Bảo tồn di sản trong dân - Bài 4: Sống khổ trong biệt thự cổ…

Thời gian là thách thức lớn với các công trình kiến trúc nghệ thuật, nhà cổ, biệt thự cổ. Muốn các công trình này tồn tại, buộc phải có phương án bảo tồn khi đến tuổi 100 năm. Nhưng di sản thuộc sở hữu tư nhân, nhất là những di sản chưa xếp hạng, đồng sở hữu… rất dễ rơi vào cảnh 'cha chung không ai khóc'.

Kẻ đến, người đi… biệt thự mỏi mòn chờ cứu

Ngôi nhà số 8 trên phố Chân Cầm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xây dựng từ những năm 1930 theo lối kiến trúc Đông Dương. Đây là một công trình bề thế, có giá trị lịch sử và kiến trúc đặc biệt. Trải qua nhiều biến động, ngôi nhà vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu với mặt tiền hoàn hảo, phản ánh sự tỉ mỉ trong thiết kế của người xưa.

Trước đây, ngôi biệt thự là nơi sinh sống của hơn 10 hộ dân, nhưng giờ đa số đã chuyển đi ở nơi khác, nhường diện tích lại cho thuê mở quán, bán hoa, bán đồ gốm… Cuối tuần, khách trong và ngoài nước đến đây nườm nượp. Trong đó, quán cà phê “Loading T” ở tầng 2 thường được gọi là cà phê biệt thự, nổi tiếng đến mức được CNN (Mạng lưới tin tức truyền hình cáp, có trụ sở tại Hoa Kỳ) nhắc đến, là một điểm đến yêu thích của giới trẻ. Đặc biệt, những hoa văn cổ trên trần nhà và gạch hoa nguyên bản vẫn được bảo tồn, khiến cho không gian quán mang đậm hơi thở hoài cổ. Khách thích thú đến chụp ảnh, thảnh thơi uống cà phê, mua hoa, sắm gốm… Nhưng khách đến thì thấy đẹp, thấy hay, còn với những người đang ở đây thì “dở trăm bề”, bởi ngôi biệt thự đang xuống cấp nghiêm trọng. Bờ tường mủn, bong tróc, các cánh cửa cũ nát, rỉ sét…, những công trình phụ thì không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Ngôi biệt thự này nằm trong “Danh mục nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954” và được đánh giá cao về giá trị bảo tồn. Tuy nhiên, sự bảo tồn này vẫn còn là vấn đề nan giải, bởi dù được xếp vào nhóm ưu tiên đầu tư, tình trạng xuống cấp của ngôi nhà vẫn tiếp tục đe dọa đến chất lượng sống của cư dân. Theo nhiều nguồn tin từ các hộ dân đã từng sống tại đây, nhà số 8 Chân Cầm hiện tại thuộc sở hữu của 11 gia đình. Cư dân sống trong biệt thự này, người đến, người đi, người cho thuê, người đóng cửa để đó…, còn chuyện bảo tồn chưa thấy động tĩnh.

 Biệt thự cổ kiến trúc Pháp ở số 65 phố Nguyễn Thái Học (quận Đống Đa, Hà Nội) đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: MAI AN

Biệt thự cổ kiến trúc Pháp ở số 65 phố Nguyễn Thái Học (quận Đống Đa, Hà Nội) đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: MAI AN

Tương tự, biệt thự số 65 phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) được biết đến là nơi ở của nhiều văn nghệ sĩ vang bóng một thời như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Đỗ Nhuận…, nay cũng đã xuống cấp trầm trọng. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, là một trong những cư dân lâu đời nhất ở nơi này, cho biết, ngôi biệt thự được xây dựng vào những năm 1930-1935, với diện tích hơn 200m2, thiết kế theo phong cách châu Âu với lò sưởi, mái cong, sân vườn. Sau ngày tiếp quản thủ đô, biệt thự này được chính quyền Hà Nội phân cho các văn nghệ sĩ kể trên. Và tại đây, nhiều tác phẩm nổi tiếng của nền văn học nghệ thuật Việt Nam đã ra đời.

Qua thời gian, căn biệt thự đã không còn dáng vẻ ban đầu mà nhếch nhác, xập xệ với hàng quán bủa vây ở tầng 1 và những “chuồng cọp” lổn nhổn ở các tầng trên. Mặc dù được xếp vào danh mục biệt thự cần bảo tồn, nhưng sau nhiều cuộc họp, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp cải tạo hiệu quả. Ngôi nhà tiếp tục xuống cấp mà không có động thái sửa chữa. Trách nhiệm bảo tồn và cải tạo biệt thự này bị “đá” đi khắp nơi mà không có ai chịu trách nhiệm thực sự.

