Bão Wipha còn ngoài khơi, vì sao miền bắc đã 'náo loạn'?
Chiều 19/7, dù bão Wipha vẫn còn ngoài khơi, nhiều khu vực ở miền Bắc, trong đó có Hà Nội, đã hứng chịu mưa dông dữ dội kèm lốc, sét và gió mạnh, gây thiệt hại đáng kể.
Theo thông tin từ ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thuộc Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào lúc 16h ngày 19/7, tâm bão Wipha đang nằm ở vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.
Cơn bão ghi nhận sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 10 (tức từ 89 đến 102 km/giờ), giật lên tới cấp 12. Hướng di chuyển chủ yếu là Tây Tây Bắc, với tốc độ khoảng 20 km/h.

Giông lốc khiến tàu chở khách du lịch bị đánh úp trên Vịnh Hạ Long ngày 19/7 vừa qua.
Vào chiều cùng ngày, nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc, trong đó có Hà Nội, bất ngờ hứng chịu mưa dông rất lớn. Tại thủ đô, bầu trời bỗng tối sầm lại vì mây đen dày đặc, kèm theo gió lớn quật mạnh, cuốn theo bụi bẩn và rác thải khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều trở ngại.
Mặc dù thời điểm đó bão Wipha vẫn còn cách xa đất liền Việt Nam, song hệ thống mây đối lưu rộng lớn của nó đã gây ra những đợt mưa dông dữ dội tại nhiều địa phương phía Bắc.
Tại một số khu vực, gió mạnh, lốc xoáy, sấm sét và thậm chí mưa đá đã xuất hiện.
Riêng tại Hà Nội, mưa to kèm dông đã làm nhiều cây xanh bị đổ gãy, bảng hiệu và mái tôn bị gió thổi tốc bay, gây thiệt hại không nhỏ.

Hà Nội mưa lớn ngày 19/7. Ảnh: báo Dân Trí
Trước băn khoăn vì sao khi bão còn ngoài khơi nhưng trong đất liền đã có hiện tượng lốc, dông, sét, đại diện Cục Khí tượng Thủy văn giải thích: Theo các nghiên cứu khí tượng từ Mỹ, vùng lõi của bão hoặc áp thấp nhiệt đới thường có rất ít tia sét do cấu trúc khí động học bên trong. Dông sét thường hình thành ở khu vực rìa ngoài (cách tâm bão trên 100 km), nơi có sự kết hợp giữa các dải mưa đối lưu mạnh và sự tương tác giữa các tinh thể băng trong các hạt nước siêu lạnh. Chính yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho sét và dông lốc phát triển bên ngoài vùng tâm bão.
Vì vậy, khi có cảnh báo về bão hoặc áp thấp nhiệt đới, người dân cần cảnh giác không chỉ với bão mà cả các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, sét, lốc xoáy, vốn có thể xảy ra bất ngờ và gây thiệt hại đáng kể.
Trả lời thêm về ảnh hưởng của bão Wipha, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, các đợt mưa dông do tác động trước bão có khả năng xảy ra từ ngày 20 đến 21/7, dù thời điểm đó bão vẫn còn ngoài vịnh Bắc Bộ.
Đến gần sáng và trong ngày 22/7, bão mới có ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Dự báo cho thấy phạm vi ảnh hưởng của cơn bão số 3 sẽ bao trùm khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ, với khả năng xuất hiện mưa lớn cục bộ, lượng mưa có thể vượt 150mm chỉ trong vòng 3 giờ.