BĐBP chủ động, gấp rút ứng phó với bão số 9

Để chủ động ứng phó với bão số 9, BĐBP các tỉnh, thành đã tăng cường công tác phòng, chống bão. Theo đó, BĐBP các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để di chuyển tránh, trú hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; sơ tán người ở vùng ven biển, trên các lồng bè nuôi thủy sản, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ngãi chuẩn bị tàu cứu nạn sẵn sàng làm nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Văn Tánh

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ngãi chuẩn bị tàu cứu nạn sẵn sàng làm nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Văn Tánh

Tại Quảng Ngãi, Để ngư dân chủ động ứng phó với bão số 9, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường liên lạc, tích cực kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền ngư dân hoạt động trên vùng biển bị ảnh hưởng của bão nhanh chóng tìm nơi trú, tránh an toàn.

Trong ngày 26-10, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi triển khai cho các đơn vị tổ chức kiểm đếm, nắm chắc phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên các ngư trường và neo đậu tại các bến bãi. Các đài canh tìm kiếm cứu nạn phối hợp với đài canh cộng đồng duy trì liên lạc thường xuyên với 235 tàu cá/3.386 ngư dân đang hoạt động trên ngư trường. Cập nhật thường xuyên thông tin về diễn biến của bão số 9 cho ngư dân. Tại địa bàn Đồn Biên phòng Bình Thạnh, hiện có 50 phương tiện đang ở ngư trường Trường Sa, đơn vị đã hướng dẫn cho ngư dân vào các đảo neo cột an toàn. Đại úy Nguyễn Văn Khánh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Thạnh, BĐBP Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay, có 50 phương tiện/2.057 lao động đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa. Số phương tiện này đã nắm được thông tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển của đơn vị và chủ động đưa phương tiện vào các âu tàu thuộc quần đảo Trường Sa tránh trú.

Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã triển khai nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố thiên tai cho các đơn vị cơ động trên biển. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên các tàu tuần tra, cứu nạn đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, đồng thời sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có tình huống xấu xảy ra. Đến 15 giờ chiều 26-10, tỉnh Quảng Ngãi có 147 phương tiện/2.867 ngư dân đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão số 9 thuộc các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển Quảng Ngãi. Trong số này, có 1 phương tiện đang di chuyển về cảng Quy Nhơn, 124 tàu đã vào các đảo thuộc quần đảo Trường Sa tránh trú. BĐBP Quảng Ngãi đang phối hợp với đài canh cộng đồng liên lạc và khuyến cáo thường xuyên cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển biết diễn biến của bão.

Tại Đà Nẵng, ngày 26-10, Đại tá Trần Công Thành, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng có 1.133 tàu cá đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, 832 tàu được đưa lên bờ tránh bão số 9. Tuy nhiên, vẫn còn 7 tàu cá với 62 lao động của Đà Nẵng đang hoạt động trên biển và 72 tàu hàng đang neo đậu tại vùng nước cảng.

Tàu cá neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang tránh bão số 9. Ảnh: Trúc Hà

Tàu cá neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang tránh bão số 9. Ảnh: Trúc Hà

Theo Đại tá Trần Công Thành, số tàu cá còn đang hoạt động trên biển đã được thông tin về bão số 9. Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng yêu cầu các đài canh thông tin của Đồn Biên phòng Phú Lộc, Đồn Biên phòng Sơn Trà giữ liên lạc thường xuyên để thông báo hướng di chuyển của bão, hướng dẫn các tàu cá trên chạy vào đất liền hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Cũng trong chiều 26-10, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công điện gửi các cơ quan, đơn vị triển khai biện pháp ứng phó bão số 9. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, cây xanh, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản và đưa người ra khỏi khu vực trước 15 giờ ngày 27-10. Các lực lượng chức năng kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt bão đi lại đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ. Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống dài ngày và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Các quận, huyện đã rà soát, lên danh sách sơ tán dân theo phương án đã được phê duyệt. Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão với gió cấp 8-11 là 72.136 người, gió bão cấp 12-13 là 140.868 người. Đối tượng sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiên cố, nhà tạm, trong đó ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn gần nhất trong khu vực và sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn.

Tại Bình Định, chiều 26-10, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định đã bố trí lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu và phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thông báo, kêu gọi, hướng dẫn ngư dân đưa tàu, thuyền neo đậu tránh trú bão tại các cảng cá, bến cá trong tỉnh.

