'Bẫy' đầu tư và thủ thuật thao túng nạn nhân của đường dây lừa đảo Mr Pips

Khi tham gia vào các hội nhóm đầu tư của Mr Pips, khách hàng sẽ được các 'chuyên gia', 'người đọc lệnh', thậm chí là các 'nhà đầu tư' (mà thực chất đều do các nhân viên của Phó Đức Nam đóng giả) tư vấn, lôi kéo, làm mất phương hướng để rồi tiếp tục 'nạp' tiền cho chúng.

Liên quan đến vụ triệt phá đường dây lừa đảo của Mr Pips (tức Phó Đức Nam) cùng các đồng phạm, ngày 11/12, Công an quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã thông tin về thủ thuật “bẫy” các nhà đầu tư của nhóm đối tượng này.

Theo Công an quận Cầu Giấy, sau khi thành lập hàng chục văn phòng làm “bình phong” tại Việt Nam, Phó Đức Nam (tức Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) cùng nhóm đồng phạm ở nước ngoài đã thiết lập các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo, có giao diện giống các sàn quốc tế. Các sàn này có đòn bẩy tài chính lớn và luôn thắng, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư khi đặt lệnh giao dịch qua sàn sẽ luôn thua.

Cơ quan Công an xác định các sàn giao dịch do Nam cùng đồng bọn thiết lập không được cấp phép tại Việt Nam. Các đối tượng cho sàn giao dịch hoạt động bất hợp pháp và sử dụng phần mềm giao dịch giả để thao túng kết quả. “Bẫy” đầu tư này khiến dù cho nhà đầu tư có đặt lệnh bao nhiêu lần, theo bao nhiêu tỉ giá thì kết quả vẫn mất tiền.

Đường dây lừa đảo của Mr Pips có hơn 1.900 nhân viên.

Đường dây lừa đảo của Mr Pips có hơn 1.900 nhân viên.

Để thu hút nạn nhân, Nam chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm nhiệm vụ sale tư vấn, cam kết với khách hàng mức lợi nhuận cao, thưởng hấp dẫn nếu đầu tư. Chúng giới thiệu sàn giao dịch này không có rủi ro, bảo hiểm 100% vốn. Ngoài ra, Nam và Ngọ còn tổ chức các hội nghị, sự kiện, khóa học online… để lôi kéo nhiều người tham gia sàn giao dịch.

Khi khách hàng tham gia vào các hội nhóm đầu tư, mà chủ yếu là do nhân viên của Nam đóng giả là chuyên gia, người đọc lệnh, thậm chí là đóng giả làm các nhà đầu tư khác để tư vấn làm cho họ mất phương hướng. Lúc này, bị hại sẽ cuốn theo hiệu ứng đám đông, tiếp tục nạp tiền để gỡ gạc số tiền đã mất.

Khi “con mồi” có dấu hiệu nản vì thua lỗ, nhân viên của Nam còn tư vấn 1 kèm 1, “sẵn sàng đồng hành” để nhà đầu tư cảm giác được tôn trọng, được chăm sóc như khách hàng VIP và tiếp tục cuốn theo dòng thua lỗ. Để nhà đầu tư tin tưởng như trên, Nam và các đồng phạm áp dụng chiêu thức “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Các đối tượng sẽ thả cho nhà đầu tư những món lợi nhỏ từ những dòng đặt lệnh đầu tiên, sau đó thao túng kết quả ở những dòng lệnh có giá trị giao dịch lớn.

Mr Pips tại trụ sở Công an.

Mr Pips tại trụ sở Công an.

Cũng trong quá trình thiết lập đường dây lừa đảo này, Mr Pips và các đồng phạm cho thuê nhiều trụ sở văn phòng đặt gần trụ sở của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… rồi nói với nhà đầu tư nếu phát sinh kiện cáo, nghi ngờ có thể đến trụ sở văn phòng của chúng để giải quyết.

Quá trình điều tra, bước đầu, cơ quan Công an xác định đường dây lừa đảo này có hơn 1.900 nhân viên. Số bị hại trong vụ án là khoảng 2.661 người với tổng số tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 50 triệu USD.

Dàn “siêu xe” của Mr Pips và các đồng phạm trong đường dây lừa đảo bị tạm giữ.

Dàn “siêu xe” của Mr Pips và các đồng phạm trong đường dây lừa đảo bị tạm giữ.

Tính tới thời điểm hiện tại, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 31 đối tượng. Trong đó, 26 bị can bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 3 bị can bị khởi tố về tội “Rửa tiền”; 1 bị can tội “Không tố giác tội phạm”; 1 bị can tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Vụ án đang tiếp tục được điều tra, xử lý.

Đức Sơn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bay-dau-tu-va-thu-thuat-thao-tung-nan-nhan-cua-duong-day-lua-dao-mr-pips-462906.html