Bất ngờ với hình dạng bên ngoài của UAV Mỹ xuất hiện trong khuôn viên Lầu Năm Góc
Thiết bị bay không người lái (UAV) do Mỹ sản xuất có hình dạng gần giống với chiếc Shahed của Iran, đã xuất hiện tại Lầu Năm Góc.

Thiết bị bay không người lái LUCAS xuất hiện tại khuôn viên Lầu Năm Góc. Ảnh: Hải quân Mỹ
Business Insider ngày 19/7 đưa tin, thiết bị bay không người lái có thiết kế giống Shahed là Hệ thống Tấn công Chiến đấu không người lái chi phí thấp (LUCAS), do công SpektreWorks của Mỹ sản xuất. LUCAS được trưng bày cùng với nhiều nguyên mẫu thiết bị bay không người lái khác trong khuôn viên Lầu Năm Góc.
Sự xuất hiện của LUCAS diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ tìm cách tăng đáng kể sản lượng thiết bị bay không người lái giá rẻ sử dụng linh kiện sẵn có để bắt kịp những tiến bộ nhanh chóng trong chiến tranh hiện đại, vốn đang ngày càng mang tính robot và tự động.
Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, LUCAS có thể hỗ trợ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách mang đến công cụ mô phỏng hiệu quả và có chi phí vận hành cũng như bảo trì thấp hơn so với các hệ thống đạn dược hay máy bay truyền thống.
Thiết kế LUCAS của Spektreworks là một trong 18 nguyên mẫu thiết bị bay không người lái do Mỹ sản xuất được trưng bày tại Lầu Năm Góc hôm 16/7. Bộ Quốc phòng cho biết các thiết bị bay không người lái này được phát triển trong thời gian khoảng 18 tháng, thay vì mất nhiều năm.
SpektreWorks đã không hồi đáp yêu cầu của Business Insider về việc cung cấp thêm thông tin về LUCAS.
Tron khi đó, Shahed do Iran thiết kế là thiết bị bay không người lái tấn công một chiều, hay còn gọi là đạn tuần kích bởi nó có thể lượn trên không một khoảng thời gian trước khi lao xuống mục tiêu và phát nổ khi va chạm.

LUCA có thiết kế giống Shahed. Ảnh: Hải quân Mỹ
Nhận thấy đe dọa ngày càng tăng từ thiết bị bay không người lái trong chiến tranh hiện đại, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ưu tiên tăng cường sản xuất loại vũ khí này để theo kịp các đối thủ.
Vào giữa tháng 5, Tổng thống Trump cho biết Mỹ đang phát triển một "hệ thống thiết bị bay không người lái mới" và ám chỉ đến Shahed, bày tỏ sự quan tâm đến các thiết kế của Iran. Ông nói: "Trong trường hợp của Iran, họ chế tạo được thiết bị bay không người lái tốt. Và họ sản xuất chúng với giá 35.000, 40.000 USD. Chúng cũng rất tốt, nhanh và nguy hiểm. Thật kinh khủng, nếu bạn nhìn vào những gì đang xảy ra với Nga và Ukraine. Thiết bị bay không người lái đang giết chết rất nhiều người”.
Vào đầu tháng 6, nhà lãnh đạo Mỹ Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất thiết bị bay không người lái của nước này.
Trong tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã viết trong một bản ghi nhớ rằng ông đang hủy bỏ những "chính sách hạn chế" đã cản trở việc sản xuất thiết bị bay không người lái. Ông nêu rõ: "Các đối thủ của chúng ta cùng nhau sản xuất hàng triệu thiết bị bay không người lái giá rẻ mỗi năm. Mặc dù sản lượng thiết bị bay không người lái quân sự toàn cầu tăng vọt trong 3 năm qua, nhưng chính quyền trước đã áp dụng thủ tục hành chính rườm rà. Các đơn vị Mỹ không được trang bị thiết bị bay không người lái nhỏ gọn, sát thương cao mà chiến trường hiện đại đòi hỏi".
Quân đội Mỹ nhận thấy họ cần thiết bị bay không người lái cho các cuộc chiến trong tương lai. Ví dụ, thiết bị bay không người lái là một phần quan trọng trong sáng kiến cải tổ của Lục quân. Thủy quân Lục chiến đã thành lập một đội thiết bị bay không người lái tấn công để phổ biến các kinh nghiệm từ Ukraine cho lực lượng. Không quân Mỹ đang xem xét thiết bị chiến đấu phối hợp để bay cùng chiến đấu cơ tiên tiến. Hải quân đang nghiên cứu sử dụng tàu không người lái, đồng thời huấn luyện nhân sự đối phó với các mối đe dọa mới nổi.