Bão diễn biến bất lợi, có thể giật cấp 14 ở ven biển Quảng Ninh – Thanh Hóa
Từ chiều nay (20/7) bão di chuyển theo hướng tây, sau đó là tây tây nam khiến cho cường độ bão ít bị suy giảm, đồng thời vùng ảnh hưởng trên vịnh Bắc Bộ và đất liền mở rộng hơn về phía nam, gồm hầu hết miền Bắc và các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Dự báo khi áp sát vùng biển Quảng Ninh – Thanh Hóa, bão vẫn mạnh cấp 11, giật cấp 14.
Hồi 13 giờ trưa 20/7, tâm bão trên vùng biển phía bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 630km về phía đông, bão đã mạnh lên cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong chiều nay, bão sẽ di chuyển theo hướng tây, sau đó chuyển hướng tây tây nam với tốc độ di chuyển rất nhanh, khoảng 20-25km/h. Trong sáng 21/7, bão di chuyển vào bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc sau đó vào vịnh Bắc Bộ.
Đến 13h ngày 21/7, tâm bão trên vùng biển phía đông của khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, lúc này bão vẫn mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Trong 24 giờ tiếp theo (tính từ 13h ngày 21/7), bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam đi chậm lại với tốc độ khoảng 10 - 15km/h.
Đến 13h trưa 22/7, tâm bão trên vùng ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa, áp sát bờ. Lúc này bão vẫn mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 14.
Trong chiều và đêm 22/7, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, đổ bộ đất liền khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một áp thấp nhiệt đới, tiếp tục suy yếu thành một vùng thấp trên khu vực Thượng Lào và tan dần.

Vùng ảnh hưởng của bão Wipha
Theo các chuyên gia, bão Wipha đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Việc bão di chuyển rất nhanh trên khu vực Bắc Biển Đông khiến thời gian bão ảnh hưởng đến nước ta sớm và cường độ ít bị suy giảm. Tuy nhiên, khi vào vịnh Bắc Bộ và đổ bộ đất liền nước ta, bão đi chậm lại khiến thời gian tác động lâu hơn.
Việc bão di chuyển theo hướng tây tây nam cũng tiềm ẩn nhiều bất lợi, khi ma sát của bão với đất liền Trung Quốc giảm đi khiến cho bão ít bị suy yếu. Điều kiện mặt biển ấm trên vịnh Bắc Bộ cũng là nguyên nhân khiến bão vẫn giữ cường độ rất mạnh khi hoạt động ở đây cũng như thời điểm áp sát đất liền nước ta.
Ngoài ra, việc bão di chuyển theo hướng tây tây nam cũng khiến vùng đổ bộ dịch xuống phía đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nơi có điều kiện địa hình bằng phẳng và đông dân cư hơn khiến tác động của bão có thể nghiêm trọng hơn.
Dự báo từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An bắt đầu có gió mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14, khu vực sâu trong đất liền gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Từ ngày 21/7 đến ngày 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 600mm.
Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh thời gian này có mưa vừa, mưa to, cục bộ xảy ra mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Từ đêm 20/7, vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, đảo Hòn Dấu) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m, biển động dữ dội.
Vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2-4m, biển động rất mạnh.
Ngoài ra, vùng ven biển Hải Phòng-Quảng Ninh trưa và chiều 22/7 có nước dâng do bão cao từ 0,5-1m, mực nước tổng cộng từ 4-5m. Nguy cơ cao gây ngập, úng tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông.
Bão Wipha hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 16/7 và tiếp tục mạnh lên thành bão trong sáng sớm ngày 18/7. Đây là cơn bão có quỹ đạo khá tương đồng với siêu bão Yagi tàn phá miền Bắc nước ta trong năm 2024. Dù ít khả năng mạnh như bão Yagi, Wipha vẫn là một cơn bão cực kỳ nguy hiểm khi giữ cường độ mạnh lúc áp sát đất liền nước ta cùng vùng đổ bộ rất rộng.