Bất ổn gia tăng ở Bangladesh giữa các cuộc biểu tình của người Hindu
Căng thẳng tôn giáo gia tăng ở Bangladesh sau vụ bạo lực liên quan đến vụ bắt giữ một nhà lãnh đạo tôn giáo Hindu ở thành phố Chittagong, phía nam nước này.
Sau khi nhà lãnh đạo Hindu Chinmoy Krishna Das bị từ chối tại ngoại vì cáo buộc kích động nổi loạn vào ngày 26/11, cảnh sát cho biết hàng trăm người ủng hộ ông đã đụng độ với lực lượng an ninh khi chiếc xe chở ông trở lại nhà tù. Luật sư Hồi giáo Saiful Islam Alif đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ.
Sau vụ việc, một số nhóm Hồi giáo đã đề xuất đàn áp Hiệp hội Quốc tế về Ý thức Krishna (ISKCON), một tổ chức Hindu quốc tế.
Mặc dù ISKCON Bangladesh tuyên bố vào ngày 28/11 rằng nhà lãnh đạo tôn giáo Das đã bị trục xuất khỏi tổ chức vào tháng 7 vì các vấn đề kỷ luật, nhưng Chủ tịch ICKSON Bangladesh, Satya Ranjan Barai, đã nói rằng Das "đã bất chấp lệnh và tiếp tục các hoạt động của mình".
Tuy nhiên, cả ISKCON Bangladesh và ISKCON Quốc tế đều ra tuyên bố lên án vụ bắt giữ.
Kêu gọi cấm nhóm Hindu
Quan hệ tôn giáo đã trở nên bất ổn ở Bangladesh, nơi có đa số người Hồi giáo, kể từ khi chính quyền của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina bị lật đổ sau các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo vào tháng 8. Bà đã chạy trốn sang Ấn Độ sau các cuộc biểu tình.
Một chính phủ lâm thời đã tiếp quản và chịu trách nhiệm thiết lập các chính sách cho một chính phủ mới. Nhiều đảng phái chính trị Hồi giáo, bao gồm cả đảng cực hữu Hefazat-e-Islam Bangladesh, đã kêu gọi cấm ISKCON Bangladesh.
Vào ngày 26/11, Hasnat Abdullah, một người tổ chức cuộc nổi dậy do sinh viên lãnh đạo lật đổ bà Hasina, đã đăng trên mạng xã hội gọi ISKCON là một nhóm cực đoan "đang cố gắng thực hiện nhiều âm mưu phản quốc để gây bất ổn" cho Bangladesh.
Một luật sư đã đưa vấn đề cấm ISKCON với tư cách là một tổ chức vũ trang lên Tòa án Tối cao vào ngày 27/11. Một ngày sau, tòa án cấp cao đã bác bỏ đơn yêu cầu cấm.
"Người Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo... tin vào sự chung sống hòa bình, và sự hòa hợp này sẽ không bị phá vỡ", tòa án phán quyết.
Shafiqul Alam, thư ký báo chí của cố vấn trưởng Bangladesh, nói rằng chính phủ lâm thời "tin tưởng vào quyền tự do tôn giáo, quyền tự do lập hội, quyền tự do hội họp cho mọi tổ chức tôn giáo. Chúng tôi cũng tin tưởng vào việc đảm bảo mọi quyền".
Ông thừa nhận rằng một số vụ tấn công vào các nhóm tôn giáo thiểu số có thể đã xảy ra ngay sau khi bà Hasina bị lật đổ nhưng nói thêm rằng hầu hết các sự kiện đều đã bị phóng đại.
Những tranh cãi về tôn giáo và người thiểu số
Manindra Kumar Nath, Chủ tịch Hội đồng Thống nhất Phật giáo - Kitô giáo Bangladesh, một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, cho biết phong trào thiểu số ở Bangladesh độc lập với Ấn Độ và Liên đoàn Awami của bà Hasina.
Ông nói: "Nhu cầu về một đạo luật bảo vệ nhóm thiểu số và một ủy ban thiểu số... đã tồn tại từ lâu", cho biết thêm rằng sinh viên Hindu cũng nằm trong số những người tham gia phong trào biểu tình nhằm lật đổ chính quyền của bà Hasina.
Hiến pháp hiện hành của Bangladesh chỉ định Hồi giáo là quốc giáo nhưng vẫn coi chủ nghĩa thế tục là nguyên tắc của nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Bangladesh Md Asaduzzaman đã phát biểu trong phiên điều trần của tòa án tối cao vào tháng 10 rằng ông sẽ ủng hộ việc loại trừ chủ nghĩa thế tục khỏi hiến pháp vì điều này sẽ hạn chế hơn nữa quyền của các nhóm thiểu số.
"Trước đây, nhiều chính quyền đã hứa với chúng tôi (các nhóm tôn giáo thiểu số) trong bản tuyên ngôn tranh cử của họ. Tuy nhiên, sau khi thắng cử, họ đã không thực hiện những lời hứa này", ông nói.
Chính phủ lâm thời cho biết ngày bầu cử sẽ được công bố sau khi quá trình cải cách chính sách hoàn tất. Một trong những ủy ban cải cách được giao nhiệm vụ xem xét có nên viết lại hay chỉ sửa đổi hiến pháp Bangladesh.