Báo Trung Quốc nêu bật 3 kết quả lớn trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ngày 28/6, nhiều tờ báo lớn của Trung Quốc đã có bài bình luận ca ngợi những kết quả thiết thực trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị WEF Thiên Tân của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Bài bình luận trên trang mạng China News ngày 28/6 với tựa đề “Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính lần đầu thăm Trung Quốc, quan hệ Trung-Việt làm thế nào để phát huy động lực mới”. (Ảnh chụp màn hình)

Bài bình luận trên trang mạng China News ngày 28/6 với tựa đề “Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính lần đầu thăm Trung Quốc, quan hệ Trung-Việt làm thế nào để phát huy động lực mới”. (Ảnh chụp màn hình)

Trong một bài bình luận trên trang mạng China News ngày 28/6 với tựa đề “Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính lần đầu thăm Trung Quốc, quan hệ Trung-Việt làm thế nào để phát huy động lực mới”, các chuyên gia Trung Quốc đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển hơn nữa từ 3 góc độ, tạo thêm động lực mới cho quan hệ song phương.

Thứ nhất, chuyến thăm góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị giữa hai nước.

Trong chuyến thăm, khi hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh Trung Quốc luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng và là cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược của Trung Quốc, đây là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc vì sự phát triển lâu dài của quan hệ hai nước.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, biến động, hai nước cần chú trọng hơn nữa gìn giữ phát triển, cùng thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, cùng chung tay xây dựng cộng đồng chung vận mệnh ngày càng mật thiết, từ điểm khởi đầu mới đưa quan hệ song phương lên tầm cao tiếp theo.

Học giả Lưu Khanh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, đánh giá chuyến thăm được tiến hành trong bối cảnh quan hệ hai nước duy trì xu thế phát triển tốt đẹp, tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao giữa hai nước, thể hiện sự tự tin của hai Đảng hai nước trong việc phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ngày càng vững chắc.

Đồng quan điểm, học giả Hứa Lợi Bình, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng “ưu tiên hàng đầu” là lập trường chính nhất quán của Việt Nam trong chính sách đối với Trung Quốc.

Theo vị chuyên gia này, chuyến thăm cho thấy Đảng và Chính phủ Việt Nam đều đặc biệt coi trọng quan hệ với Trung Quốc, quan hệ hai Đảng hai nước sẽ tăng cường hơn nữa nền tảng tin cậy chính trị và "con thuyền hợp tác hữu nghị Việt-Trung sẽ không đổi hướng”.

Thứ hai, chuyến thăm chi tiết hóa các lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai nước.

Là cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược của nhau, hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc không ngừng phát triển sâu rộng. Trong khi Trung Quốc giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong suốt 16 năm qua, thì Việt Nam hiện đã là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên toàn cầu và lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Trong chuyến thăm lần này, phía Trung Quốc đề xuất hai bên cần đẩy nhanh quy hoạch kết nối sáng kiến “Vành đai, Con đường” với “Hai hành lang, một vành đai”, phát huy tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, thúc đẩy mở cửa và nâng cấp cửa khẩu, kết nối cơ sở hạ tầng, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, nông sản, đầu tư và năng lượng…

Học giả Lưu Khanh phân tích hợp tác Việt Nam-Trung Quốc trong những năm gần đây có nhiều điểm sáng như hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường” và “Hai hành lang, Một vành đai” đạt nhiều thành quả phong phú; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam sang Trung Quốc tìm kiếm hợp tác, Trung Quốc hỗ trợ cung cấp điện khi Việt Nam thiếu điện…

"Chuyến thăm lần này hai bên đã đề cập đến các lĩnh vực hợp tác về kết nối giao thông, kinh tế - thương mại và đầu tư, giao lưu nhân văn, đều phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng Việt Nam lần thứ XIII, góp phần thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng sâu sắc và thiết thực hơn", học giả Lưu Khanh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc hai bên đẩy nhanh liên thông đường sắt tiêu chuẩn tại biên giới, học giả Hứa Lợi Bình cho rằng động thái này sẽ thúc đẩy kết nối mạng lưới đường sắt của Trung Quốc với mạng lưới đường sắt tại bán đảo Đông Dương, góp phần thúc đẩy xây dựng đường sắt xuyên châu Á, có lợi trong xây dựng chuỗi sản xuất hoàn chỉnh.

Ngoài ra, hai nước còn phản đối “phân tách, đứt gãy chuỗi sản xuất, chính trị hóa các vấn đề kinh tế”, cho thấy hai nước muốn xây dựng niềm tin về hợp tác cùng thắng trong tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Hợp tác đầu tư và Thương mại Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Hợp tác đầu tư và Thương mại Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ ba, đẩy nhanh đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), xử lý thỏa đáng bất đồng.

Biển Đông là vấn đề quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết văn kiện hợp tác trên biển.

Hoan nghênh kết quả này, học giả Lưu Khanh nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là làm thế nào xử lý bất đồng thông qua hợp tác thực chất, trong đó hai bên cần thực hiện nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao, thông qua hiệp thương hữu nghị xử lý bất đồng, bảo vệ ổn định trên biển, triển khai hợp tác trên biển có trật tự.

Trong khi đó, học giả Hứa Lợi Bình cho rằng, việc tiếp tục gìn giữ cục diện hòa bình trên Biển Đông phù hợp với lợi ích chung của hai nước. Thông qua chuyến thăm, hai bên đã phát đi tín hiệu tích cực với cộng đồng quốc tế trong việc có đủ năng lực, trí tuệ kiểm soát tốt bất động và không ngừng mở rộng hợp tác.

Tờ China Daily ngày 27/6 cũng có bài bình luận về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Bài báo nêu bật kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường.

Bài báo nhấn mạnh rằng trong tình hình thế giới đầy phức tạp và biến động, Trung Quốc và Việt Nam có thể đưa quan hệ song phương từ xuất phát điểm mới lên tầm cao tiếp theo, tăng cường sự ổn định và năng lượng tích cực cho sự phát triển hòa bình của thế giới.

Đồng thời, bài báo cũng ca ngợi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phản hồi tích cực trước hàng loạt đề xuất nhằm mở rộng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, an ninh, năng lượng, văn hóa, phát triển khu vực… Điều này cho thấy Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế và tìm kiếm cơ hội hội nhập khu vực.

Bài báo khẳng định chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa to lớn đối với cả hai nước. Đây không chỉ là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức Thủ tướng Việt Nam, mà còn là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam sau 7 năm. Chuyến thăm diễn ra trong năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc

Cả Trung Quốc và Việt Nam đều coi nhau là phương hướng ngoại giao ưu tiên. Đây không chỉ là sản phẩm tự nhiên của tình hữu nghị lịch sử giữa Trung Quốc và Việt Nam, sự trao đổi lâu dài cùng có lợi trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực, mà còn là kết quả của sự lựa chọn chiến lược hướng tới tương lai của cả hai bên.

Bình luận về việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Thiên Tân, bài báo chỉ ra mục đích của sự kiện nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam và các doanh nghiệp Trung Quốc thể hiện sự quan tâm tích cực đến điều này.

Đặc biệt, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Huyền Trâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-trung-quoc-neu-bat-3-ket-qua-lon-trong-chuyen-tham-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-232830.html