Bản lề cánh cửa của Bình Phước

Ngày 17-6-2024, tại kỳ họp thứ 7, khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Các đại biểu Quốc hội đều đã ủng hộ cao sự cần thiết phải triển khai dự án để thúc đẩy liên kết vùng khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Trong bối cảnh nhiều dự án đường bộ cao tốc đang gặp khó khăn trong triển khai, sự đồng tình ủng hộ ấy của Quốc hội có ý nghĩa rất lớn. Điều đó cũng cho thấy tầm quan trọng của dự án giao thông huyết mạch này.

Bình Phước là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế năng động và phát triển nhất cả nước. Thế nhưng từ ngày tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, mặc dù đã được quan tâm đầu tư rất lớn và có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng giao thông vẫn là một trong những bất lợi rất lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với nhà đầu tư, giao thông luôn là một hệ số quan trọng bậc nhất trong bài toán phát triển doanh nghiệp, khi nó là một hệ số chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí hoạt động và thu hút nhân lực. Trong khi đó, giao thông từ Bình Phước đến các trung tâm kinh tế lớn của Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng như xuất khẩu, hiện chỉ có 3 tuyến liên kết chính qua quốc lộ 13, quốc lộ 14 và ĐT741. Đến nay, sau hơn 27 năm tái lập tỉnh, 3 tuyến đường này vẫn chỉ là các tuyến đường cấp 4, cấp 3, bảo đảm phục vụ nhu cầu dân sinh, nhưng phục vụ phát triển công nghiệp với nhiều khu công nghiệp cả trong tỉnh và các tỉnh lân cận, phục vụ phát triển du lịch… thì khó đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Không chỉ về cấp độ, các tuyến giao thông chính của Bình Phước có nhiều trạm thu phí với chặng đường ngắn, cũng là một bất lợi rất lớn...

Ngày 20-3-2022, làm việc tại Bình Phước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Bình Phước phát triển chưa xứng với tiềm năng sẵn có của mình. Đây không phải là tỉnh nào cũng nói như thế, mà thực tế Bình Phước đang như vậy và điểm nghẽn lớn nhất của Bình Phước là kết nối giao thông”.

Và điểm nghẽn giao thông của Bình Phước đã và đang được tháo gỡ. Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) quy mô dự kiến 6 làn xe, dài 128,8km, đoạn qua Đắk Nông 27,8km, đoạn qua Bình Phước 101km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.500 tỷ đồng, gồm khoảng 12.800 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, còn lại là vốn của nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (loại BOT), thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm. Cử tri Bình Phước đang mong tin vui từ Quốc hội, nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này sẽ được thông qua.

Đường bộ, đường thủy, đường sắt hay đường hàng không và ở thời kỳ nào, quốc gia nào, hạ tầng giao thông cũng luôn là cánh cửa đầu tiên mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Với Bình Phước, cánh cửa đó từ trước tới nay mới chỉ được hé mở. Bây giờ, với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và cả cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng sắp trở thành hiện thực, bản lề cánh cửa phát triển của Bình Phước đang chờ đợi sẽ rộng mở.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/158986/ban-le-canh-cua-cua-binh-phuoc