Bảo vệ quyền của phụ nữ trong điều tra vụ án về ma túy
Bảo vệ các quyền của phụ nữ trong quá trình tham gia tố tụng hình sự nói chung và áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy nói riêng đã được luật pháp quốc tế và Việt Nam đề cập và thực hiện tương đối hiệu quả.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm về ma túy ở Việt Nam hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, sự tham gia của phụ nữ ngày càng nhiều và tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phạm vi và hậu quả của tội phạm ngày càng lớn, có yếu tố liên tỷnh, xuyên quốc gia, người nước ngoài...
Trong khi đó, quá trình điều tra vụ án về ma túy nói chung và áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc; việc bảo đảm các quyền của phụ nữ có liên quan đến điều tra vụ án về ma túy với tư cách là người bị hại hoặc người bị buộc tội vẫn còn những hạn chế.

Ảnh minh họa.
Tôn trọng, bảo đảm quyền của phụ nữ
Bảo vệ quyền của phụ nữ trong quá trình áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy là việc đảm bảo các điều kiện cho việc thực hiện các quyền bình đẳng và quyền đặc thù của phụ nữ. Do đó, quá trình áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy cần tuân thủ, chấp hành và áp dụng thống nhất bởi các cơ quan, người tiến hành tố tụng hình sự theo luật pháp quốc tế và Bộ luật tố tụng hình sự.
Ở Việt Nam, quyền của phụ nữ quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thể hiện dưới hai góc độ là quyền bình đẳng và quyền đặc thù.
Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 giữ nguyên tắc “Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật” cho thấy sự quan tâm của Nhà nước ta đối với bảo vệ quyền của phụ nữ trong quá trình áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy, điều này xuất phát từ các hoàn cảnh đặc biệt của phụ nữ (những đặc điểm riêng về giới, sinh lý, chức năng, trong đó có vai trò làm mẹ và nuôi dạy con cái). Phụ nữ được xếp vào nhóm có nguy cơ cao bị tổn thương và họ cần được hưởng các quyền đặc thù.
Quyền của phụ nữ bị buộc tội trong áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy ở Việt Nam, gồm:
Thứ nhất, quyền đặc thù của phụ nữ được thể hiện thông qua các quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong quá trình xử lý VAHS về ma túy.
Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của phụ nữ đang ở trong những thời kỳ đặc biệt (có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng) và chính sách nhân đạo của Nhà nước mà BLtố tụng hình sự năm 2015 có những quy định “ưu tiên” đối với phụ nữ khi họ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam hoặc khi họ là người bị buộc tội.
Khoản 4 Điều 119 quy định: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi… mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia”.
Tuy nhiên, đối với biện pháp ngăn chặn tạm giữ thì không có các quy định đặc biệt này. Các chuyên gia của LHQ khuyến nghị quyết định tạm giữ cũng nên loại trừ đối tượng này song điều này chưa được thực hiện trong quá trình xử lý vụ án về ma túy ở Việt Nam.
Ngoài ra, người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hưởng thêm 30% định lượng về thực phẩm thịt, cá; bị can là phụ nữ sinh con khi bị tạm giữ, tạm giam được thanh toán viện phí và bồi dưỡng bằng hiện vật giá trị tương tương 30 kg gạo tẻ loại trung bình. Và bị can là phụ nữ còn được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ.
Thứ hai, quyền đặc thù của phụ nữ được thể hiện thông qua các quy định về áp dụng biện pháp cưỡng chế khám xét và xem xét dấu vết trên thân thể trong quá trình áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy nói riêng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Khoản 2 Điều 194 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về khám xét và khoản 2 Điều 203 quy định về xem xét dấu vết trên thân thể. Các quy định này nhằm tăng cường bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét, xem xét dấu vết trên thân thể là phụ nữ khi họ đang chịu áp dụng các biện pháp cưỡng chế của Cơ quan điều tra trong quá trình xử lý vụ án về ma túy theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Một số giải pháp thời gian tới
Để bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hình sự nói chung và trong áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy nói riêng ở Việt Nam, cần có giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới:
Một là, bổ sung thêm vào Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 một số quyền của phụ nữ theo các công ước quốc tế về quyền con người đối với phụ nữ trong các vụ án hình sựnói chung và áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy nói riêng.
Điều 3, Điều 4 Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ khẳng định rằng, ngay cả khi phụ nữ đã được ghi nhận sự bình đẳng về mặt pháp lý, điều đó cũng không đủ để bảo đảm họ sẽ được đối xử một cách bình đẳng trong thực tế. Để bảo đảm quyền của phụ nữ, các quốc gia thành viên được cho phép sử dụng những biện pháp xử lý đặc biệt để bảo đảm quyền đặc thù của phụ nữ. Các biện pháp đặc biệt tạm thời để chống lại sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong quá trình xử lý vụ án về ma túy được coi là cần thiết và hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế.
