Băng rừng, lội suối đi tìm lại tên cho các Anh hùng liệt sĩ
Các chiến sĩ và lực lượng y tế băng rừng lội suối, thu thập mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ tại vùng núi cao Thanh Hóa, với niềm tin và hy vọng là trả lại tên cho các anh hùng đã hy sinh.
Giữa đại ngàn núi rừng Thanh Hóa, nơi sương phủ quanh năm, địa hình hiểm trở, những bước chân của các cán bộ, chiến sĩ các lực lượng công an, y tế và nhân viên Công ty Genestory vẫn đang âm thầm, miệt mài không ngừng nghỉ.
Họ đang thực hiện một sứ mệnh thiêng liêng và đầy gian khổ, thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, nối lại hành trình tìm kiếm và trả lại tên cho những người con đã hy sinh vì Tổ quốc.

Tổ công tác vượt suối đến tận nhà những thân nhân liệt sĩ để thu nhận mẫu ADN.
Khác với miền xuôi, công tác thu nhận mẫu ADN tại các xã vùng núi cao xứ Thanh gặp muôn vàn khó khăn. Những cung đường xa xôi, cách trở, chênh vênh bên sườn núi, nhiều bản làng nằm lọt thỏm giữa rừng sâu...
Để đến được những ngôi nhà cheo leo bên sườn núi, các tổ công tác không chỉ phải di chuyển bằng xe máy chuyên dụng, mà còn phải vượt qua những chặng đường lội bộ, mang vác lỉnh kỉnh các dụng cụ, thiết bị vượt đèo, lội suối đầy gian truân.

Các tổ công tác vượt đồi núi những địa bàn khó khăn thu nhận mẫu ADN.
Thời tiết tại vùng cao lúc nắng chang chang như đổ lửa, gió Lào rát bỏng khiến sức người nhanh chóng cạn kiệt. Khi mưa, những con đường đất vốn đã trơn trượt nay càng trở nên nguy hiểm.
Nhiều tổ phải tìm chỗ trú nhờ trong những lán dựng tạm để tránh cơn mưa rừng, rồi lại vội vàng tiếp tục di chuyển, chạy đua với thời gian để kịp lấy mẫu và vận chuyển sinh phẩm về phòng xét nghiệm ở Hà Nội ngay trong ngày, đảm bảo chất lượng cho công tác phân tích.

Thu nhận mẫu ADN buổi tối ở bản Din, xã Trung Hạ.
Từ xã trung tâm Quan Sơn, tổ công tác thu nhận mẫu ADN lưu động của Công an tỉnh Thanh Hóa phải mất hơn một giờ đồng hồ vượt qua 30 km đường rừng quanh co, khúc khuỷu để đến được bản Phe, xã biên giới Tam Thanh. Tại đây, họ tiến hành thu nhận mẫu cho 5 trường hợp thân nhân liệt sĩ đã già yếu, ốm đau, không thể đi lại.
Trong ngôi nhà nhỏ, cụ bà Lữ Thị Thọ (101 tuổi), bản Phe khắc khổ ngồi lặng lẽ bên bậu cửa, ánh mắt xa xăm tìm về nơi người em trai liệt sĩ Lữ Văn Nhuôn hy sinh 58 năm trước. Dù nhiều lần tìm kiếm không có manh mối, hôm nay, khi đoàn công tác đến, bà Thọ thấp thỏm chờ đợi từ sáng.

Thu nhận mẫu ADN của bà Lữ Thị Thọ, thân nhân của liệt sĩ Lữ Văn Nhuôn.
Run run nhờ con gái đỡ ngồi dậy, bà cố gắng vươn cánh tay yếu ớt để cán bộ Công an lấy mẫu vân tay và cán bộ y tế lấy máu xét nghiệm ADN, với hy vọng lớn lao tìm được phần mộ em trai mình.
"Cả đời tôi chỉ mong nhất ngày được biết mộ em ở đâu. Giờ tai đã điếc, mắt đã mờ, nhưng khi thấy các chú Công an đến nhà lấy mẫu máu để tìm em trai, tôi mừng lắm, dù cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa", bà Lữ Thị Thọ nghẹn ngào nói.
Công tác thu mẫu ADN ở vùng cao còn đối diện với những rào cản về ngôn ngữ và sự hạn chế thông tin. Nhiều thân nhân liệt sĩ là người dân tộc thiểu số, không nói sõi tiếng Kinh, không biết đọc, biết viết. Khái niệm "ADN" còn quá xa lạ với họ, việc giải thích tại sao lấy mẫu có thể giúp tìm lại người thân đã mất từ mấy chục năm trước là một thách thức lớn.

