Bệnh não mô cầu nguy hiểm như thế nào?

Bệnh não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường là căn nguyên chính gây viêm màng não ở trẻ nhỏ. Bệnh tiến triển nhanh và gây biến chứng nguy hiểm.

Ai dễ mắc viêm não mô cầu?

Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có khả năng gây thành dịch.

Tuy nhiên, một số đối tượng dễ mắc bệnh não mô cầu nhất bao gồm:

- Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi

- Thanh thiếu niên và thanh niên

- Những người sống trong môi trường đông đúc như ký túc xá, nhà trọ hoặc doanh trại quân đội

- Những người suy dinh dưỡng kéo dài do bất thường hệ tiêu hóa hoặc suy giảm chức năng hấp thụ đường ruột

- Người du lịch đến các khu vực dịch tễ lưu hành như Châu Phi

- Nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu

- Những người có thể tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu trong ổ dịch.

Bệnh nhiễm não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng bị nhiễm Neisseria meningitidis.

Bệnh nhiễm não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng bị nhiễm Neisseria meningitidis.

Biểu hiện bệnh não mô cầu

Bệnh não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng bị nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis, khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các virus đường hô hấp.

Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 ngày (có thể từ 2-10 ngày). Những hành động như ho, hắt hơi, hôn, tiếp xúc với dịch tiết, sử dụng chung đồ dùng vệ sinh cá nhân với người bệnh chính là nguy cơ dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis.

Khi nhiễm vi khuẩn người bệnh thường sẽ xuất hiện những triệu chứng lâm sàng như sau:

- Sốt cao đột ngột 38 - 39 độ C, cảm thấy đau đầu dữ dội, rát họng, chảy nước mũi.

- Cứng cổ và gáy.

- Nôn, buồn nôn, toàn thân đau mỏi cơ khớp.

- Tinh thần bị lú lẫn, hoảng loạn, co giật và hôn mê, rối loạn các chức năng não.

- Có dấu hiệu sợ ánh sáng.

- Bắt đầu xuất hiện các ban xuất huyết đặc trưng sau vài giờ khởi phát bệnh hoặc sau vài ngày. Các vết ban xuất hiện đầu tiên ở chân sau đó lan ra toàn cơ thể. Kích thước thay đổi dần từ vết nhỏ đến những mảng xuất huyết lớn làm bong và hoại tử da.

Đối với trẻ sơ sinh, các biểu hiện có thể sẽ không rõ rệt mà thay vào đó, trẻ quấy khóc liên tục, cơ thể lừ đừ, giảm hoạt động, nôn và có dấu hiệu co giật. Khi đó cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám phát hiện bệnh kịp thời. Nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng.

Xét nghiệm phát hiện não mô cầu chủ yếu dựa vào xét nghiệm dịch não tủy vì vi khuẩn này tồn tại và phát triển chủ yếu trong dịch não tủy. Tuy nhiên, sau xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn cho kết quả dương tính, cần thực hiện nhiều xét nghiệm khác để đánh giá và tiên lượng bệnh, đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.

Mặc dù vi khuẩn não mô cầu có mặt trong nhiều dịch tiết của cơ thể, song xét nghiệm có tỷ lệ dương tính cao nhất để phát hiện vi khuẩn này vẫn là xét nghiệm dịch não tủy.

Tiêm vaccin phòng bệnh viêm não mô cầu mang lại hiệu quả phòng bệnh cao

Tiêm vaccin phòng bệnh viêm não mô cầu mang lại hiệu quả phòng bệnh cao

Biến chứng bệnh não mô cầu

Bệnh nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ và/hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh não mô cầu nếu được điều trị tốt và kịp thời, tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 95%. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, điều trị muộn, người bệnh phải đối mặt với nhiều di chứng sức khỏe lâu dài.

Bệnh não mô cầu tiến triển nhanh và nguy hiểm. Rất khó phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Tuy nhiên não mô cầu có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật trong vòng 24 giờ.

Nếu may mắn sống sót, người bệnh phải gánh chịu những di chứng nặng nề như cắt bỏ chi, ngón tay, ngón chân, tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận, bị các vấn đề về tâm lý.

Có thể phòng bệnh não mô cầu được không?

Bệnh não mô cầu là bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên chúng ta vẫn có thể chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách:

Thường xuyên vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ và đảm bảo đủ ánh sáng tại nơi ở, trường học, nơi làm việc. Ở những nơi có ổ dịch cũ cần tăng cường giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp sốt, viêm hầu họng phục vụ cho mục đích theo dõi. Nếu có điều kiện tiến hành ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.

Tiêm vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu mang lại hiệu quả phòng bệnh cao, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng của bệnh.

Với những người chưa tiêm phòng hoặc nghi ngờ nhiễm não mô cầu khuẩn do tiếp xúc, khi có triệu chứng nghi ngờ cần cách ly ngay lập tức để tránh lây nhiễm bệnh. Đồng thời, người bệnh khi đó sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời.

Sử dụng thuốc dự phòng não mô cầu với người có nguy cơ cao như người tiếp xúc nguồn bệnh, bạn cùng phòng, đồng nghiệp, người thân, người nhà của người bệnh,…

Bệnh não mô cầu rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, bệnh tiến triển nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Người bệnh may mắn sống sót cũng phải gánh chịu những di chứng nặng nề ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống và chất lượng sống của bệnh nhân. Vì vậy, việc phát hiện sớm và tiêm vaccin phòng bệnh là điều vô cùng quan trọng.

Tử vong do não mô cầu

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm trùng do não mô cầu thể tối cấp, nhập viện trong tình trạng có phát ban và tử vong trong chiều cùng ngày.

Bệnh nhân là một nữ công nhân, 52 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, nhập viện lúc 11h ngày 24/9 trong tình trạng thở nhanh, huyết áp 150/90mmHg, xuất huyết da dạng bản đồ lan rộng rải rác toàn thân, vài vị trí có hoại tử trung tâm.

Bệnh khởi phát trước đó một ngày với sốt, ớn lạnh và đau nhức toàn thân. Chiều cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện các mảng ban màu hồng tím xuất phát từ cánh tay lan ra toàn thân.

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, sử dụng kháng sinh và thuốc vận mạch. Tuy nhiên tình trạng nặng, bệnh nhân đã tử vong sau 6 giờ nhập viện.

BS. Trần Văn Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-nao-mo-cau-nguy-hiem-nhu-the-nao-169240926095644629.htm