Ở Việt Nam, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hiện nay đã quy định những quyền của phụ nữ theo các văn kiện pháp lý quốc tế nhưng vẫn còn những quy định chưa đầy đủ, chặt chẽ, đặc biệt là trong quá trình áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án ma túy. Do đó, để bảo đảm các quyền của phụ nữ, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Hai là, cần bổ sung quy định không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng trừ một số trường hợp.
Thời hạn tạm giữ dù ngắn nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe đối với phụ nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng.
Như vậy, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ theo các quy định của pháp luật quốc tế, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nên được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 117 theo hướng: “Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng được cơ quan y tế cấp huyện trở lên xác nhận mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giữ trừ các trường hợp: bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của người này”.
Ba là, cần đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm tốt hơn các quyền của phụ nữ trong quá trình giải quyết các vụ án ma túy nói chung và áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy nói riêng.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy trong tiến trình cải cách tư pháp, đồng thời phải tôn trọng quyền dân chủ, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân. Và việc bảo đảm các quyền của phụ nữ trong quá trình áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy cần được thực hiện thường xuyên, đúng quy định.
Thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, các tổ chức, cá nhân và người tham gia tố tụng là phụ nữ để mỗi người thấy được trách nhiệm của mình đối với việc bảo đảm quyền bình đẳng và quyền ưu tiên của phụ nữ trong các hoạt động tố tụng hình sự nói chung và áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án về ma túy nói riêng.
Cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với các các tổ chức chính trị như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp, Đoàn Thanh niên, các cơ sở giáo dục, chính quyền xã phường, thị trấn để vừa bảo đảm việc giải quyết vụ án được thuận lợi và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, bị hại là phụ nữ.
Bốn là, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ trong quá trình áp dụng pháp luật khi điều tra vụ án về ma túy.
Để bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hình sự, đặc biệt khi phụ nữ là bị can trong các loại tội phạm ma túy có tổ chức phức tạp, có yếu tố nước ngoài, liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố người nước ngoài; Việt Nam cần tăng cường đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước trên thế giới, trong đó ưu tiên các nước thành viên ASEAN; củng cố, tăng cường và thiết lập hợp tác dẫn độ giữa Việt Nam với các nước để ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp trong quá trình áp dụng pháp luật khi điều tra vụ án về ma túy nói riêng.
Việt Nam cần củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế có chức năng phòng, chống tội phạm trong khu vực và trên thế giới như ASEANPOL, INTERPOL, UNODC cũng như các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật của các quốc gia trong khu vực và thế giới về việc điều tra, xử lý vụ án ma túy và áp dụng pháp luật khi điều tra vụ án về ma túy nhằm bảo đảm các quyền của phụ nữ.
Năm là, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền của phụ nữ trong quá trình áp dụng pháp luật khi điều tra vụ án về ma túy. Việc tuyên truyền, phổ biến cần có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông về cơ sở, trường học, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương xuống địa phương...
Bảo đảm quyền của phụ nữ trong quá trình áp dụng pháp luật khi điều tra vụ án về ma túy là việc đảm bảo các điều kiện để thực hiện các quyền cơ bản và các quyền đặc thù của phụ nữ khi điều tra vụ án về ma túy, qua đó tránh được các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình áp dụng pháp luật, cho dù họ là bị hại hay người bị buộc tội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Charlotte Bunch and Samantha Frost (2000), Bách khoa toàn thư thế giới về phụ nữ: Những vấn đề và tri thức toàn cầu về phụ nữ, Giới thiệu về các quyền con người của phụ nữ.
2. Trần Thị Hồng Lê (2016), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo vệ quyền phụ nữ bằng pháp luật hình sự ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia, Hà Nội.
3. Thảo luận với cán bộ công an trong quá trình xây dựng tài liệu tập huấn của UNODC. Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (2011). Công tác phòng chống bạo lực gia đình: Tài liệu tập huấn cho ngành hành pháp và tư pháp tại Việt Nam (tái bản lần thứ 2), Hà Nội.
4. Chiongson, Rea Abada (2009), CEDAW và Pháp luật: Nghiên cứu rà soát văn bản pháp luật Việt Nam trên cơ sở quyền và giới qua lăng kính CEDAW. Hà Nội: Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc.
5. Đỗ Thị Phượng (2021), Quyền con người của phụ nữ trong tố tụng hình sự Việt Nam và một số biện pháp bảo đảm, Tạp chí Quyền con người, Hà Nội.
(*) Phòng Chính trị, Học viện CSND
(**) Văn phòng Bộ Công an
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-ve-quyen-cua-phu-nu-trong-dieu-tra-vu-an-ve-ma-tuy-319735.html