Số lượng tàu neo đậu tại bến trong tỉnh hiện có 5.096 tàu/ 35.528 người. Hiện tại, trên vùng biển Bình Định không có tàu cá nào nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện hoạt động trên biển đã nắm được thông tin, hướng đi của bão và đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Để chủ động ứng phó với bão số 9, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định đã duy trì lực lượng thường trực 100% quân số tại cơ quan Bộ Chỉ huy và các đồn, hải đội, đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của BĐBP tỉnh và các đơn vị.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh: Công Cường

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh: Công Cường

Cùng với đó, BĐBP Bình Định yêu cầu các đơn vị thực hiện phương châm "4 tại chỗ", điều động 3 tàu, 5 ca nô trực sẵn sàng khi có lệnh, mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện tránh trú hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, triển khai kế hoạch ứng phó lụt bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và giúp dân khi có tình huống xảy ra.

Tại Quảng Nam, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam, tính đến 6 giờ sáng 27-10, tỉnh Quảng Nam có 60 tàu/2.309 lao động hoạt động tại khu vực Trường Sa, hiện đã tránh trú an toàn tại các đảo. Cũng trong sáng 27-10, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng trên tuyến biên giới đất liền và tuyến biên giới biển, đảo của tỉnh khẩn trương triển khai công tác phòng chống, ứng phó.

BĐBP Quảng Nam kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: Hồng Anh

BĐBP Quảng Nam kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: Hồng Anh

Đại tá Nguyễn Bá Thông, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Nam cho biết, hiện nay trên khu vực biển, nhất là khu vực biển Cù Lao Chàm đã đưa số tàu hoạt động trên biển về các vị trí an toàn, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm phối hợp với chính quyền địa phương dự kiến vận động di dời 130 hộ dân ở trên đảo có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão về nơi tránh trú an toàn. Riêng đối với tuyến biên giới đất liền, Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện công tác đề phòng sạt lở; các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương di dời người dân từ nơi có khả năng sạt lở đến những vị trí an toàn.

Tại Phú Yên, nhằm ứng phó với bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương đã có công điện gửi các ngành chức năng, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống cơn bão được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo là rất mạnh và có tầm ảnh hưởng rộng này.

Cán bộ BĐBP Phú Yên ra khu vực nuôi trồng thủy sản kiểm tra, nhắc nhở người dân giằng neo lồng bè và vào bờ trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Ngũ Tố

Cán bộ BĐBP Phú Yên ra khu vực nuôi trồng thủy sản kiểm tra, nhắc nhở người dân giằng neo lồng bè và vào bờ trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Ngũ Tố

Chủ tịch UBND Phú Yên yêu cầu lực lượng chức năng triển khai các biện pháp rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo, hướng dẫn tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp, neo đậu để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu; triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê kè, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các tuyến đê kè biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cần chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà ở có cấu trúc yếu không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... Thời gian di dời hoàn thành trước 18 giờ ngày 27-10.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Phú Yên có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ 163 tàu cá/962 lao động (khu vực giữa biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa), hoạt động gần bờ 124 tàu cá/570 lao động (từ Quảng Ngãi - Bình Thuận). Nuôi trồng thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 74.660 ô lồng/1.861 bè, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão và mưa lũ.

Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên cho biết, chủ động ứng phó với bão số 9, hiện nay các đơn vị BĐBP Phú Yên đã và đang tích cực kết nối thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển tìm nơi trú, tránh. Đồng thời, triển khai lực lượng có mặt tại các địa bàn xung yếu giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, giằng neo lồng bè, sắp xếp nơi neo đậu tàu thuyền và di dời các phương tiện có công suất nhỏ lên bờ.

Các trạm kiểm soát biên phòng trong tỉnh còn thường xuyên thông tin liên lạc thông báo cho các phương tiện hoạt trên biển biết để chủ động phòng trách, di chuyển ra khỏi vùng biển nguy hiểm. Ngoài ra, lực lượng cơ động BĐBP tỉnh cũng luôn sẵn sàng tăng cường cho các địa bàn khi có yêu cầu.

Thu Minh (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-chu-dong-gap-rut-ung-pho-voi-bao-so-9-post434525.html