Bế mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc sau 10 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả. Nhiều chương trình đề ra đã hoàn thành, quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền và chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Tại phiên họp này, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Dự án Luật lực lượng dự bị động viên; Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; cho ý kiến (lần 2) về Dự án Luật thư viện; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Dự án Luật chứng khoán (sửa đổi).

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2020; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.

UBTVQH đã xem xét, quyết định Danh mục Dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 nguồn ngân sách trung ương; việc bổ sung danh mục mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể 1 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; thành lập 5 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập TP. Long Khánh (Đồng Nai). Đồng thời, xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, kiêm nhiệm Liên bang Micronesia. Ngoài ra, UBTVQH cũng bàn về công tác nhân sự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nội dung phiên họp lần này tương đối nhiều, thời gian họp không dài nhưng với tinh thần tập trung, trách nhiệm cao, UBTVQH đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Sau phiên họp, Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cùng các cơ quan hữu quan căn cứ vào kết luận của UBTVQH để khẩn trương, tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo giám sát gửi đại biểu Quốc hội; đồng thời hoàn thiện các dự thảo nghị quyết của UBTVQH để ký ban hành” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương hoàn thiện và gửi dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7 để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.

Trước đó vào chiều ngày 18/4, UBTVQH đã lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, qua gần 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của 2 Luật này cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cụ thể, đối với Luật Tổ chức Chính phủ, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều về các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tờ trình của Chính phủ đề nghị sửa đổi 23 điều của Luật này. Nội dung sửa đổi tập trung vào việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; cơ cấu tổ chức của Hội đồng Nhân dân; phương thức hoạt động của chính quyền địa phương; tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo, ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và cụ thể hóa chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Tại phiên họp, vấn đề giảm số Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và tăng số Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã loại 2 là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến. Theo đó, Dự thảo Luật quy định giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người và tăng số Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2 từ 1 người lên 2 người.

Thực tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó Chủ tịch, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương vì thực chất được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ đối với các vấn nêu trên để vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu và sẽ sắp xếp, bố trí vào vị trí công việc nào cho phù hợp. Nếu tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2, toàn quốc sẽ tăng bao nhiêu, có phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế không, điều này cần được làm rõ..

Đối với vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc giảm số Phó Chủ tịch ở cơ quan dân cử, tăng ở khối chính quyền là không hợp lý. “Chính phủ phải có đánh giá tác động lại vấn đề này một cách chính xác, đầy đủ, rõ ràng, để vừa phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị và Trung ương, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/be-mac-phien-hop-thu-33-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-118586.html