Bán thuốc giả cho dân, công ty dược bị khởi tố
Sau quá trình điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chính thức khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can liên quan đến hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh tại Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế An Phát. Vụ việc không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng trong quản lý dược phẩm, mà còn là lời nhắc nhở cấp thiết về sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ngày 19.7, tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã chính thức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với cá nhân liên quan đến hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh tại Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế An Phát, một doanh nghiệp có trụ sở tại phường Hạc Thành.
Động thái này diễn ra sau hơn một tháng điều tra, xác minh từ thông tin ban đầu do lực lượng quản lý thị trường phát hiện.

Cơ quan chức năng Thanh Hóa kiểm tra, thu giữ số lượng lớn thuốc tân dược và thực phẩm chức năng nghi là hàng giả tại kho của Công ty Dược phẩm Quốc tế An Phát. Ảnh: Cơ quan Chức năng
Trước đó, ngày 19.6, Đội Quản lý thị trường số 9 (Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa) đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tiến hành khám xét kho thuốc tân dược tại địa chỉ 138 Nguyễn Duy Hiệu, một cơ sở thuộc Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế An Phát.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 7 nhóm sản phẩm bao gồm thuốc tân dược, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng: hàng hết hạn sử dụng, chưa được đăng ký lưu hành, và đặc biệt là có dấu hiệu làm giả.
Ngay sau đó, toàn bộ hồ sơ vụ việc cùng tang vật vi phạm đã được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra theo quy định của pháp luật.
Với những chứng cứ được thu thập, cơ quan điều tra xác định vụ việc có đủ yếu tố cấu thành tội phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, một hành vi đặc biệt nghiêm trọng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Không dừng lại ở đó, hồ sơ về doanh nghiệp này cũng đã từng “gặp vấn đề” từ trước. Cụ thể, ngày 20.5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế An Phát (có trụ sở chính tại số 11/198 đường Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) với số tiền lên đến 100 triệu đồng.
Công ty do ông Nguyễn Kiên Cường làm Giám đốc bị phát hiện mua bán buôn thuốc khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Ngoài khoản phạt tiền, công ty còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dược trong thời gian 7,5 tháng, kể từ ngày 20.5.2025.
Sự việc xảy ra tại An Phát cho thấy tính chất nghiêm trọng và phức tạp trong các vi phạm liên quan đến lĩnh vực dược phẩm. Thuốc chữa bệnh vốn là mặt hàng đặc biệt, liên quan mật thiết đến sức khỏe và tính mạng con người, do đó việc làm giả, kinh doanh không phép hay đưa sản phẩm không đủ tiêu chuẩn ra thị trường là hành vi không thể dung thứ, cần xử lý nghiêm minh để răn đe.
Với quyết tâm không để hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi, đe dọa cộng đồng, Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh góp phần phát triển bền vững địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Theo đó, lực lượng công an các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh cũng như Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Công an Thanh Hóa chủ trương chủ động nắm bắt tình hình “từ sớm, từ xa”, không để các đối tượng có cơ hội hình thành đường dây, ổ nhóm hay “núp bóng” doanh nghiệp hợp pháp để vi phạm.
Cùng với công an, lực lượng quản lý thị trường, hải quan, y tế, cơ quan chuyên môn… sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, nơi có khả năng bị lợi dụng vì mục đích trục lợi bất chính.
Các cơ chế phối hợp liên ngành sẽ tiếp tục được củng cố, để mọi vi phạm dù tinh vi đến đâu cũng không thể lọt khỏi tầm kiểm soát.
Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là người dân trong việc giám sát, phản ánh vi phạm cũng cần được phát huy mạnh mẽ.
Một cú điện thoại báo cáo, một đoạn clip từ người dân, một biên bản từ lực lượng thị trường… đôi khi lại là khởi đầu để bóc gỡ cả một đường dây tội phạm.
Vụ việc tại Dược phẩm An Phát không phải là trường hợp đơn lẻ, mà là phần nổi của tảng băng chìm mang tên “hàng giả trong y tế”. Trong bối cảnh thị trường dược phẩm phát triển nhanh, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao, thì cũng chính là lúc các đối tượng xấu lợi dụng để đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi vào hệ thống phân phối, thậm chí thâm nhập các nhà thuốc tư nhân, phòng khám, bệnh viện. Hệ lụy của những hành vi này không chỉ là mất tiền, mà là mất sức khỏe, thậm chí mất mạng.
Vì vậy, công tác phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế không thể chỉ dựa vào các cơ quan chức năng. Đó cần là trách nhiệm của toàn xã hội, từ nhà sản xuất, nhà phân phối, cơ quan quản lý, đến người tiêu dùng.
Mỗi cá nhân cần tỉnh táo, cảnh giác, không vì ham rẻ mà đánh đổi sức khỏe. Mỗi doanh nghiệp cần lấy đạo đức nghề nghiệp làm gốc rễ trong hoạt động kinh doanh. Và mỗi cơ quan công quyền cần công minh, kiên quyết, không bao che, không thỏa hiệp với cái sai.
Chỉ khi tất cả các mắt xích trong chuỗi đó được siết chặt, chúng ta mới có thể tiến tới một thị trường dược phẩm an toàn, lành mạnh, nơi người dân có thể yên tâm đặt niềm tin vào từng viên thuốc, từng lọ thuốc sát trùng hay từng hộp thực phẩm chức năng đang ngày ngày được bày bán trên thị trường.
Vụ án hình sự tại Dược phẩm An Phát chắc chắn sẽ còn tiếp tục được điều tra, mở rộng. Nhưng dù kết quả cuối cùng ra sao, bài học từ vụ việc này đã rõ ràng: Không có chỗ đứng cho hành vi làm giả, không có vùng cấm cho những ai vì lợi ích cá nhân mà coi thường tính mạng con người. Luật pháp sẽ không nhân nhượng. Và xã hội sẽ không im lặng.