Bạo lực leo thang, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Sudan trở nên tồi tệ hơn
Bạo lực leo thang ở khu vực Kordofan và Darfur những ngày gần đây, đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Sudan, khi các tổ chức nhân đạo cảnh báo về khả năng tiếp cận viện trợ bị hạn chế và người dân phải di dời.
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 450 dân thường, trong đó có ít nhất 35 trẻ em, đã thiệt mạng vào các ngày cuối tuần trước, trong các cuộc tấn công của Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) vào các ngôi làng thuộc bang Bắc Kordofan, nơi sinh sống của một số bộ lạc có vũ trang đã từ chối tuyên thệ trung thành với RSF.
Giao tranh tại Bắc Kordofan đã khiến các tổ chức nhân đạo phải ngừng hoạt động tại một số khu vực, đồng thời khiến người dân bị mắc kẹt, không thể tiếp cận các nhu cầu nhân đạo cơ bản.

Ảnh: Reuters
Marwan Taher, điều phối viên dự án của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), cho biết các hoạt động quân sự ở Kordofan đã khiến nhiều người phải chạy trốn đến Darfur, phía Tây Sudan, một khu vực vốn đã trong tình trạng nhân đạo thảm khốc.
Hàng trăm người đã phải di dời từ Kordofan đến Tawila ở Bắc Darfur. Trong khi khu vực Tawila đã phải tiếp nhận khoảng 379.000 người kể từ tháng 4/2025, từ trại tị nạn Zamzam gần thủ phủ El-Fasher của Darfur, nơi vẫn là tâm điểm của cuộc giao tranh giữa RSF và quân đội Sudan.
Theo các tổ chức nhân đạo, cuộc xung đột tại Sudan bùng phát từ tháng 4/2023, đã khiến ít nhất 40.000 người thiệt mạng và tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư và nạn đói tồi tệ nhất thế giới, với gần 25 triệu người phải chịu cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng, hơn 14 triệu người phải di dời cả trong và ngoài nước.