'Bàn tay vàng' khai thông dòng nhựa trắng

QDND - Binh đoàn 15 hiện có hơn 10.000 thợ, đảm nhiệm việc khai thác mủ trên diện tích 21.988ha cao su kinh doanh. Đây là lực lượng quyết định đến năng suất vườn cây và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của binh đoàn.

Vì vậy, trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 đã tổ chức hiệu quả Phong trào “Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi”, đào tạo ra các thế hệ thợ khai thác mủ cao su yêu nghề và tinh thông kỹ thuật.

Đa dạng hình thức, phương pháp đào tạo thợ

Khảo sát lớp đào tạo thợ khai thác mủ cao su khóa 37 của Công ty 78 (Binh đoàn 15) mới đây với 38 người, chúng tôi mới hay phần lớn những thợ tương lai là người dân tộc thiểu số ở phía Bắc vào và cũng lần đầu tiếp xúc với cây cao su; một số người còn chưa biết chữ, nói tiếng Việt không thạo. Đào tạo thế nào để họ trở thành thợ khai thác mủ cao su khá và giỏi, yên tâm giao khoán vườn cao su cho họ là điều chúng tôi băn khoăn.

 Công nhân Công ty 715 (Binh đoàn 15) tham gia Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2020.

Công nhân Công ty 715 (Binh đoàn 15) tham gia Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2020.

Thế nhưng, Đại úy Nguyễn Quang Tiến, Trưởng phòng Kỹ thuật-Công nghệ, Công ty 78, tự tin khẳng định: “Tuy khó khăn nhưng chúng tôi đào tạo bằng phương pháp trực quan, cầm tay chỉ việc, giáo viên làm động tác chuẩn để người học làm theo. Trong đó, chú trọng thực hành vào ban đêm, giúp thợ quen với điều kiện lao động thực tế; phân công những người tiếp thu nhanh kèm cặp người tiếp thu chậm hơn...”. Anh Tiến cũng chỉ định chị Y Búa làm động tác thực hành để mọi người quan sát và giải thích: “Chị Y Búa, người dân tộc Khơ Mú, không biết chữ, từ chỗ rụt rè, không dám làm động tác thực hành, giờ đường cạo đã đúng độ dốc, có lòng máng vuông tiền, vuông hậu, đúng độ sâu quy định”.

Ngoài những lớp đào tạo tập trung, Binh đoàn 15 thường xuyên tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Ngay từ đầu mùa, khi quy hoạch, chia phần khai thác, các đơn vị đã chủ động bố trí thợ giỏi kèm thợ yếu, thợ cũ kèm thợ mới, góp phần nâng cao chất lượng, tạo được sự đồng đều về tay nghề trong đội ngũ thợ khai thác.

Phát động Phong trào “Thức đêm cùng người lao động”, đội ngũ cán bộ các cấp luân phiên thức đêm để kiểm tra, hướng dẫn và động viên người lao động khi thực hành khai thác mủ cao su. Chị Nguyễn Thị Tươi, công nhân Đội 2 (Công ty 75), cho biết: “Chúng tôi luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của lãnh đạo các cấp từ khi chập chững bước vào nghề. Hằng đêm, chúng tôi lên lô khai thác mủ có cán bộ lãnh đạo thức cùng, thấy rất yên lòng, bao khó nhọc, vất vả tan biến, năng suất lao động luôn đạt và vượt chỉ tiêu”.

Bằng những hình thức, phương pháp đào tạo hiệu quả, trong hai năm (2019 và 2020), Binh đoàn 15 đã đào tạo mới 1.564 lượt thợ và đào tạo lại 2.588 lượt thợ. Hiện binh đoàn có hơn 10.000 thợ khai thác mủ cao su, tỷ lệ khá, giỏi đạt trên 90%.

Sôi nổi hội thi thợ giỏi

Anh Phan Văn Thìn, công nhân Đội 6 (Công ty 732) vượt qua gần 700 thợ đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” trong Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2020 của công ty và đang luyện tập, chuẩn bị tham gia thi cấp binh đoàn. Hội thi được tiến hành trên 4 nội dung: Lý thuyết, dụng cụ khai thác mủ cao su, kết quả chăm sóc vườn cây và thực hành khai thác mủ cao su. Trong thời gian 20 phút, mỗi thợ phải tiến hành khai thác 100 cây cao su theo đúng quy trình kỹ thuật và đạt năng suất, chất lượng cao nhất. “Tham gia hội thi ở các cấp, tôi và đội ngũ thợ khai thác mủ cao su không chỉ cố gắng đua tài trong một thời gian ngắn mà cả quá trình lao động, sản xuất tại đơn vị. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua lao động sáng tạo, quản lý chặt chẽ quy trình chăm sóc, khai thác mủ trên từng vườn cây, từng phần cạo với phương châm: Mỗi ngày cạo là một ngày luyện tay nghề”, anh Thìn chia sẻ.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su được tổ chức từ cấp đội đến binh đoàn, thu hút hàng nghìn thợ tham gia tạo thành Phong trào “Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi” rộng khắp, sôi nổi và ngày càng đi vào chiều sâu. Đặc biệt, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do giá bán các sản phẩm mủ cao su xuống thấp, đội ngũ thợ khai thác mủ cao su luôn biến động, khí hậu thời tiết diễn biến bất thường và những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Phong trào “Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đó không chỉ giáo dục người lao động có nhận thức tốt, tình yêu lao động, sự đồng lòng, chia sẻ khó khăn với binh đoàn mà còn là giải pháp nâng cao tay nghề của người thợ trước những đòi hỏi ngày càng cao của quy trình kỹ thuật và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào khai thác mủ nhằm tạo ra năng suất cao, tăng thu nhập, bảo đảm các hoạt động tái sản xuất và đời sống của công nhân, người lao động binh đoàn.

Đại tá Hoàng Sỹ Chung, Phó tư lệnh Binh đoàn 15 khẳng định: “Thành công của Phong trào “Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi” là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức đảng và người chỉ huy. Nội dung thi toàn diện, sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra và nguyện vọng của công nhân, người lao động. Hình thức, phương pháp tổ chức chặt chẽ, khoa học, tạo được động lực và tinh thần lao động, thi đua hết mình cho đội ngũ thợ khai thác mủ cao su”.

Bài và ảnh: ANH SƠN - THANH QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ban-tay-vang-khai-thong-dong-nhua-trang-644123