Bão số 3 tăng cấp chóng mặt chỉ trong vòng 3 tiếng, người dân phải làm gì để an toàn?

3 tiếng vừa qua, bão số 3 đã mạnh thêm 1 cấp, 13 giờ bão đạt cường độ cấp 10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/giờ.

3 giờ, bão tăng thêm 1 cấp

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Bão số 3 đang tăng cấp rất nhanh.

Như vậy chỉ sau 3 giờ đồng hồ, bão đã tăng lên 1 cấp so với bản tin dự báo gần nhất. Dự báo đến 13h ngày 20/7, bão số 3 đang hoạt động trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 370km về phía Đông. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20–25km/h và tiếp tục mạnh thêm.

Vị trí lúc 13h ngày 20/7: Ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc – 113,7 độ Kinh Đông. Cường độ: Cấp 11–12, giật cấp 15. Vùng nguy hiểm: Phía Đông kinh tuyến 112,0E, trong khoảng vĩ tuyến 18,5N đến 23,0N Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3 đối với vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông

Đến 13h ngày 21/7, bão có khả năng dịch chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15–20km/h, tiến sát ven biển phía Tây bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) tại vị trí khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc – 109,6 độ Kinh Đông với cường độ gió cấp 10–11, giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm từ kinh tuyến 108,0E đến 116,0E, phía Bắc vĩ tuyến 19,5N. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3 với vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ

Ngày 22/7, bão suy yếu khi vào đất liền Bắc Bộ – Thanh Hóa. Dự báo đến 13h ngày 22/7, bão tiếp tục đi theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10–15km/h và suy yếu dần khi đi vào đất liền, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa ở vị trí khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc – 106,3 độ Kinh Đông với cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 19,0N, phía Tây kinh tuyến 111,5E. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3 đối với vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông và toàn bộ vịnh Bắc Bộ.

Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và tiếp tục suy yếu thêm.

Do tác động của bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao 4,0-6,0m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Người dân cần chuẩn bị gì trước khi bão đổ bộ?

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, vào đầu giờ chiều nay bão Wipha đã hình thành tâm bão rõ nét với cấp gió gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11.

Dự báo Bão sẽ di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc vào khu vực Hồng Kông của Trung Quốc, mỗi giờ đi được từ 20-25km. Sau khi tiếp giáp ven bờ Nam của Trung Quốc, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây dọc ven bờ các tỉnh thành từ Hồng Koong đến Lôi Châu.

Bão sẽ tiếp cận Vịnh Bắc Bộ vào trưa ngày 21/7. Khi vào Vịnh Bắc Bộ bão sẽ đổi hướng sang Tây - Tây Nam do có 1 khối áp cao Tây Tạng hoạt động mạnh và đẩy bão về phía Nam.

Vào chiều tối 21/7 bão sẽ tiếp cận gần bờ khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng và di chuyển tới các tỉnh ven biển Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa và đi sâu vào khu vực Phú Thọ, phía Tây Thanh Hóa và Tây Nghệ An. Bão có thể đi vào đất liền trong đêm 21 hoặc rạng sáng 22/7

Chuyên gia nhận định vùng ảnh hưởng của gió mạnh gồm các tỉnh từ Quảng Ninh tới Nghệ An và cả các tỉnh thành bên trong ảnh hưởng gió vừa như Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình và Hà Nội. Tâm bão khi đổ bộ đất liền có thể từ Hải Phòng tới Hưng Yên. Cấp gió khi bão đổ bộ: cấp 10-11, giật cấp 12-13 và có thể cao hơn ở vùng ven biển.

TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo, bà con ven biển còn khoảng 1,5 ngày tính từ thời điểm này để chuẩn bị ứng phó bão. Đưa tàu thuyền vào âu tàu tránh bão. Sử dụng bao cát hoặc bao nilon 20 lít để đè lên mái tôn chống bay mái; Đóng kín cửa khi bão vào; Hạ biển quảng cáo ngoài trời; Chặt tỉa cành cây; Tìm chỗ đỗ xe an toàn; Sạc điện dự phòng

Du khách ở các đặc khu vào đảo của Quảng Ninh và Hải Phòng nên vào bờ trước ngày 21/7. Người nuôi trông ven biển cần gia cố lồng bè nuôi thủy sản.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo, diễn biến bão Wipha còn phức tạp, khó lường, cần theo dõi các bản tin dự báo mới nhất về đường đi, cường độ và vùng ảnh hưởng của bão.

Bão Wipha hình thành từ một vùng áp thấp trên vùng biển ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào ngày 16/7, tiếp tục mạnh lên thành bão vào sáng sớm 18/7. Đây là cơn bão có quỹ đạo khá giống với siêu bão Yagi từng tàn phá miền Bắc nước ta vào tháng 9 năm ngoái, gây ra thiệt hại chưa từng có.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-so-3-tang-cap-chong-mat-chi-trong-vong-3-tieng-nguoi-dan-phai-lam-gi-de-an-toan-169250719152243584.htm