Dùng dằng… giữ hay buông

Với hơn 1.200 nhà cổ, biệt thự cổ, nằm trong các khu phố trung tâm của Hà Nội, nếu chưa được nhà đầu tư mua về một chủ sở hữu thì phần lớn đều đã cũ nát, biến dạng, người dân sống ở đây cũng vất vả khổ sở bởi không gian chật hẹp, chắp vá. Sự xuống cấp, biến dạng và nguy cơ biến mất của các di sản đô thị này đang hiện hữu. Nhưng thực tế, việc bảo tồn một công trình dân sinh, đặc biệt thuộc sở hữu tư nhân, không đơn giản. Nhất là khi ngôi nhà có diện tích rộng và là nơi sinh sống của nhiều hộ dân.

Từ thực tế, có thể thấy rõ sự xuống cấp của hệ thống biệt thự kiến trúc Pháp cũ ở Hà Nội và các địa phương khác, chủ yếu xảy ra ở nhóm công trình do người dân sử dụng. Trong một thời gian dài, việc quản lý, sử dụng, duy tu và bảo dưỡng các công trình này không được quan tâm đúng mức, khiến chúng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Điều kiện sống của người dân trong những ngôi biệt thự từng rất nổi bật giờ đây rất khó khăn và chật chội, trong khi giá trị kinh tế và sự thuận tiện trong kết nối tiện ích đô thị lại rất cao. Mặc dù đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và giữ gìn giá trị gốc của các biệt thự cũ, nhưng các phương án bảo tồn đều gặp khó khăn, liên quan đến quyền lợi của nhiều bên, trong đó có những người trực tiếp sử dụng công trình.

KTS Đặng Thái Hoàng, nguyên Ủy viên Hội đồng Tư vấn kiến trúc quy hoạch của Thủ tướng (1996-2000), bày tỏ: “Trong khối di sản đồ sộ kiến trúc Pháp tại Hà Nội, có rất nhiều ngôi nhà, biệt thự thuộc quyền sở hữu và là nơi sinh sống của người dân. Nếu như những công trình kiến trúc Pháp cũ thuộc sở hữu của các cơ quan nhà nước được bảo tồn cẩn thận thì những ngôi biệt thự người dân sinh sống lại đang đặt ra nhiều bất cập. Không nhận thức giá trị của biệt thự cũ với vai trò là di sản đô thị sẽ rất khó để ứng xử đúng đắn”.

Một vấn đề kéo dài, từng được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa lên tiếng, đó là việc chưa giải quyết được làm sao cân bằng quyền lợi, cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho những người đang sống trong các biệt thự này. Từ nhiều thập niên trước, mỗi biệt thự thường được chia sẻ cho 5-7 người sinh sống, nhưng sau đó các gia đình đã mở rộng quy mô, số lượng người cư trú tăng lên gấp 5-7 lần. Dù điều kiện sống rất khó khăn, nhưng nhờ sự tiện lợi về vị trí trung tâm thành phố và giá trị tinh thần, vật chất, nhiều người vẫn không dễ dàng rời bỏ.

Việc đầu tư bảo tồn gần như xoay hướng nào cũng vướng khó khăn khi chưa thể cân bằng được quyền lợi và trách nhiệm của các bên. Dù nhận thức của chính quyền và người dân về giá trị của các biệt thự đã rõ ràng, nhưng việc chuyển biến thực tế vẫn còn là câu chuyện dài phía trước. Theo KTS Đặng Khánh Ngọc, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT-DL, cần có giải pháp mang tính định hướng và chiến lược cho việc bảo tồn các biệt thự cũ.

KTS Đặng Khánh Ngọc phân tích: “Nhiều biệt thự nhìn bên ngoài có vẻ ổn nhưng bên trong lại xuống cấp trầm trọng, người dân phải tự cải tạo để đáp ứng nhu cầu sống, dù biết việc này không được pháp luật cho phép. Tình trạng này đặt ra yêu cầu khẩn cấp về giải pháp bảo tồn hệ thống biệt thự cũ như một phần quan trọng của di sản đô thị. Khó khăn nhất vẫn là các biệt thự do người dân ở, nhiều công trình hư hỏng nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc tu sửa, bảo quản. Để bảo tồn và phát huy di sản đô thị này, cần thúc đẩy các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản đô thị, giúp người dân hiểu được giá trị và lợi ích khi bảo vệ di sản. Khi nhận thức được lợi ích từ việc bảo tồn, người dân và các bên liên quan sẽ chủ động tham gia vào quá trình gìn giữ, duy trì bền vững các yếu tố cấu thành di sản đô thị, đặc biệt là các biệt thự và công trình kiến trúc cũ”.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di tích nhìn nhận, đây là một lĩnh vực khoa học chuyên ngành với những đặc điểm riêng khác với xây dựng cơ bản thông thường. Vì vậy, trước mỗi một đối tượng di tích cụ thể, việc xác định được giải pháp bảo tồn một cách thích hợp trên cơ sở những lý luận căn bản và hoàn cảnh thực tế là không hề dễ dàng và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó đảm bảo tính đúng đắn và hữu hiệu cho những nỗ lực gìn giữ, lưu truyền các di tích cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa.

MAI AN - THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-ton-di-san-trong-dan-bai-4-song-kho-trong-biet-thu-co-post769626.html