Thu nhận mẫu cho thân nhân liệt sĩ đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quan Hóa.
Với những trường hợp này, tổ công tác phải kiên trì giải thích, vận động. Có nơi, họ cần đến sự hỗ trợ của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào để tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu và hợp tác.
Thiếu úy Lê Văn Hiếu, cán bộ Công an xã Tam Thanh cho biết, không ít người già nghe nói đến ADN hay lấy máu thì còn bỡ ngỡ, chưa hiểu. "Chúng tôi vừa làm, vừa giải thích cặn kẽ. Đồng bào vùng cao rất giàu tình cảm, chỉ cần giải thích rõ là họ sẵn lòng hợp tác", thiếu úy Lê Văn Hiếu chia sẻ.
Một khó khăn khác là tuổi tác và trí nhớ của thân nhân. Ở nhiều bản vùng sâu, những người thân còn sống của các liệt sĩ nay đều đã cao tuổi, trí nhớ lẫn lộn, lúc nhớ lúc quên, giấy tờ thất lạc.
Điều này khiến việc rà soát, kê khai hồ sơ và xác minh quan hệ thân nhân gặp không ít trở ngại. Có trường hợp gia đình chỉ còn duy nhất tấm bằng Tổ quốc ghi công hay một tờ giấy báo tử đã phai màu thời gian để làm căn cứ đối chiếu.

Các lực lượng thu nhận mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Vượt lên tất cả những khó khăn, vất vả ấy, các tổ công kiên trì, nỗ lực từng ngày, từng giờ. Những chuyến đi của họ, bất kể ngày đêm, nắng mưa, không chỉ mang theo ống nghiệm và dụng cụ y tế, mà còn mang theo niềm tin và hy vọng mãnh liệt. Họ tìm đến từng gia đình, lắng nghe từng câu chuyện, ghi lại từng ký ức mờ nhòe qua thời gian để lần tìm manh mối.
Chính nhờ tinh thần ấy, hàng chục nghìn mẫu ADN đã, đang và sẽ tiếp tục được thu nhận trên khắp các bản làng, từ đồng bằng lên miền núi, từ ven biển đến vùng sâu, vùng xa. Tất cả cùng hướng về một mục tiêu chung: Đưa các liệt sĩ trở về với đúng tên gọi thiêng liêng của mình, để những người đã ngã xuống không bao giờ bị lãng quên, và gia đình họ có thể một lần được thắp nén hương trước phần mộ người thân sau bao năm xa cách.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng hơn 300.000 hài cốt đã an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng thiếu thông tin. Riêng tỉnh Thanh Hóa, một trong những địa phương có số liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh nhiều nhất cả nước với tổng số 55.932 liệt sĩ, trong đó có 37.720 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Kết thúc giai đoạn 1, (từ ngày 12-16/5) Thanh Hóa là đơn vị có số lượng thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ nhiều nhất toàn quốc với 933 mẫu của các trường hợp là mẹ đẻ liệt sĩ và 1 trường hợp là thân nhân cận huyết thống bên ngoại liệt sĩ.
Giai đoạn 2: từ 3/7 dự kiến 20/7: thu nhận 35.626 mẫu ADN còn lại của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Từ những mẫu đã thu nhận được ở giai đoạn 1 đã xác minh được danh tính cho 2 liệt sĩ: Trịnh Văn Hai ở xã Đông Thành (trước đây là là xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc) và liệt sĩ Trịnh Quang Lâm ở xã Nga Sơn (trước đây là xã Nga An, huyện Nga Sơn) hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.