên quan ngân hàng ngày càng nhiều
Tại Hội thảo, đại diện HHNH đánh giá công tác xử lý nợ xấu những năm qua đạt kết quả thực chất, góp phần lành mạnh hóa hoạt động TCTD. Nhờ đó, hệ thống ngân hàng ổn định hơn, giảm áp lực rủi ro.
Từ khoảng năm 2020 đến nay, quy mô hoạt động TCTD tăng mạnh, kéo theo các vụ tranh chấp ngày càng nhiều. HHNH cho biết các TCTD phản ánh nhiều vướng mắc trong quá trình TAND giải quyết vụ án.
Cụ thể là vấn đề thời gian giải quyết vụ án, quá trình thụ lý đơn khởi kiện còn chậm trễ tại một số ngân hàng. TCTD phản ánh số vụ án đổ dồn về TAND nơi có trụ sở của TCTD, nơi có Chi nhánh của TCTD. Một số vụ án liên quan tranh chấp tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) đang được thế chấp tại TCTD, nhưng TCTD không nhận được thông báo của TAND về tham gia tố tụng trong vụ án.
Về xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản bảo đảm, TCTD phản ánh về việc một số đương sự không hợp tác; mà chống đối, gây rối, đóng cửa, bỏ đi, vắng mặt. Chưa có quy định chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Các tranh chấp có nhiều tài sản thế chấp là QSDĐ với diện tích rộng, ranh giới không rõ ràng việc thẩm định tại chỗ, đo đạc thực tế và xác định vị trí tranh chấp khó khăn.
Các TCTD còn phản ánh gặp vướng mắc về quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình; tranh chấp về tài sản bảo đảm của hộ gia đình SDĐ.
Về việc hoàn trả, xử lý vật chứng trong vụ án hình sự, một số tài sản đã được giao dịch hợp pháp với TCTD (bên thứ ba ngay tình) nhưng vẫn bị tuyên vô hiệu, hủy bỏ. Việc tài sản bảo đảm bị "đóng băng" nhiều năm trong một số vụ án khiến TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ.
"Trong các vướng mắc trên, có nguyên nhân xuất phát từ TCTD, có nguyên nhân do quan điểm về áp dụng quy định pháp luật, về cách đánh giá chứng cứ của người tiến hành tố tụng. Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất về các tình huống nêu trên để TAND các cấp áp dụng giải quyết các tình huống thực tiễn phát sinh", đại diện HHNH kiến nghị.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa ngành Ngân hàng, Tòa án
Liên quan lĩnh vực, tại Hội thảo, bà Vũ Ngọc Lan, Vụ phó Vụ Pháp chế, NHNN chỉ ra ba nhóm vấn đề pháp lý nổi bật.
Thứ nhất, về lãi suất cho vay khi xử lý tài sản cầm cố, một số bản án bác yêu cầu TCTD tính lãi trên dư nợ chưa tất toán, dù thỏa thuận hợp đồng và chứng từ hợp lệ. Thứ hai, về lãi suất thỏa thuận, theo NHNN, lãi suất giữa TCTD và khách dựa trên cung - cầu vốn thị trường, do đó khách hàng phải trả gốc, lãi và lãi chậm trả nếu vi phạm. Khi xét xử, tòa án cần áp dụng Luật Các TCTD và các văn bản liên quan, thay vì sử dụng giới hạn lãi suất trong Bộ luật Dân sự. Thứ ba, về việc tòa án không tính lãi sau ngày khởi tố vụ án, NHNN cho rằng cần xác định thiệt hại của TCTD đến thời điểm xét xử sơ thẩm, vì TCTD vẫn phải trả chi phí vốn và chưa thu hồi nợ.

Bà Vũ Ngọc Lan, Vụ phó Vụ Pháp chế, NHNN phát biểu tại Hội thảo.(Ảnh trong bài: H.Thắng)
Với quy định "người thứ ba ngay tình", NHNN cho rằng một số TCTD mất quyền bảo đảm do giao dịch thế chấp bị vô hiệu vì sổ đỏ bị hủy hoặc giả mạo; dù các TCTD thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định và không có lỗi, nhưng vẫn gặp rủi ro pháp lý lớn. Các TCTD đề nghị TAND tối cao hướng dẫn bổ sung, bảo đảm quyền xử lý tài sản nếu giao dịch hợp pháp.
Một số TCTD cũng phản ánh một số bản án buộc TCTD hoàn trả khoản tiền bảo lãnh đã chi trả cho bên thụ hưởng, mặc dù thư bảo lãnh vô điều kiện đã đáp ứng quy định. Trong khi đó, theo Luật Các TCTD và Thông tư do NHNN ban hành, TCTD có nghĩa vụ chi trả khi chứng từ hợp lệ, không cần yêu cầu thêm điều kiện.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TAND tối cao nhận định, tranh chấp tín dụng phức tạp, không chỉ về nợ mà còn liên quan tài sản chung, thừa kế và nhiều quan hệ pháp luật khác. Hơn nữa, vấn đề thường nằm ở tài sản bảo đảm, đòi hỏi xử lý chính xác. Ông Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký kết hợp đồng tín dụng giữa người vay, bên bảo đảm và TCTD cần minh bạch, tuân thủ chặt chẽ pháp luật.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa ngành Ngân hàng, TAND và các cơ quan liên quan, nhằm tháo gỡ khó khăn; bảo vệ sự minh bạch, ổn định của hệ thống tài chính.
Tại Hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế NHNN kiến nghị TAND tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng pháp luật rõ ràng, đẩy mạnh tập huấn thẩm phán, đồng thời tạo cơ chế trao đổi liên ngành với VKSND, cơ quan Thi hành án và HHNH để rút ngắn thời gian xét xử, thi hành với các vụ án liên quan.
Các đề xuất cụ thể gồm: Cho phép TCTD kê biên, phát mại tài sản bảo đảm khi bản án có hiệu lực; ban hành quy định xử lý khi đương sự không hợp tác; áp dụng thủ tục rút gọn với tranh chấp đáp ứng tiêu chí; xây dựng cơ sở dữ liệu tài sản tranh chấp; hướng dẫn thống nhất về xử lý vật chứng trong án hình sự, để tài sản hợp pháp sớm được trả cho TCTD.
Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng thuộc HHNH kiến nghị TAND tối cao cần xem xét hướng dẫn rõ việc TCTD được quyền kê biên, phát mại tài sản bảo đảm ngay sau khi bản án có hiệu lực. Đồng thời, phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về tình trạng tài sản tranh chấp, bảo đảm minh bạch và thuận lợi trong quá trình thi hành án.
TAND tối cao cũng cần xem xét có nghị quyết hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn cho các tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, quyền xử lý tài sản bảo đảm, hoặc hợp đồng tín dụng không có tài sản bảo đảm khi đáp ứng tiêu chí cụ thể. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn để Tòa án khu vực có thể chuyển vụ án sang khu vực khác nhằm nhập hoặc tách vụ án, phân định rõ thẩm quyền giải quyết...