Bão Wipha giật cấp 11 và khả năng còn mạnh thêm, giật cấp 14, đổ bộ vào đâu?
Vào lúc 1 giờ ngày 19-7, bão Wipha đang hoạt động mạnh trên vùng biển phía Đông đảo Luzon, Philippines với cường độ cấp 9, giật cấp 11.
Vào 1 giờ ngày 19-7, tâm bão Wipha ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc và 121,5 độ Kinh Đông, sức gió gần tâm mạnh cấp 9 (75-88 km/giờ), giật cấp 11, di chuyển với tốc độ 20 km/giờ. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo người dân theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão này.

Bão Wipha giật cấp 11, dự báo mạnh thêm, đổ bộ đất liền nước ta. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; sóng biển cao 3-5 m. Biển động rất mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Dự báo 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ từ 20-25 km/giờ, đi vào biển Đông và mạnh thêm lên cấp 10, giật cấp 12, vùng biển chịu tác động là 18 - 23 độ Vĩ Bắc; 116 độ Kinh Đông.
Bão Wipha sẽ tiếp tục mạnh thêm
Dự báo tới ngày 21-7, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20 km/giờ, có khả năng mạnh thêm lên cấp 11-12, giật cấp 14, vùng biển chịu tác động 19,5 độ Vĩ Bắc; 110 độ Kinh Đông; cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 210 km về phía Đông.
Tới ngày 22-7, bão di chuyển với tốc độ 20 km/giờ và suy yếu dần trên khu vực vịnh Bắc Bộ. .
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km và tiếp tục suy yếu thêm.
Vào chiều 18-7, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thông tin và triển khai ứng phó với cơn bão Wipha. Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, với điều kiện môi trường trên biển Đông hiện nay, dự báo, bão Wipha sẽ tăng cường độ khi vào biển Đông.
Dự báo khả năng cao bão Wipha ảnh hưởng đất liền Việt Nam, vùng ảnh hưởng từ Quảng Ninh-Nghệ An.
Đáng chú ý, ông Khiêm dự báo đường đi, tác động có hình dáng của bão Yagi năm ngoái. Vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý, có phương án phòng chống với bão mạnh khi đổ bộ ở cấp 10-11, giật cấp 14, 15.