Bảo đảm chặt chẽ, logic, thống nhất

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao việc Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã chỉnh lý một số quy định trong quản lý, sử dụng đất đai thuộc các lĩnh vực Ủy ban phụ trách, trong đó có tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa, bảo đảm chặt chẽ, logic, thống nhất.

Đất tín ngưỡng - tránh để lợi dụng phát sinh mê tín dị đoan

Khoản 1, Điều 207, dự thảo Luật Đất đai quy định: “Đất tín ngưỡng là đất có công trình tín ngưỡng gồm đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; chùa không thuộc quy định tại Khoản 1, Điều 206 của Luật này; các công trình tín ngưỡng khác”. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy: (i) “chùa” quy định trong khoản này hiện chưa logic với Khoản 1, Điều 206 của dự thảo Luật, đề nghị quy định rõ “chùa không phải là cơ sở tôn giáo quy định tại Khoản 1, Điều 206 của Luật này”; (ii) “am” quy định trong khoản này và một số điều khoản khác trong dự thảo Luật chưa có trong khái niệm về “cơ sở tín ngưỡng” quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (tại Khoản 4, Điều 2), đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu có quy định cho phù hợp, bảo đảm logic, thống nhất trong dự thảo Luật và với các luật chuyên ngành có liên quan. Đồng thời, “các công trình tín ngưỡng khác” cần quy định thành “các công trình tín ngưỡng hợp pháp khác”, để tránh trường hợp lợi dụng phát sinh những tín ngưỡng lạ, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.

Cần quy định đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất về đất tôn giáo. Ảnh: Nhật Linh

Cần quy định đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất về đất tôn giáo. Ảnh: Nhật Linh

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo Luật các quy định về việc cấp giấy chứng nhận, giao đất không thu tiền sử dụng đất, thẩm quyền giao đất đối với đất tín ngưỡng để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện.

Điều 167 về đất sử dụng ổn định lâu dài, tại Khoản 7, Khoản 8 quy định: “Đất tôn giáo quy định tại Điều 206 của Luật này; Đất tín ngưỡng”. Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung cụm từ “quy định tại Điều 207 của Luật này” vào Khoản 8 để thống nhất về cách trình bày. Đồng thời, đề nghị bổ sung nội dung tương tự vào Khoản 6 (đất quốc phòng, an ninh), Khoản 10 (đất nghĩa trang).

Điều 75 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại Điểm k, Khoản 1 quy định: “Công trình tín ngưỡng, bao gồm: đình, đền, am, miếu và các công trình tín ngưỡng khác” là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 207 về đất tín ngưỡng: “Đất tín ngưỡng là đất có công trình tín ngưỡng gồmđình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; chùa không thuộc quy định tại khoản 1 của Luật này; các công trình tín ngưỡng khác”. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị nghiên cứu chỉnh lý để bảo đảm sự thống nhất của dự thảo Luật.

Đất tôn giáo - cần quy định đầy đủ, chặt chẽ

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 18 về nội dung quản lý đất tôn giáo, đồng thời bổ sung quy định chuyển tiếp tại Điều 244 theo hướng đối với đất do các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được sử dụng đất theo hình thức đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Quy định này, theo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, là cần thiết để tiếp tục thực hiện ổn định chính sách đối với các cơ sở tôn giáo (trong đó có các trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo) đang được phép hoạt động.

Tuy vậy, vẫn còn một số nội dung cần nghiên cứu xem xét để quy định đầy đủ, chặt chẽ hơn. Trong đó, Khoản 1, Điều 206, dự thảo Luật quy định: “1. Đất tôn giáo gồm đất xây dựng cơ sở thờ tự, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các công trình tôn giáo khác”. Thường trực Ủy ban cho rằng, “các công trình tôn giáo khác” quy định trong khoản này còn thiếu chặt chẽ, cần điều chỉnh theo hướng phải bảo đảm tính hợp pháp, có trong quy hoạch, được cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng; do đó đề nghị sửa lại là “các công trình tôn giáo hợp pháp khác”.

Theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (tại Khoản 14, Điều 2), “cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”. Do vậy, quy định về đất tôn giáo trong dự thảo Luật Đất đai không bao gồm đất chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, mà thay bằng “đất xây dựng cơ sở thờ tự”, nhưng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự thảo Luật này chưa có khái niệm về “cơ sở thờ tự”. Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung khái niệm này trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.

Quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 75 về các công trình tôn giáo được nhà nước thu hồi đất (Công trình tôn giáo, bao gồm: trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường; trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo; tượng đài, bia, tháp và các công trình tôn giáo khác) chưa thống nhất với quy định tại Khoản 1, Điều 206 về đất tôn giáo (Đất tôn giáo gồm đất xây dựng cơ sở thờ tự, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các công trình tôn giáo khác). Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu chỉnh lý để bảo đảm sự thống nhất của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 75 quy định về Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác tiếp tục quy định tại điểm (i) về xây dựng cơ sở tôn giáo - quy định này không đầy đủ và trùng lặp với quy định tại Khoản 1, Điều này.

Anh Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bao-dam-chat-che-logic-thong-nhat-i330862/