Bệnh đậu mùa khỉ hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào tối ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên trả lời câu hỏi báo chí tối ngày 3/8.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên trả lời câu hỏi báo chí tối ngày 3/8.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên cho biết hiện Việt Nam được phân loại là nhóm 1 khi chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng nguy cơ xâm nhập hoàn toàn có thể xảy ra. Nguyên nhân là do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và đặc biệt là quốc gia lân cận Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Việt Nam lại có chính sách mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả đối với dịch COVID-19 thì sự giao lưu, đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa nước ta và các nước trên thế giới cũng như trong khu vực nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận năm 1970, chủ yếu lưu hành ở Trung và Tây Phi. Tuy nhiên, từ tháng 5.2022, dịch bệnh có diễn biến bất thường khi gia tăng số ca mắc tại nhiều nước. Đến cuối tháng 7/2022, thế giới ghi nhận 21.000 ca bệnh, tại 78 quốc gia, trong đó 7 ca tử vong. Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó với ba tình huống đậu mùa khỉ gồm chưa có bệnh nhân; bệnh xâm nhập; dịch lan rộng. Bộ cũng ban hành hướng dẫn người nghi nhiễm hoặc mắc đậu mùa khỉ cách ly tại trạm y tế hoặc bệnh viện, điều trị triệu chứng, có thể dùng thêm thuốc đặc hiệu.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin, diễn biến dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát phòng chống dịch ngay tại cửa khẩu, tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Xử lý kịp thời ổ dịch, điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong, ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, chi phí để triển khai các biện pháp phòng chống, tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh.

Xây dựng kế hoạch đáp ứng về y tế với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật; tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán, xác định. Tập huấn cho cán bộ y tế.

PV/HANOITV

(Tổng hợp)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/benh-dau-mua-khi-co-nguy-co-xam-nhap-vao-viet-nam-d205477.html